Chúng ta đã chứng kiến trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 hàng chục ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ và cơ sở sản xuất tư nhân phá sản, giải thể. Họ là những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính phần lớn ngoài hệ thống ngân hàng nên cái chết của họ chưa ảnh hưởng nhiều đến hệ thống. Bây giờ đang là câu chuyện của các doanh nghiệp lớn hơn sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn trong hệ thống ngân hàng. Chúng ta cũng đã thấy tình hình sản xuất đang ngưng trệ, hàng hóa tồn kho đang ứ đọng, tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng và giá cả đang sụt giảm. Nền kinh tế đang kề cận bờ vực của suy thoái và giảm phát. Giải quyết vấn đề nợ hiện nay không chỉ là cấp bách mà còn là then chốt cho triển vọng hồi phục kinh tế. Vấn đề ở đây không phải và không chỉ là cứu doanh nghiệp nào hay cứu ngân hàng nào mà là cứu cả nền kinh tế.
Thật ra, hệ thống ngân hàng của nước ta mới phát triển trong vòng 20 năm nay nên chưa đến mức tạo ra các công cụ nợ quá phức tạp, tinh tế và ảo như các nước phát triển. Các khoản nợ của doanh nghiệp và của cá nhân trong hệ thống ngân hàng thương mại đều có đối phần là các tài sản thế chấp (phần tín chấp không đáng kể) gồm hàng hóa, máy móc thiết bị, nhà xưởng, nhà đất, công trình dự án… nên việc xử lý không quá khó. Vấn đề là định giá lại tài sản đối phần của các khoản nợ cho hợp lý, tránh tình trạng đục nước béo cò. Do vậy, nói mua lại nợ thực chất là mua lại tài sản. Trong tình hình khó khăn chung, cần phải có một tinh thần tương thân tương trợ mang tính chất cộng đồng, nên tốt hơn là thành lập một định chế Nhà nước về xử lý nợ hoạt động không vì lợi nhuận, được điều hành bởi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, chịu sự giám sát của Quốc hội. Và cũng chưa cần sử dụng đến nguồn tiền 100 ngàn tỉ đồng, dù rằng trên thực tế tổng giá trị tài sản của các khoản nợ cần xử lý có thể hơn thế. Khi mua các khoản nợ từ ngân hàng, định chế này chỉ cần phát hành cho ngân hàng một loại trái phiếu được sự bảo đảm của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, có thể lấy tên là trái phiếu ổn định với lãi suất thấp. Khi cần thanh khoản, ngân hàng thương mại được đem thế chấp trái phiếu ổn định để vay trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, hoặc vay từ Ngân hàng Nhà nước. Sau này, khi tài sản được bán ra thu tiền theo đúng quy trình minh bạch, định chế xử lý nợ sẽ chuyển trả cho ngân hàng để thu hồi trái phiếu đã phát hành. Vì là định chế không lợi nhuận, nên các khoản lời nếu có sẽ được chuyển về cho doanh nghiệp chủ sở hữu gốc của tài sản, sau khi trừ các chi phí hoạt động của định chế theo một tỷ lệ có thể tính toán được không khó.
Phương thức này sẽ làm giảm áp lực lạm phát mà nhiều nhà phân tích kinh tế hay lo ngại đối với các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ. Nhưng kinh nghiệm và lý thuyết đã chỉ rõ, trong điều kiện nền kinh tế còn suy thoái và đang rơi vào bẫy thanh khoản, sự gia tăng khối tiền tệ M1 không hề đưa đến sự gia tăng giá cả. Con ma lạm phát không đáng sợ như chúng ta nghĩ, thậm chí nó còn giúp làm giảm và xóa đi gánh nặng nợ nần cho các nền kinh tế ở mọi nơi trên thế giới, như lịch sử đã từng chứng kiến.
Huỳnh Bửu Sơn
Ảnh T.L