Bùi Hữu Nghĩa sinh năm 1807 người làng Long Tuyền, Cần Thơ. Năm 1835, ông đỗ thủ khoa kỳ thi Hương năm Ất Mùi tại trường thi Gia Định, nên gọi là Thủ khoa Nghĩa, được bổ làm Tri huyện Phước Long, tỉnh Biên Hòa, rồi thiên bổ Tri huyện Trà Vinh. Vì tính cương trực, ông đương đầu với đám cường hào ác bá tại Trà Vinh. Sau bị chúng vu oan, tìm cách hãm hại nhưng may có vợ là Nguyễn Thị Tồn biết được và ra tận kinh đô để kêu oan nên thoát cảnh lao tù.
Sau sự kiện chấn động này, Bùi Hữu Nghĩa được vua Tự Đức tha tội chết, song phải chịu án “quân tiền hiệu lực”, tức bị đày làm lính ở đồn Vĩnh Thông (thuộc Châu Đốc), đoái công chuộc tội. Khi thực dân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, Bùi Hữu Nghĩa xin từ chức, về quê dạy học. Mặc dù từ quan, Bùi Hữu Nghĩa vẫn thầm kín tham gia phong trào Văn Thân, cùng một chủ trương như Phan Văn Trị, ông họa thơ lên tiếng kết án đường lối thỏa hiệp với Pháp của Tôn Thọ Tường. Nhà ông là nơi các sĩ phu yêu nước gặp gỡ, bàn bạc việc chống Pháp cứu nước. Ông lâm bệnh và mất ngày 21 tháng 01 năm Nhâm Thân (1872). Ông để lại nhiều thơ chữ Hán, chữ Nôm và bản tuồng Kim Thạch Kỳ duyên.
Trong thời gian Bùi Hữu Nghĩa phải chịu án “quân tiền hiệu lực”, bị đày làm lính ở đồn Vĩnh Thông (thuộc Châu Đốc) để đoái công chuộc tội. Ông đã viết một số bài thơ thể hiện cảm nhận của mình về phong thổ miền biên trấn An Giang. Đầu tiên có thể kể đến là bài Vĩnh Thông đồn trấn:
Phiên âm:
Độc tọa cao lâu tứ tiễu nhiên,
Thiên không, dã khoáng, thảo thiên nhiên.
Giang biên phàm quá cô thôn vũ,
Lĩnh ngoại xa hồi viễn thọ yên.
Mộ sắc sổ gian ỷ trúc luỹ,
Ca thanh nhất đạo tái bồ thuyền.
Tu mi tự đắc bá phu trưởng,
Tái thượng sa đà niên hựu niên.
Dịch nghĩa:
Một mình ngồi trên lầu cao, ý tứ bâng khuâng
Trời trong, đồng ruộng, cỏ xanh tốt.
Dọc bờ sông cánh buồm lướt qua mưa nơi xóm vắng,
Ngoài núi xe về trong đám khói trên cây xa.
Trong sắc chiều mấy gian nhà trại tựa vào luỹ tre,
Tiếng hát chở trên thuyền mui lau vang lên theo một đường.
Kẻ mày râu lấy làm đắc chí hơn được nhiều người,
Thế mà phải lần lữa ở cửa ải hết năm này đến năm khác.
(Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1858-1920), Huỳnh Lý chủ biên, NXB Văn học, 1984)
Bài thơ nằm trong thi đề truyền thống của thơ ca trung đại. Đó là thi đề “Đăng cao – vọng viễn”. Thi nhân xưa ưa thích “đăng cao” bởi không gian trên cao là không gian mang tính quan niệm, không gian thẩm mĩ. Ở trên cao ấy, con người bao quát, chiếm lĩnh không gian vũ trụ trong cái nhìn xa xăm, cho hồn mình giao tiếp, tương thông với vũ trụ. Và cũng chính ở không gian ấy con người có thể đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm của chính mình. Đó là một “tiểu vũ trụ” trong thế đối sánh với đại vũ trụ khôn cùng. Hai câu thơ đầu, Bùi Hữu Nghĩa đã trực tiếp giãi bày khát vọng thu vào tầm mắt của mình cảnh sắc của miền biên trấn:
Một mình ngồi trên lầu cao, ý tứ bâng khuâng
Trời trong, đồng ruộng rộng, cỏ xanh tốt.
