Bạn đã bao giờ nghĩ đến số phận của các bọc rác sau khi bạn vứt nó đi? Có thật sự là chúng sẽ hoàn toàn biến mất? Nếu bạn chưa bao giờ nghĩ về điều đó thì giờ là lúc để nhìn vào sự thật. Lượng rác thải hằng ngày quá lớn đang là vấn đề nghiêm trọng đối với TP. Hồ Chí Minh. Việc xử lý rác chưa tốt đã ảnh hưởng đến môi trường hoặc tạo mùi hôi tại nhiều nơi trong thành phố. Để góp phần giải quyết vấn đề này, một dự án đang được tiến hành.
“Rác thải này không được tách ra đúng…”. Trong một khu vực dân cư ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Kosuke Kawai 38 tuổi, đến từ Viện Nghiên cứu Môi trường Nhật Bản đang kiểm tra một túi rác. Công việc của ông hiện nay là cố gắng giải quyết vấn đề rác thải ở các nước đang phát triển. Mỗi ngày tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng từ 7.500 đến 8.000 tấn rác được thải ra. Hầu hết rác được đưa đến các bãi rác nhưng đôi khi vẫn gây ra vấn đề nghiêm trọng. Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã quyết định đóng cửa nhà máy xử lý rác Phước Hiệp vì ô nhiễm môi trường. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của thành phố, người dân cần thêm chỗ để chôn rác. Tuy nhiên, việc tìm ra những nơi có thể chứa lượng rác thải lớn ngày càng khó khăn.
Dự án của Tiến sĩ Kawai rất đơn giản: chỉ cần tách rác thải nhà bếp ra khỏi các loại rác khác. Rác nhà bếp sẽ được chuyên chở bằng xe tải và sử dụng làm phân bón. Bởi vì rác nhà bếp chiếm đến gần 70% tổng lượng rác thải nên đây có thể là một cách khá hiệu quả để giảm rác thải tại TP. Hồ Chí Minh. Phường Bến Nghé, quận 1 đã có khoảng 100 hộ sẵn sàng tách rác trong gia đình hằng ngày.
Tuy vậy, theo Tiến sĩ Kawai thì hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được giải quyết. Mặc dù mọi người cố gắng để tách rác trong bếp đúng cách nhưng rác thường vẫn còn chứa mảnh thủy tinh hoặc nhựa. Điều này gây ra rắc rối khi rác được sử dụng làm phân bón. Tiến sĩ Kawai cùng một số sinh viên Việt Nam đôi khi phải tự tay loại bỏ mảnh thủy tinh hoặc các vật nguy hiểm khác lẫn trong rác thải.
Hiện nay có rất ít nông dân Việt thích dùng phân bón làm từ rác thải nhà bếp vì phân hóa học vẫn dễ sử dụng hơn nhiều. Tiến sĩ Kawai nhận xét: “Về lâu dài, phân bón hữu cơ tốt hơn cho đất nông nghiệp và môi trường nhưng tại Việt Nam, điều này chưa được ý thức đúng mức”. Ngoài ra, chi phí cũng là một trong những vấn đề gây khó khăn vì việc tách rác thải riêng biệt sẽ cần đến nhiều công nhân và xe tải. Dự án này được hỗ trợ bởi Bộ Môi trường Nhật Bản và một số công ty Nhật như Tập đoàn Hitachi Zosen. “Mục tiêu của dự án là tạo ra khí methane từ rác thải nhà bếp và sử dụng khí để tạo ra điện”, Tiến sĩ Kawai giải thích. Sau khi sản xuất khí methane, rác sẽ được sử dụng làm phân bón.
Cuối năm nay, Công ty Hitachi Zosen dự kiến giới thiệu bộ máy lên men methane nhỏ và bắt đầu sản xuất khí đốt. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra 50 đến 100 tấn khí methane mỗi ngày. Tiến sĩ Kawai và các thành viên khác đang cố gắng mở rộng các khu vực tham gia dự án này. Ông cho biết: “Sự hợp tác của chính quyền địa phương là rất cần thiết. May mắn thay, Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh rất ủng hộ cho dự án”.
Marimi Kishimoto (DNSGCT)