Nợ chính là một phương tiện có ích giúp người có tiền nhưng không thể sử dụng hiệu quả đồng tiền của mình trao nó cho người có thể sử dụng hiệu quả hơn, và nhận lại toàn bộ đồng vốn với một số lãi sau một thời gian nhất định. Như vậy, nợ là một công cụ tài chính có hiệu quả nhiều mặt, nó giúp đồng tiền được luân lưu và tạo ra lợi nhuận cho cả người cho vay lẫn người đi vay, giúp nền kinh tế tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn và tạo ra của cải, dịch vụ nhiều hơn. Điều tưởng chừng như nghịch lý lại là một thực tế, một nền kinh tế ít nợ thường là một nền kinh tế nghèo hơn một nền kinh tế nhiều nợ (tất nhiên đây phải là loại nợ được sử dụng tốt, mang lại hiệu quả và có thể trả được vốn gốc và lãi đúng hạn). Thử tưởng tượng một nền kinh tế mà mọi người phải mua bất cứ thứ gì cũng bằng tiền sẵn có của mình, doanh nghiệp chỉ hoạt động bằng nguồn vốn tự có của mình. Nền kinh tế đó chắc chắn sẽ nghèo hơn rất nhiều, của cải hàng hóa sẽ ít hơn, đời sống vật chất sẽ thiếu thốn hơn. Chúng ta đã có kinh nghiệm về nền kinh tế bao cấp, khi hơn một nửa nền kinh tế phải tự cung tự cấp, khi khu vực tư doanh không hề nhận được một nguồn tín dụng nào từ hệ thống ngân hàng. Thời kỳ đó, nợ trong nước của nền kinh tế rất thấp, hầu hết là công trái và các khoản nợ Ngân hàng Nhà nước của các xí nghiệp quốc doanh. Tuy vấn đề nợ quá hạn vẫn phát sinh nhưng quy mô không lớn và hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Từ khi lãi suất huy động giảm mạnh, các ngân hàng thương mại tung ra các gói cho vay lãi suất thấp dành cho khách hàng. Ảnh: Khách hàng tiến hành các thủ tục gửi tiền và vay tiền tại HD Bank