Với tư thế “đăng cao” thi nhân đã bao quát được không gian theo cả ba chiều kích đối lập: cao – thấp – xa qua cách thức đối ngữ đoạn “Thiên không/ dã khoáng/ thảo thiên nhiên” (Trời trong, đồng ruộng rộng, cỏ xanh tốt). Đây chính là tiền đề để tác giả dõi tầm mắt của mình quan sát cảnh sắc của miền biên ải:
Dọc bờ sông cánh buồm lướt qua mưa nơi xóm vắng,
Ngoài núi xe về trong đám khói trên cây xa.
Trong sắc chiều mấy gian nhà trại tựa vào luỹ tre,
Tiếng hát chở trên thuyền mui lau vang lên theo một đường.
Cảnh sắc miền biên trấn tuyệt đẹp, nên thơ qua cái nhìn đầy thi cảm của nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa. Đó là hình ảnh con thuyền đi trên sông ngang qua xóm vắng ẩn hiện trong màn mưa, là chiếc xe ẩn hiện trong khói sương núi rừng của miền quan tái. Hai hình ảnh tạo dựng không gian “vọng viễn” của thi nhân. Sự đăng đối tương tác của hình ảnh tạo nên sự cảm nhận về độ mở của không gian. Thế nhưng lẩn khuất trong những câu thơ ta cảnh lại chan chứa nỗi cô đơn, nỗi sầu của thi nhân thông qua những “mã nghệ thuật” thường thấy trong ca cổ điển. Hình ảnh phàm cánh buồm (phàm), xóm vắng vẻ (cô thôn), khói (yên)… thường khơi gợi nỗi niềm tư hương da diết trong tâm tư người lữ thứ.
Hơn thế nữa, kết hợp với thời gian nghệ thuật là buổi chiều tà “mộ sắc” (sắc chiều) càng tô đậm thêm cảm thức tư hương sâu nặng khi Bùi Hữu Nghĩa hướng tầm mắt mình vào mấy gian nhà ẩn hiện sau lũy tre phía xa. Đó là sự đối lập sâu sắc giữa cảnh sắc bình yên đầm ấm của những mái nhà đơn sơ miền thôn dã với cảnh ngộ xa nhà của thi nhân bị đày chốn mịt mù biên ải xa xôi.
Tuy nhiên, dù buồn bã nhưng bằng tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, Bùi Hữu Nghĩa đã đưa vào bài thơ tiếng hát trong trẻo của những người dân bình dị trên những chiếc thuyền xuôi ngược: Ca thanh nhất đạo tái bồ thuyền (Tiếng hát chở trên thuyền mui lau vang lên theo một đường). Phải chăng chính tiếng hát của những người bình dân trên sông nước miền biên trấn đã làm vơi bớt nỗi cô đơn trong lòng của thi sĩ họ Bùi, một anh hùng bất đắc chí giữa thời cuộc nhiều biến động.
Bài thơ kết lại bằng tiếng thở dài cảm thán của một anh hùng thất cơ lỡ vận:
Kẻ mày râu lấy làm đắc chí hơn được nhiều người,
Thế mà phải lần lữa ở cửa ải hết năm này đến năm khác.
Đây là lời bộc bạch của một con người ý thức sâu sắc về tài năng và cốt cách của bản thân (một biểu hiện của ý thức cá nhân trong văn chương trung đại) rơi vào tình cảnh bất đắc chí. Một người ôm ấp hoài bão kinh bang tế thế nhưng lại phải sống kiếp lưu đày nơi biên tái xa xôi. Câu thơ cuối cùng chứa đựng biết bao sự chua chát đắng cay “Thế mà phải lần lữa ở cửa ải hết năm này đến năm khác”.
