Cách đây hơn một năm, câu chuyện về một bà cụ họa sĩ tay ngang “phục chế” bức tranh vẽ Chúa Jesus trong ngôi giáo đường cổ ở Tây Ban Nha đã gây nên một trận bão hài hước lan truyền khắp thế giới.
Không ngờ “thảm họa phục chế” ấy lại có tác dụng tích cực hết sức bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của những ai lạc quan nhất!
Bà cụ Cecilia Giménez, 81 tuổi, là một con chiên sùng đạo của nhà thờ Santuario de la Misericorda tại Borja, một thị trấn nhỏ xưa cũ với khoảng 5.000 dân, nằm cách thủ đô Madrid chừng 300km về phía đông bắc. Trong ngôi thánh đường được xây dựng từ thế kỷ XVI ấy có một bức bích họa được họa sĩ Elias Garcia Martinez thực hiện từ cuối thế kỷ XIX, mô tả Chúa Jesus đội vòng gai như được kể trong Kinh Thánh và được gọi là Ecce Homo (trong nguyên ngữ Latinh có thể dịch là “Người ấy đây”). Trải qua bao tháng năm, bức bích họa đã bị bong tróc, mất nhiều chi tiết. Được sự đồng ý của nhà thờ, bà cụ Cecilia Giménez đã ra tay “phục chế”, để rồi biến bức tranh tường từ Ecce Homo trở thành Ecce Mono (Con khỉ ấy đây) như cách chơi chữ giễu nhại của báo chí về bức tranh đã bị làm hỏng hoàn toàn, khiến hình ảnh Chúa Jesus trở nên thật khôi hài!
Không ngờ qua thông tin được lan truyền nhanh chóng khắp hành tinh trên internet, du khách bốn phương tấp nập tìm đến thị trấn Borja xa xôi hẻo lánh, để được tận mắt xem bức Ecce Mono (giờ cũng trở thành “nickname” của bà Giménez). Tính đến tháng Tám vừa qua, tròn một năm sau khi diễn ra “thảm họa phục chế” ở nhà thờ Santuario de la Misericorda, đã có gần 60.000 du khách đến với Borja trong khi chỉ có 6.000 người tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Tôn giáo, một trong hơn 20 di tích lịch sử và văn hóa lâu đời của thị trấn này. Hãng hàng không giá rẻ Ryanair đã không bỏ lỡ cơ hội, rao bán các chuyến bay với giá vé chỉ 12 euro cho khách nội địa bay từ nhiều tỉnh thành của Tây Ban Nha tới sân bay Saragossa gần nhà thờ nhất. Còn du khách nước ngoài thì đến từ khắp châu Âu, các nước Mỹ Latinh, Úc, Nhật và cả Trung Quốc. Khi đến xem bức tranh, du khách đã hiến tặng khoảng 50.000 euro vào quỹ của nhà thờ.
Không riêng gì nhà thờ Santuario de la Misericorda được hưởng lợi từ “thảm họa phục chế” ấy, du khách còn giúp cho cuộc sống thường nhật ở Borja nhộn nhịp hơn bao giờ hết; họ tiêu tiền trong các quán ăn, nhà hàng, quán cà phê… Một vườn nho tại địa phương nhanh chóng tung ra mẻ rượu vang đặc biệt với nho của vụ mùa vừa thu hoạch gần đây, nhãn rượu in hình bức tranh “phục chế”. Và người ta còn ăn theo bức tranh ấy bằng nhiều cách: in trên áo pull, đồ lưu niệm các loại để bán cho du khách.
Ông Francisco Arilla, thị trưởng của Borja rất hài lòng với những gì thị trấn gặt hái được từ vụ “chữa lành hóa què” ấy: “Sau tất cả những gì đã xảy ra, kết quả được chúng tôi cân nhắc là tích cực. Bức tranh ấy đã được đông đảo khách tham quan đến từ các nước trên thế giới. Chúng tôi đã có được một chiến dịch quảng cáo tự nhiên, cho chúng tôi niềm tự hào thị trấn của mình giờ đã trở nên nổi tiếng”. Rõ ràng là thay vì kết tội bà Giménez phá hoại văn vật, chính quyền địa phương nay phải cảm ơn bà!
Được biết, toàn bộ khoản tiền được du khách (đã, đang và còn tiếp tục) hiến tặng cho nhà thờ sẽ được dùng trang trải chi phí phục vụ công việc đón tiếp khách tham quan và đưa vào quỹ từ thiện Sancti Spiritus để chăm lo cho một nhà dưỡng lão tại địa phương. Còn “tội đồ” Cecilia Giménez? Có nguồn tin bà cụ đòi được chia phần trong khoản tiền mà nhà thờ được du khách hiến tặng. Thật ra, bà chẳng nhìn thấy một xu nào trong số tiền ấy; ngược lại bà chỉ mong muốn quỹ của nhà thờ sẽ trích ra một khoản để giúp đỡ những người mắc chứng bệnh thoái hóa giống như con trai bà. Tuy nhiên bà có thể sẽ thu hoạch được một vụ mùa lớn hơn nhiều: bà dự tính sẽ tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân tranh do bà vẽ, trong đó sẽ có cả bức vẽ lại “thảm họa phục chế” được một vườn nho khác đặt hàng để làm nhãn rượu. Và rồi các sản phẩm sử dụng hình ảnh “thảm họa phục chế” sẽ phải trả bản quyền cho bà nữa. Chưa hết: một hội mỹ thuật ở địa phương gần với Borja đã tổ chức một giải thưởng hội họa quốc tế mang tên Cecilia Giménez!
- Lê Bản