Thỉnh thoảng, thấy ngực nhói đau, một lần rồi thôi, hay âm ỉ kéo dài, bạn sẽ xử lý thế nào? Thông thường, khi bị đau ngực nhiều người sẽ nghĩ rằng chắc mình bị bệnh tim.
Thực ra không phải vậy, mà đó có thể là một triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, từ không đáng kể đến nguy hiểm đến tính mạng.
Bất cứ phần nào trong lồng ngực đều có thể gây đau ngực, bao gồm tim, phổi, thực quản, cơ, xương và da. Ngoài ra, do sự phân bố của hệ thần kinh, đau ngực có thể xuất phát từ một nơi khác như bao tử và một số cơ quan trong bụng.
Đau ngực chỉ là một triệu chứng, do đó chúng ta nên truy tìm một số nguyên nhân tim mạch (cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, viêm màng ngoài tim cấp, phình bóc tách động mạch chủ, thuyên tắc phổi), phổi (viêm phổi, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, chấn thương phổi), thực quản (viêm thực quản, trào ngược dạ dày thực quản), cơ (viêm cơ liên sườn, viêm cơ thành ngực), xương (viêm sụn sườn), da (zona), thủng tạng rỗng (bao từ, ruột)… hay do căng thẳng tâm lý.
Trong các nguyên nhân trên, chỉ có nguyên nhân tim mạch là cần phải chẩn đoán sớm để có thể cấp cứu kịp thời nhằm bảo vệ tính mạng cho người bệnh, các nguyên nhân còn lại bác sĩ sẽ có đủ thời gian để giải quyết.
Nếu bạn còn trẻ, từng có một cơn đau tương tự hay cơn đau thay đổi theo tư thế, không kéo dài hay xảy ra sau khi bị căng thẳng tinh thần thì bạn có thể tạm thời uống thuốc giảm đau (Paracetamol), nằm nghỉ, nếu sau vài tiếng đồng hồ không giảm thì phải đến khám bác sĩ.
Ngược lại, bạn phải đến bệnh viện cấp cứu ngay nếu có một trong những tình huống như:
- Bạn lớn hơn bốn mươi tuổi và có sẵn một số yếu tố nguy cơ tim mạch như cao huyết áp, tăng mỡ máu, tiểu đường, hút thuốc lá hay tiền sử gia đình có bệnh tim.
- Cơn đau xảy ra bên ngực trái, đột ngột và lan lên cổ và tay trái.
- Bạn đột ngột thấy nhói ngực, khó thở, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn ói.
- Cơn đau càng ngày càng tăng và tăng sau khi ho hay hoạt động mạnh.
- Cơn đau làm bạn phải nín thở trong vài giây và lặp lại nhiều lần.
Khi bạn đến gặp bác sĩ, việc đầu tiên bác sĩ sẽ làm là loại nguyên nhân cấp cứu tim mạch bằng cách hỏi kỹ bệnh sử, khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm như điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm các men tim (và làm biện pháp tim gắng sức nếu cần) chụp CT bụng (nếu nghi ngờ phình bóc tách động mạch chù ngực hay bụng) và CT ngực (nếu nghi ngờ thuyên tắc phổi). Kế đó bạn sẽ được chụp X quang phổi, siêu âm bụng và làm thêm X quang bụng không sửa soạn (nếu nghi ngờ có thủng tảng rỗng).
Để tránh những cơn đau ngực nguy hiểm, bạn nên có những biện pháp phòng ngừa như không hút thuốc lá, duy trì một cân nặng lý tưởng, tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút/ngày, bảo đảm chế độ ăn ít mỡ và kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết và cholesterol.
Nếu có tiền sử đau dạ dày thì phải rất cẩn thận khi uống bất cứ loại thuốc nào (nhất là thuốc giảm sốt hay giảm đau) vì dễ bị thủng dạ dày cần phải mổ cấp cứu.
Tóm lại, khi có triệu chứng đau ngực, bạn cần đi khám bác sĩ để làm chẩn đoán xác định để điều trị kịp thời và cũng để tránh những ám ảnh về bệnh tim gây cho bạn nhiều trăn trở không cần thiết.