Trong một lần Đi thuyền qua núi Sập, Bùi Hữu Nghĩa đã cảm tác nên những vần thơ vừa thể hiện cảnh sắc vùng biên trấn An Giang vừa thể hiện được khẩu khí của bậc anh hùng:
Một thuyền cầm hạc một mình ta
Đường hiểm gian nan khắp trải qua
Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi
Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà
Văn chương mới thử năm hay bảy
Võ lược chưa truyền sáu với ba
Gà gáy học đòi người dậy múa
Luống e năm tháng để ta đà
Câu thơ đầu “Một thuyền cầm hạc một mình ta” gợi lại điển cố Triệu Biện làm quan thanh liêm khi đi phó nhậm chỉ đem một cây đàn và một con hạc mà thôi, không có vợ con, đầy tớ đi theo. Đây cũng là câu thơ trực tiếp bày tỏ chí hướng của như tự bạch về nhân cách của chính nhà thơ. Câu thơ thứ hai vừa là câu thơ tả cảnh thực cũng là câu thơ với hình ảnh biểu tượng “con đường hiểm trở gian nan” của cuộc đời, của sự nghiệp. Câu thơ làm người ta liên tưởng đến bài Hành lộ nan nổi tiếng của Lý Thái Bạch đời Đường.
Hai câu thơ tiếp là hai câu thơ đề cập trực tiếp đến những địa danh của vùng biên trấn An Giang:
Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi
Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà
Núi Sập tên chữ là Thoại Sơn (đặt theo tên Thoại Ngọc Hầu, người có công mở mang vùng đất này), là một trái núi nhỏ nằm tại thị trấn Núi Sập, thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Sông Vàm Nao là một dòng sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu, có vai trò quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long về mặt thủy lợi và giao thông vận tải. Ngoài ra, Vàm Nao còn nổi tiếng vì từng là nơi “nước xoáy tròn”, là nơi xảy ra trận thủy chiến khốc liệt giữa quân Việt và quân Xiêm vào cuối năm 1833. Sông Vàm Nao tuy ngắn nhưng do sự cấu tạo của địa hình cộng với tốc độ dòng chảy mạnh nên nhiều nơi ở hai cửa sông quanh năm hình thành những xoáy nước rất dữ, đã nhận chìm không biết bao nhiêu ghe xuồng. Sự bứt phá phần đất ở Vàm Dưới của sông Vàm Nao, tạo thành một thủy mạch nối liền hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang, dân gian gọi “hóa cù”. Bùi Hữu Nghĩa viết “Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà” thay vì nói “cù”, nhà thơ đã hình tượng hóa thành “xà” (rắn). Điều này tương hợp với chữ dùng của Đại Nam nhất thống chí “Giang lưu xà vỉ đoạn” để làm bật lên tính “dữ” nổi tiếng của một con sông có nhiều cá sấu luôn chực hại người. Cách nói khoa trương “sấm rền vang tiếng muỗi” trong thế đăng đối với “nước chảy đứt đuôi xà” nhằm cực tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây. Tuy khó khăn là thế, nhưng trong thẳm sâu tâm tư của người anh hùng vẫn không nguôi khát vọng lập công danh bằng con đường cống hiến cho dân cho nước bằng tài năng và công phu học tập của bản thân:
Văn chương mới thử năm hay bảy
Võ lược chưa truyền sáu với ba
Gà gáy học đòi người dậy múa
Luống e năm tháng để ta đà
Điển cố của Trung Hoa đã được Bùi Hữu Nghĩa Việt hóa theo cách cảm, cách nghĩ của người Nam bộ. Cụm “Năm hay bảy” vốn là một thành ngữ gốc Hán “ngũ kinh thất truyện” (năm kinh bảy truyện) chỉ những loại sách vở cơ bản trong học tập thi cử ngày xưa. Cụm “Sáu với ba” cũng vốn là một thành ngữ gốc Hán “lục thao tam lược” (dịch là sáu thao ba lược) nói kế hoạch giỏi giang về quân sự của người xưa. Câu thơ Gà gáy học đòi người dậy múa khiến người đọc liên tưởng đến điển cố Tổ Địch. Thời thanh niên, Tổ Địch bắt đầu khắc khổ đọc sách. Năm 24 tuổi nhậm chức Tư Châu chủ bạ, ông có một người cộng sự tên là Lưu Côn, hai người ý khí hợp nhau, trở thành đôi bạn thân thiết. Họ thường bàn luận đại sự của đất nước, thề bắt chước theo các bậc thánh hiền ngày xưa, trở thành nhân tài an bang định quốc. Ngày nọ, hai người bàn luận đến tối, bèn gác chân mà ngủ. Nghe tiếng gà rừng gáy, Tổ Địch bừng tỉnh dậy, lấy chân đá Lưu Côn gọi dậy, nói rằng: “Anh nghe đi, đó chẳng phải là tiếng gáy của gà rừng sao? E đó là âm thanh của tà ác, điềm báo binh nổi dậy, thiên hạ sắp đại loạn, chúng ta không thể ngủ yên được”. Thế là hai người xuống giường lấy kiếm, cùng đối kiếm trong sân dưới ánh trăng. Hệ thống điển cố trong bài thơ nhằm khơi gợi ở người đọc những hình dung về chân dung của một con người luôn trăn trở trước nỗi lo cho dân cho nước. Đó là vẻ đẹp nhân cách của người chí sĩ Bùi Hữu Nghĩa.
