Khởi đầu từ năm 2008 với chặng tranh lụa cách tân, tìm được một ngôn ngữ mới cho tranh lụa Việt, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn đã đạt được những thành công cả về mặt nghệ thuật lẫn thương mại. Nhưng trong triển lãm “Sợi chỉ đỏ” của mình(*), Bùi Tiến Tuấn đã giã biệt lụa là để đến với những tìm kiếm mới.
Phòng tranh “Sợi chỉ đỏ” trưng bày 20 tác phẩm được Bùi Tiến Tuấn vẽ bằng màu nước trên giấy dó truyền thống. Ở loạt tranh mới nhất này, thoạt nhìn vẫn thấy những hình ảnh, mô-típ quen thuộc của chặng tranh lụa đã qua: những người nữ đầy gợi cảm trong các tư thế quyến rũ, có chút ma mị của loài “hồ ly tinh” trong truyện Liêu Trai, được tác giả vờn tỉa công phu. Nhưng, giữa chặng vẽ lụa trước đây và chặng giấy dó hôm nay bề mặt tranh đã khác hẳn – thay cho sự mịn màng, là lượt của chất liệu lụa là sự thô ráp, bình dị của giấy được chế tác thủ công từ rơm rạ, dù cả hai đều rất mong manh, đòi hỏi người sử dụng chúng phải thuần thục về kỹ năng tạo hình, xử lý màu sắc, độ đậm nhạt của những mảng khối, sự uyển chuyển của nét bút đi trên bề mặt tranh, chỉ sơ sẩy là hỏng ngay.
Vẽ giấy dó, nhưng khác với cách thể hiện thường là phóng bút của nhiều tác giả đi trước, Bùi Tiến Tuấn “chơi” công bút. Có thế anh mới đi được những nét thật mảnh, thật mềm và thật điệu nghệ để miêu tả những chi tiết trong tranh. Hóa ra, như anh tiết lộ: ngay từ thời còn là sinh viên khoa Lụa của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (mà nay anh đang giảng dạy), Bùi Tiến Tuấn đã làm quen với chất liệu giấy dó, lại học tập được kỹ năng của loại hình nghệ thuật rất khó chịu này từ họa sĩ – giảng viên Nguyễn Đức Hòa vốn nổi tiếng với tranh giấy dó. Nay quay trở lại với loại tranh từng được thầy Hòa cho điểm 10 tuyệt đối thời sinh viên, cộng với kinh nghiệm tích lũy từ chặng vẽ lụa, Bùi Tiến Tuấn quả đã làm nên chuyện.
Loạt tranh giấy dó 20 bức – theo tác giả, anh đã vẽ rất nhiều và chỉ tuyển chọn chừng đó bức cho phòng tranh này – không chỉ là sự tìm kiếm mới về chất liệu tạo hình mà so với chặng vẽ lụa cũng có nhiều thay đổi về dựng hình, xử lý bố cục. Có những bức ở đó hình chiếm trọn không gian và có những bức hình bị dồn, bị nén chặt vào một góc tranh, để trống trải mặt tranh trên nền giấy dó. Riêng cách anh bồi tranh ngay trên mặt vải bố, để sợi bố tạo thêm hiệu quả thị giác cho mặt tranh cũng khác với cách trình bày tranh giấy dó lâu nay. Người nữ trong tranh vẫn là những hình tượng của sự phù phiếm, của niềm vui rồi sẽ qua nhanh để rồi họ cũng sẽ chìm trong cô đơn, trong nỗi sầu thảm khi hoa sẽ tàn, trăng sẽ khuyết, giống như những sợi chỉ đỏ buộc ràng vấn vít trên cơ thể họ. Dù không có ý định “lập ngôn” nhưng từ “Phù phiếm” (tên gọi một triển lãm tranh lụa năm 2011 của Bùi Tiến Tuấn cũng tại gallery Craig Thomas) hôm qua đến “Sợi chỉ đỏ” hôm nay, tác giả đã “nói” rất nhiều về hội họa của mình. Tuy nhiên, chặng giấy dó này cũng chỉ là một thể nghiệm trên hành trình nghệ thuật chắc chắn còn rất dài của Bùi Tiến Tuấn.
Khi viết về phòng tranh “Phù phiếm”, nhà phê bình Nguyễn Quân nhận định “lụa của Bùi Tiến Tuấn mang lại một âm, một hương, một sắc khác cho tranh lụa có vẻ đang héo úa ở nước ta”, còn xem phòng tranh này những người đã ưa thích chặng tranh lụa Bùi Tiến Tuấn, tìm thấy những cảm xúc thẩm mỹ mới ở loại hình tranh giấy dó mà bao người đã vẽ trước nay!
(*) Tại gallery Craig Thomas, 27i Trần Nhật Duật, P. Tân Định, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, từ 3 đến 23-10-2013
“Nếu các tranh chân dung vẽ trên lụa của Tuấn là cửa sổ đi vào thế giới mộng mị của họa sĩ, thì loạt tranh Sợi chỉ đỏ đưa trực tiếp người xem vào thế giới nơi mà sự gợi cảm có thể chạm đến được thông qua chất mộc của bề mặt giấy dó”.
Lời giới thiệu của gallery Craig Thomas