Vở “Dưới bóng giai nhân” sẽ chính thức được Nhà hát kịch Idecaf ra mắt khán giả vào đầu tháng 12. Đây là một dự án lớn, được dàn dựng công phu và chăm chút kỹ lưỡng trong từng phân cảnh từ âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, lời thoại, nét diễn xuất cho đến từng bộ trang phục của tất cả diễn viên.
Cảm tác từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, Quang Thảo đã dành 5 năm xây dựng kịch bản và nhiều tháng ròng làm việc miệt mài mới có thể dựng lên được vở kịch “Dưới bóng giai nhân”. Quả thật, anh đã rất can đảm khi dám “đụng” đến một kiệt tác của văn học Việt Nam nổi tiếng thế giới, cũng là tác phẩm được đưa vào hàng trăm công trình nghiên cứu với vô số sự phân tích, bình luận và lý giải khác nhau. Có lẽ, để cảm thụ được trọn vẹn “Dưới bóng giai nhân”, chúng ta tạm quên những nhận định trước đây, thưởng thức câu chuyện này bằng một lăng kính chân phương và tâm hồn rộng mở nhất. Quang Thảo đã thay đổi, hư cấu nhiều tình tiết, khai thác nhiều góc khuất nội tâm của nhân vật để tạo nên những thông điệp mạnh mẽ về văn hoá, nhân văn nhưng cũng rất thời đại.
Đây là dự án quy mô và hoành tráng nhất của Nhà hát kịch Idecaf trong những năm gần đây với 14 màn diễn, quy tụ 50 diễn viên và sử dụng đến 200 bộ trang phục. “Dưới bóng giai nhân” cũng được xem là một cột mốc, mang đến diện mạo mới cho Nhà hát kịch Idecaf.
Thuý Kiều và Đạm Tiên – Tình chị em như hình với bóng và sự thấu cảm từ thân tâm trí
Vở kịch mở đầu với cảnh ba chị em Thuý Kiều du xuân trong tiết Thanh Minh, lòng tiểu thư khuê các khẽ rung động trước Kim Trọng phong thái trang nhã, dòng dõi quý hiển tựa như hoa mùa xuân nảy nở, cây cỏ đâm chồi đẹp biết bao. Đang vui là thế mà Thuý Kiều bỗng thấy buồn man mác, bất giác thương cảm cho ngôi mộ gió của một “kiếp hồng nhan” Đạm Tiên, danh sắc một thời bao anh tài theo đuổi nay lại “hương khói vắng tanh”.
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Cuộc gặp gỡ ảo mộng với những câu chuyện trò, đồng cảm của hai giai nhân như một chỉ dấu báo trước về tương lai của Thuý Kiều “người một hội một thuyền” với nàng Đạm Tiên. Kể từ đây, Đạm Tiên song hành cùng Thuý Kiều như hình với bóng để an ủi và nương tựa nhau suốt 15 năm khổ hạnh.
Đạm Tiên hiện ẩn tại mọi thời khắc biến cố 15 năm đoạn trường của Thuý Kiều. Đó không chỉ phản chiếu hình ảnh đa truân, mà còn là tiếng lòng ai oán đầy bất lực, nội tâm dằn xé của nàng Kiều – một cô tiểu thư nhà trâm anh bị sa cơ lỡ vận vào chốn lầu xanh. Hơn thế nữa, đấy cũng là lời chung của những kiếp hồng nhan bao thế hệ khác.
Nàng Kiều (Nghệ sĩ Hồng Ánh) và bóng giai nhân Đạm Tiên (NSƯT Mỹ Duyên) là hai nhân vật xuất hiện gần như xuyên suốt vở kịch với nhiều sắc thái và cung bậc nỗi buồn niềm đau khác nhau. Cả hai nghệ sĩ đều thể hiện rất tròn vai cả hình thể lẫn tâm lý nhân vật, lột tả được khát khao lớn lao nhưng bất lực vô bờ đó là “một hạnh phúc bình thường của người phụ nữ”. Những tiếng khóc không gào thét nhưng xé lòng, đôi bờ vai gầy rung theo nhịp nấc nhẹ nhưng đau đớn đến nghẹt thở là những gì mà khán giả có thể cảm nhận cùng cuộc đời đầy bi kịch của Kiều qua sự diễn xuất của Nghệ sĩ Hồng Ánh.
Hoạn Thư không ghét Thuý Kiều như chúng ta tưởng
Điểm nhấn sáng tạo nhất vở kịch là nhân vật Hoạn Thư (Nghệ sĩ Thanh Thuỷ) trong mỗi màn diễn khi nàng xuất hiện. Vốn là tiểu thư, xuất thân trong một danh gia quý tộc, là con gái của Lại bộ Thượng thư, nàng có thể làm bất cứ điều gì nàng muốn mà chẳng ai có thể cản trở. “Ghen như Hoạn Thư” là một cụm từ quen thuộc, được xem như là một biểu tượng của sự tàn bạo, độc ác của một người đàn bà ghen tuông, cay nghiệt … nhưng đó có phải toàn bộ sự thật …
Hoạn Thư cũng là một giai nhân, cầm kỳ thi hoạ đều am tường. Ưu tú là thế mà nàng lại chịu làm vợ của Thúc Sinh, tuy là thư hương nhưng là con nhà buôn nên không được môn đăng hộ đối với nhà họ Hoạn. Mặc dù là chàng rể “leo cành cao”, đã vô sinh lại có thói trăng hoa nhưng Hoạn Thư với xiềng xích lễ giáo đã nén mọi sự cô đơn, tủi nhục, cay đắng để giữ đạo hiền thê, trọn hiếu dâu thảo với Thúc gia.
