Cứ gần đến cuối năm, người ta hay bàn đến chuyện tiền nong. Có lẽ đây cũng là dịp để nhiều người nhìn lại cuộc sống một năm qua, sau bao vất vả để mưu sinh, và tiếp tục đặt hy vọng vào một năm mới dễ thở hơn. Với đại bộ phận người dân, năm 2013 lại là một năm đầy khó khăn, dù đã thắt chặt chi tiêu và tìm mọi cách bươn chải, xoay xở để tồn tại. Vậy mà, đến cuối năm, theo số liệu của Chính phủ, của cơ quan thống kê, thu nhập của người dân Việt Nam có mức tăng ấn tượng. Vì sao lạ vậy?
Tại cuộc hội nghị với các nhà tài trợ nước ngoài hôm 5-12, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam tính đến cuối năm nay là 1.960 USD. Trong khi cũng tại hội nghị này năm trước con số này mới chỉ có 1.600 USD. Vậy là chỉ trong vòng một năm, thu nhập bình quân của người Việt Nam đã tăng đến 360 USD, tương đương tỷ lệ tăng là 22,5%. Sao lại có mức tăng cao đến vậy khi mà tốc độ tăng GDP năm 2013 chỉ có 5,3 – 5,4%, còn lạm phát cao nhất cũng chỉ 7%/năm.
Sự giàu lên một cách khó hiểu này cũng diễn ra tại TP.HCM và trở thành một trong những chủ đề thảo luận nóng tại cuộc họp Hội đồng nhân dân TP.HCM diễn ra vào đầu tuần rồi.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo của thành phố, tăng trưởng GDP của thành phố năm 2013 là 9,3%, không đạt kế hoạch đề ra, nhưng GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 4.513 USD, vượt kế hoạch đề ra là 4.000 USD/người.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng chỉ tiêu tăng GDP không đạt mà GDP bình quân đầu người lại vượt kế hoạch cao như vậy là việc rất lớn, cần giải thích rõ để các đại biểu có niềm tin chắc chắn chứ không nên cứ ngờ ngợ đúng sai.
Sản xuất gặp khó khăn nhưng GDP vẫn tăng
Theo giải thích của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, năm 2012 GDP bình quân đầu người được tính theo GDP giá cố định năm 1994 nên đến cuối năm là 3.600 USD/người. Đến giữa năm 2013 số này được tính theo phương pháp mới, tức là dựa trên giá cố định năm 2010, nên đã thành 4.000 USD/người.
Như vậy theo lý giải trên thì do thay đổi phương pháp tính mà người dân tự dưng có thêm 400 USD, tính đến cuối năm 2012.
Nhưng nếu suy xét kỹ hơn sẽ thấy đây là cách giải thích chưa thỏa đáng (vì tốc độ tăng trưởng GDP được tính theo giá so sánh, tức là đã khử lạm phát và quy về cùng một gốc. Còn GDP bình quân đầu người được tính theo giá hiện hành). Và nếu chịu khó tìm đọc số liệu trong các cuốn Niên giám thống kê (2011 và 2012) thì sẽ thấy nguyên nhân chính nằm ở đâu.
Thực ra, ngành thống kê cho rằng “trong quá trình điều tra thu thập thông tin những năm gần đây, Tổng cục Thống kê nhận thấy một số lĩnh vực đã phản ánh chưa hết”, vì vậy mà họ đã tự động tăng quy mô giá trị gia tăng của lĩnh vực ngân hàng và khấu hao nhà tự có tự ở của dân cư.
Chỉ vì động tác “cộng thêm một cục” này vào GDP khiến cho toàn bộ số liệu liên quan đến GDP trước đây, từ năm 2012 trở về trước, xem như bị xóa sổ, bởi nếu đem ra sử dụng và đặc biệt là để so sánh thì e rằng sẽ bị “việt vị” như hai tình huống đã nêu ở trên.
Điều đáng nói ở đây là nếu muốn thay đổi hay điều chỉnh các con số thống kê như vậy, Tổng cục Thống kê phải có trách nhiệm công bố công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời cơ quan này còn phải có trách nhiệm giải trình vì sao tăng quy mô của khu vực này mà không tăng khu vực khác, việc điều chỉnh như vậy có hợp lý không (thực ra thì không hợp lý chút nào nhưng vì đây là vấn đề mang tính chuyên môn nên không tiện nêu ra trong bài viết này).
Từ việc điều chỉnh số liệu nêu trên đã dẫn đến hàng loạt câu hỏi cần được giải đáp.
Trước hết, không biết Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư khi lên kế hoạch ngân sách, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ… dựa vào con số GDP trước hay sau khi điều chỉnh. Bởi con số GDP năm 2012 trước và sau khi điều chỉnh lệch nhau đến gần 300.000 tỉ đồng, nên nếu chỉ tính riêng mức bội chi ngân sách được thông qua mới đây là 5,3% GDP, thì khoản chênh lệch về bội chi ngân sách trước và sau khi điều chỉnh GDP đã lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Các chỉ tiêu kinh tế khác như nợ công, tổng vốn đầu tư toàn xã hội hay kế hoạch giảm nghèo dường như cũng trở nên chông chênh và khó đoán định hơn.
Liên quan đến công tác hoạch định chính sách, nếu không có số liệu đúng và đủ, không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, chủ trương đúng.
Việc GDP tự dưng tăng thêm gần 300.000 tỉ đồng lần này có thể làm lệch lạc các đánh giá về thực trạng kinh tế nước ta, khiến cho các giải pháp gỡ khó cho nền kinh tế có thể không còn phù hợp.
Lâu nay, các con số thống kê của Việt Nam thường bị phê phán là thiếu chuẩn xác, thiếu độ tin cậy vì nhiều lý do, kể cả đôi khi còn do chạy theo thành tích nhằm làm đẹp các bản báo cáo… Một dẫn chứng tiêu biểu cho căn bệnh chạy theo thành tích này là số liệu GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi GDP cả nước. Một thực tế vô lý, khó có thể chấp nhận đối với những người có hiểu biết, vậy mà nó vẫn cứ tồn tại cho đến hôm nay.
Với lần điều chỉnh này, có thể nói là đã “bắt được quả tang”, nếu như Tổng cục Thống kê không có lời giải thích thuyết phục, thì niềm tin của xã hội vào các số liệu thống kê của Việt Nam, vốn đã rất mong manh, lại thêm một lần bị tổn thương.
Quế Thanh