Bài thơ chữ Nôm Cảm tác khi qua Hà Âm cùng là bài thơ nằm trong cảm hứng biên tái của thi nhân họ Bùi:
Mịt mịt mây đen kéo tối sầm,
Đau lòng thuở nọ chốn Hà Âm
Đống xương vô định sương phau trắng,
Vũng máu phi thường cỏ nhuộm thâm.
Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy,
Đèn trời leo lét dặm u lâm.
Nghĩ thương con tạo sao dời đổi,
Dắng dỏi đêm trường tiếng dế ngâm.
Vào thời vua Minh Mạng, Tịnh Biên là tên phủ của tỉnh Hà Tiên, gồm 2 huyện Hà Dương và Hà Âm. Hà Âm là vùng đất nơi biên giới giáp với nước Campuchia, nay là huyện Giang Thành, Hà Tiên. Lúc bấy giờ, Bùi Hữu Nghĩa đi xứ Xiêm (Thái Lan), thấy đống xương tàn của bọn thổ phỉ bị giết trong thời Minh Mạng, còn chồng chất ở nơi chiến địa, cảm khái nên viết bài thơ này.
Bài thơ là tiếng nói nhân văn, xót xa cho phận người trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt: Mịt mịt mây đen kéo tối sầm/ Đau lòng thuở nọ chốn Hà Âm. Hình ảnh ẩn dụ mây đen là hình ảnh biểu trưng cho sự tàn khốc của chiến tranh đã gieo rắc nỗi khổ đau cho những người dân vô tội vùng biên trấn, nơi mà con người phải luôn trực diện với nguy cơ chiến tranh luôn rình rập.
Bốn câu thơ tiếp theo tái hiện cảnh tượng đau thương thê thảm của chiến trường xưa: Ðống xương vô định sương phau trắng/ Giọt máu phi thường cỏ nhuộm thâm/ Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy/ Ðèn trơi leo lét dặm u lâm. Ở nơi ấy sinh mạng con người thật mỏng manh. Cuộc chiến có thể đi qua nhưng nỗi đau mất mát chưa bao giờ thôi nhức nhối. Câu thơ Ðèn trơi leo lét dặm u lâm là câu thơ đầy ám ảnh.
Bài thơ kết thúc bằng hai câu thơ thể hiện sự ngậm ngùi xót xa: “Cám thương con tạo sao dời đổi/ Dắng dỏi đêm trường tiếng dế ngâm!”. Đây là câu thơ thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc của nhà thơ. Cám thương con tạo sao dời đổi là cách nói đầy ẩn ý thể hiện tinh thần phản đối chiến tranh phi nghĩa làm hại đến cuộc sống yên bình của người dân vô tội.
Qua những vần thơ với “cảm hứng biên tái”, Bùi Hữu Nghĩa đã tạo dựng nên những nét phác họa về cảnh sắc vùng biên trấn An Giang xưa. Đồng thời cũng trực tiếp bộc bạch nỗi niềm của kẻ ly hương viễn xứ, một phẩm cách anh hùng “ưu đời mẫn thế” trong buổi tao loạn của lịch sử dân tộc hơn trăm năm xưa.
(Qua những bài thơ viết về miền biên trấn An Giang)