Những vết rạn trong tim Hoạn Thư thực sự vụn vỡ khi biết Thúc Sinh yêu Kiều say đắm – một cô gái lầu xanh thấp kém. Đó là một sự sỉ nhục khủng khiếp với tiểu thư họ Hoạn, vì sao con gái quan Nhất phẩm lại thua kém một gái chốn phong trần, bao nhiêu câu hỏi dồn dập, bào mòn tâm trí của Hoạn Thư từng giây phút. Cao trào và bùng nổ nhất là lúc Hoạn Thư nổi loạn trong sự đau đớn, đòi Thuý Kiều dạy cho mình những bí quyết ân ái của kỹ nữ làng chơi để giữ chồng.
Thuý Kiều và Hoạn Thư đều đau, cõi lòng tê tái; cả hai khi nát tan nhất lại hiểu nhau nhất, cảm thương đối phương sâu sắc nhất. Nhân vật rơi xuống vực cảm xúc khi thốt lên cay đắng, tự hỏi vì sao đàn bà với nhau lại phải ganh ghét, thù hằn, tranh giành một gã đàn ông chẳng ra gì, chỉ yêu bản thân một cách hèn mọn. Biết mình bị lừa dối, Kiều lặng lẽ ra đi với hi vọng làm lại cuộc đời với sự giúp đỡ của Hoạn Thư. Còn nàng Hoạn, bao dung bao nhiêu thì thất vọng, tổn thương bấy nhiêu, đã phá vỡ “dây trói” lễ giáo và quyết định một ngã rẽ đầy bất ngờ.
Thiết nghĩ, đấy cũng là một thông điệp mang tính thời đại chăng, phụ nữ có quyền lựa chọn cuộc sống của mình, tâm an ổn thì hạnh phúc sẽ đến.
Quang Thảo đã có bước đột phá về góc nhìn mới trong việc khai thác nội tâm của nhân vật vô cùng thú vị, đòi hỏi thực lực diễn viên cực kỳ cao mới có thể phác hoạ được hình và bóng của Hoạn Thư ở một phiên bản khác. Và điều ấy thật sự hoàn mỹ, bừng sáng sân khấu bởi sự hoá thân xuất sắc của nghệ sĩ Thanh Thuỷ; sự thuyết phục toàn diện từ ngôn ngữ hình thể, cảm xúc trong lời thoại, thậm chí là qua từng nhịp thở. Có thể nói rằng, Thanh Thuỷ đã làm nên “linh hồn” cho nhân vật Hoạn Thư trong “Dưới bóng giai nhân, vai diễn này cũng sẽ là nốt thăng trong hành trình sự nghiệp của Nghệ sĩ Thanh Thuỷ.
Bên cạnh đó, còn có nhân vật như Tú bà – Lã Thu (Nghệ sĩ Hoàng Trinh) đại diện cho một thân phận khác của đàn bà, một bóng giai nhân hết thời cũng có nhiều tâm tư, trăn trở chất chứa, những tủi nhục dồn nét thành “cơn cười” đầy chua xót. Đây là nhân vật chỉ xuất hiện một màn duy nhất nhưng cũng là một điểm nhấn quan trọng tạo nên thành công cho vở diễn.
Kẻ si tình “chết đứng” bởi chiếc bẫy ngọt ngào
Hồ Tôn Hiến (Nghệ sĩ Đình Toàn) cảm thán rằng nam nhân nếu lỡ bắt gặp ánh mắt nàng Kiều thì gần như “không lối thoát” dù đó có là anh hùng quyền uy nhường nào. Đấy cũng là chiến lược mà ông “bày binh bố trận” với bao mưu kế để “Chiêu An” Từ Hải bằng mối nhân duyên với Kiều.
Vì yêu, người anh hùng hoá thành kẻ si tình, chọn cách dung hòa giữa tham vọng binh nghiệp với mưu cầu lứa đôi, lại thêm mềm lòng trước những lời khuyên nhủ của Kiều, Từ Hải (NSƯT Đại Nghĩa) quyết ý quy thuận. Đây cũng là một điểm sáng nữa của vở kịch – Từ Hải “chết đứng” trong vô vàn những mũi gươm giáo khi mắt vẫn dõi theo bóng Thuý Kiều múa hát mê say với tiếng đàn của Hồ Tôn Hiến.
Một hình ảnh bi ai đậm chất điện ảnh, nàng Kiều hạnh phúc với những dải lụa trắng tinh khôi tự tay dệt như để nối kết với cuộc sống yên bình trước mắt, ngờ đâu ấy lại là chiếc khăn tang tiễn đưa chồng; tiếng đàn chiến thắng của Hồ Tôn Hiến lại là khúc nhạc tang tóc đẩy Từ Hải xuống vực sâu. Dù mục đích đã đạt, mưu toan đã thành nhưng cũng là “thành tựu” mà Hồ Tôn Hiến muốn chôn sâu bởi binh pháp này lại được biên soạn dưới bóng hình của một giai nhân.
Lại thêm một lời khen cho Quang Thảo trong việc vượt qua mọi rào cản của sự sáng tạo, dám kể một câu chuyện khác đi so với nguyên tác nhưng vẫn rất hợp lý. Thêm vào đó, cách sắp xếp phân cảnh logic, bài trí sân khấu và đạo cụ chỉn chu, âm nhạc sang trọng, vũ đạo thanh nhã, phục trang đẹp mắt là những điểm cộng “thu phục” khán giả.