Nhân ngày Môi trường Thế giới (5-6) vừa qua, nhiều vấn đề liên quan đến tệ nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đã được đưa ra ánh sáng. Khu vực được nói đến nhiều nhất là châu Á, nơi hằng năm có từ 20-25 ngàn con voi bị lấy ngà, và châu Phi, với hơn 1.200 con tê giác bị giết để lấy sừng.
Trong lúc nhiều chủng loài động vật như tê giác, cọp, voi… đang giảm sút, có loài đã ở bên bờ vực tuyệt chủng, thì hiện nay, những loài ít được biết đến hơn như tê tê, rùa, bò sát thường bị buôn bán xuyên biên giới bất hợp pháp và tiêu thụ trong vùng châu Á – Thái Bình Dương. Dù cho nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã có những biện pháp đối phó với tệ nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, các đường dây tội phạm xuyên quốc gia vẫn né tránh được luật lệ, từng bước đưa động vật hoang dã vào thị trường hợp pháp thông qua sự lừa gạt, kỹ thuật tiên tiến, hoặc đơn giản bằng sự hối lộ. Những vụ tịch thu nhiều tấn ngà voi vừa qua ở Campuchia, Hongkong, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cho thấy sự hiện diện đầy thách thức của những tổ chức mua bán động vật hoang dã bất hợp pháp xuyên quốc gia.
Nhận định chung của các nhà bình luận là tệ nạn mua bán động vật hoang dã đã buộc mọi người phải trả một cái giá quá đắt. Ngà voi được bán với giá 21 ngàn USD/kg, trong khi một con voi còn sống có thể mang lại lợi ích kinh tế trên 1,6 triệu USD! Tệ nạn này còn có những tác hại nghiêm trọng đối với tính đa dạng sinh học, dẫn đến sự hủy hoại hệ sinh thái và nguy cơ tuyệt chủng của nhiều chủng loài. Tác động về môi trường của nó còn vượt xa dự liệu của các nhà khoa học, hậu quả là sự lan truyền bệnh hay du nhập những giống có hại cho hệ sinh thái, khi chúng được chuyển từ biên giới nước này sang nước khác. Năm 2015, Đại Hội đồng LHQ đã ra một nghị quyết kêu gọi các nước thành viên tuyên bố hành vi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là một tội phạm nghiêm trọng. Mới đây, tại hội nghị diễn ra ở Kenya (từ 23 đến 27-5-2016), Hội đồng Môi trường LHQ tái xác nhận tính cấp bách của việc gia tăng nỗ lực chống lại tội phạm trên thông qua những hành động cụ thể ở tầm mức quốc gia cũng như trong phạm vi hợp tác quốc tế. Các nhà lãnh đạo trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã nhận ra thực chất của vấn đề, trong hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia, họ đã bổ sung hành vi buôn bán động vật hoang dã và phá rừng vào danh sách các tội phạm xuyên quốc gia hàng đầu.
Theo nhận định của các nhà bình luận quốc tế, việc phòng chống nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đòi hỏi một sự hợp tác quốc tế có hiệu quả, đi từ nguồn xuất phát của chúng, nguồn chuyên chở, đến nơi chúng được đưa vào. Về mặt luật pháp, cần lấp đầy những lỗ hổng pháp lý, dẫn đến sự song hành giữa luật và hình phạt, trong đó có hình phạt dành cho tội hối lộ và tham nhũng. Liên Hiệp Quốc cũng vừa phát đi lời kêu gọi mọi người cảnh giác với các hành vi buôn bán động vật hoang dã, từ các nhà làm luật, các lãnh đạo cộng đồng, viên chức cảnh sát, thuế quan… đến các doanh nhân và người dân.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)