Năm 1974, khi nói về tranh của đôi bạn trẻ Tôn Nữ Tường Hoa – Nguyễn Khoa Nhy mới tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế được vài năm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận định rằng tác phẩm của họ có thể dẫn người xem tới “những hoài niệm gây được ít nhiều xao xuyến”.
Có khá nhiều những lứa đôi cùng sống chung với sắc màu, như: Phạm Văn Đôn – Nguyễn Thị Kim, Hà Quang Phương – Tạ Diệu Tâm, Quách Phong – Kim Tiến, Phạm Viết Hồng Lam – Tạ Phương Thảo, Đào Minh Tri – Nguyễn Thị Bích Trâm, Thân Trọng Minh – Vũ Thanh Hằng… Nguyễn Khoa Nhy – Tôn Nữ Tường Hoa ở trong số đó. Họ cùng học một khóa, cùng tốt nghiệp một năm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế trước 1975. Rồi họ cùng trở thành nhà giáo dạy hội họa trong nhiều năm và hiện vẫn tiếp tục công việc ấy (tại Đại học Hồng Bàng và Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh). Hẳn là những năm tháng cùng học dưới một mái trường nghệ thuật ở xứ Huế đã hình thành nên một tình yêu đẹp để rồi gắn bó hai người trẻ mãi mãi với nhau.
Người bạn lớn của Tường Hoa và Khoa Nhy – nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – đã viết về ngôi trường ấy – ngôi trường mà ông có rất nhiều bạn bè thân từng học và dạy ở đó như Đinh Cường, Tôn Thất Văn: “Mười bốn năm đã đủ lắm trò dâu bể, nhưng nơi đây, trong khuôn viên Trường Mỹ thuật, tôi có cảm tưởng như bước đi trong một cõi đời vô nhiễm. Gửi một cái nhìn quanh các phòng ốc, trên từng khung vải, nơi đâu cũng bắt gặp một cái gì đã quen thân. Có lúc tình cờ muốn nghiêng tai lắng nghe sự chuyển động của sinh hoạt thì lập tức ta nhận ra ngay cái tiết nhịp vừa ôn hòa vừa lễ độ của đường nét cùng màu sắc. Và trong cái nhìn thường nhật, dù không phải là kẻ mơ mộng dễ dãi, tôi vẫn thấy ngôi trường kia tựa như cỗ xe của một gánh hát du mục. Âm thầm cam chịu và có cái cung cách riêng của một thứ truyền thống không náo nhiệt, không hung hăng. Thế giới tranh vốn là một thế giới yên lặng, từ đó bỗng như muốn tĩnh mịch hơn thêm”.
Trong cái thế giới tranh ở Trường Mỹ thuật Huế, Trịnh Công Sơn đã nói đến hội họa của đôi lứa Tường Hoa – Khoa Nhy với cách nhìn của riêng ông: “Tranh của Tường Hoa và Nhy đang kiễng chân sống trong sự bình an của không khí vừa nhắc đến. Không đòi hỏi, không phán xét. Đôi khi lại còn muốn làm cho hiền hậu thêm cái thế giới khách quan vốn không mấy ngỗ nghịch. Đến với tranh của Tường Hoa và Nhy là chạm đến một thứ lòng trắc ẩn đã biến thành giáo điều. Loại giáo điều không làm phiền lòng ai, ngược lại có thể dẫn ta vừa tới những hoài niệm gây được ít nhiều xao xuyến”.
Gần 40 năm sau những nhận định đó của Trịnh Công Sơn, đôi bạn đời Tường Hoa – Khoa Nhy lại dẫn người xem tới “những hoài niệm gây được ít nhiều xao xuyến” qua phòng tranh “Ký ức Huế” của họ. Qua 33 tranh lụa cùng tranh sơn dầu, hai tác giả một lần nữa “muốn làm cho hiền hậu thêm cái thế giới khách quan vốn không mấy ngỗ nghịch”. Quả thực, những Cổng Thượng Tứ, Khiêm lăng, Đò Huế, Bến đò xưa, Cô gái choàng khăn tím, Áo vàng Đại nội, Thiếu nữ trên đồi Thiên An, Mưa Huế, Đóa vô ưu, Hoa sứ xanh, Bờ dâm bụt… của Tôn Nữ Tường Hoa, dù thể hiện bằng màu dầu trên toan hay màu nước trên lụa đều là những hồi ức lung linh của một thời thiếu nữ trong trẻo, tinh khôi cùng những hoài nhớ về chốn xưa lăng tẩm, đền đài… Tranh lụa của Tường Hoa dụng công nhiều trong khi tranh sơn dầu của bà lại đem đến cảm xúc nhiều hơn. Trong khi tranh Nguyễn Khoa Nhy là những bố cục màu sắc và đường nét, qua đó ông bày tỏ tâm sự của mình về một thời quá vãng. Đó là những Về cội, Tình người, Vòng tay mẹ, Khát vọng, Huế – dông về, Cuộn dòng…
Phòng tranh “Ký ức Huế” được tổ chức tại gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP. Hồ Chí Minh) từ 7 đến 27-7-2012.