Vừa qua, trước những phản ánh của nhiều doanh nghiệp về gánh nặng thuế phí, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển vào 9g30 ngày 23-8. Khách mời tham gia chương trình gồm có: ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; ông Ngô Văn Điểm, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.
Trong nhiều vấn đề mà doanh nghiệp đặt ra cho khách mời, đáng chú ý nhất là các số liệu đưa ra: Theo nghiên cứu Khảo sát về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2017, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu chi phí nộp thuế cao trong khu vực ASEAN, ở mức 39,1% so với lợi nhuận và cao hơn 2 lần so với Singapore.
Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần bốn lần so với Singapore và hơn ba lần so với Philippines. Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam đang cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Ông Phan Đức Hiếu bình luận: “Cách làm của Ngân hàng Thế giới là không dựa nhiều vào quy định pháp luật mà dựa vào thực tế, thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật.
Ví dụ, để thực hiện một thủ tục hành chính, luật có thể quy định 3-5 ngày nhưng trên thực tế khi họ đo lường doanh nghiệp thì đi thực hiện một thủ tục hành chính có thể kéo dài từ 7-10 ngày, thậm chí cao hơn. Khi đo lường như vậy, có những con số nên ghi nhận và coi đây là một thực tế, có thể không phải phổ biến, không phải chung cho tất cả nền kinh tế nhưng là một vấn đề cần giải quyết”.
Trả lời về chi phí điện năng, ông Ngô Văn Điểm cho rằng chi phí đầu vào cao không những ảnh hưởng đến khả năng cũng như năng lực kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân, khiến đời sống khó được cải thiện, chi phí điện năng là một trong 10 tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia, tiết kiệm điện năng của nước ta vẫn ở mức trung bình thấp (98/190 nước).
Một doanh nghiệp khác đặt câu hỏi: Theo báo cáo tại cuộc họp về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu ngày 21-8 vừa qua, hiện có 5.917 điều kiện kinh doanh của các bộ tại các cửa khẩu, 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỉ đồng để làm các thủ tục này. Tuy nhiên kiểm tra nhiều, phát hiện vi phạm chẳng bao nhiêu.
Có khó khăn gì trong cải cách mà lại để tình trạng này kéo dài, nên chăng phải rà soát cụ thể từng bộ ngành với từng thủ tục chứ không phải chung chung như hiện nay? Ông Phan Đức Hiếu trả lời: Hiện nay Chính phủ đang giao cho các bộ, ngành tự rà soát toàn bộ lĩnh vực và tự rà soát từng thủ tục. Chính các bộ ngành là nơi sản sinh ra các sản phẩm đó, các cơ quan là những người xây dựng chính sách, thực thi chính sách, sau đó lại tự rà soát và cắt bỏ đi cái mà mình vừa ban hành trước đó, điều này không hiệu quả.
Giao cho các bộ ngành tự rà soát mà không có chỉ tiêu rõ ràng, không có một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và có thẩm quyền quyết định kết quả rà soát đó. Cách làm hiện nay không phù hợp và cần thay đổi, có cơ quan độc lập, kết quả cuối cùng trình lên Chính phủ hoặc Quốc hội.
Trả lời câu hỏi về các chi phí không chính thức, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết: “Để giải quyết tham nhũng vặt, phải giảm thiểu sự giao tiếp trực tiếp giữa con người với con người trong các hoạt động hành chính thực hiện tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Tôi muốn nói cụ thể hơn là chính sách rất mạnh mẽ của Chính phủ nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới là xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công thông qua trực tuyến, hồ sơ càng được xử lý thông qua mạng bao nhiêu thì càng giảm thiểu tham nhũng và chi phí phi chính thức bấy nhiêu. Đối với chi phí chính thức, có rất nhiều dư địa mà các cơ quan quản lý nhà nước có thể làm được. Cả chi phí chính thức và phi chính thức, theo quan điểm của tôi phải làm rất mạnh mẽ, quyết liệt, phải có sự đối thoại giữa các cơ quan nhà nước với nhau, không lảng tránh, vì lợi ích chung và công khai hóa”.