Theo báo Liên hiệp buổi sáng (Singapore), sau cuộc gặp gỡ liên Triều lần thứ 3 tại thủ đô Bình Nhưỡng, ngày 20-9-2018, lãnh tụ Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in cùng hai vị phu nhân đã lên núi Paektu (Bạch Đầu) nằm ở biên giới Trung – Triều, cạnh hồ Thiên Trì. Tại sao hai vị nguyên thủ lại bỏ qua các các danh lam thắng cảnh Triều Tiên mà leo lên đỉnh núi cao chót vót vùng biên thùy?
Viếng núi thiêng của dân tộc Triều Tiên
6 giờ 19 phút, Tổng thống Moon cùng phu nhân rời khỏi nhà khách quốc tân, dân chúng đứng đầy hai bên đường, giương cao cờ Bán đảo và hoa tươi, tiễn đưa khách quý. 7 giờ 27 phút, Tổng thống Moon cùng phu nhân đi chuyên cơ Không quân số 2 của Hàn Quốc từ sân bay quốc tế Thuận An ở Bình Nhưỡng xuất phát, 8 giờ 20 tới sân bây Tam Trì Uyên.
Lãnh tụ Kim cùng phu nhân đã chờ sẵn, cử hành nghi thức đón tiếp long trọng. Sau đó hai vị nguyên thủ đã đi xe tới ngọn núi chính của núi Paektu, núi Tướng Quân. Tiếp theo, 10 giờ 10 phút, hai vị nguyên thủ đi xe cáp, 10 giờ 20 phút tới hồ Thiên Trì.
Tổng thống Moon phát biểu đầy cảm khái: “Một số người Hàn Quốc lên núi Paetu từ phía TQ, nhưng tôi thì không. Tôi quyết lên từ phía lãnh thổ của mình. Hôm nay, nguyện vọng của tôi đã được thực hiện”.
Lãnh tụ Kim: “… Chúng ta hãy tựa lưng vào ngọn núi thiêng liêng, viết lên một trang sử mới Triều – Hàn”.
Kết thúc chuyến thăm, Tổng tổng Moon đã cùng phu nhân đi chuyên cơ Không quân số 2 về thẳng Hàn Quốc. Các tùy tùng thì trở về Bình Nhưỡng rồi đi chuyên cơ Không quân số 1 về sau. Ông Kim đã không để ông Moon về tay không, đã tặng 2 tấn nấm tùng còn thơm mùi núi rừng phương Bắc.
Nấm tùng (Matsutake) là đặc sản Triều Tiên, có hương vị nồng nàn, là cực phẩm trong các loài nấm, được ví ngang với bào ngư vi cá trên bàn tiệc.
Nấm tùng chỉ mọc trên rễ cây tùng trên 50 năm tuổi, khi hình thành quả thể mới nhô khỏi mặt đất, là loài nấm có giá trị kinh tế duy nhất mà loài người đến nay vẫn chưa nuôi trồng nhân tạo thành công, hoàn toàn phải dựa vào hái lượm trong thiên nhiên. Chính vì vậy, giá thị trường nấm tùng năm nay là 5,9 triệu đồng/kg.
Số nấm trên đã được trưng bày ở Thanh Ngõa Đài (Phủ Tổng thống HQ), rồi mang chia cho 4.000 gia đình ly tán trước Tết Trung thu (Tết Trung thu HQ được nghỉ ba ngày). Mỗi gia đình sẽ được chia 500g.
Đầu nguồn của ba dòng sông lớn
Dãy Trường Bạch theo nghĩa rộng liên miên 1.300km, xuyên suốt Đông Nam tỉnh Cát Lâm TQ. Dãy Trường Bạch theo nghĩa hẹp chỉ ngọn núi chính Paektu (Bạch Đầu), phần tận cùng phía Nam dãy núi, là biên giới Trung – Triều.
Biên giới Trung – Triều phía đông là sông Tumen, phía tây là sông Áp Lục, chỉ có đoạn giữa, núi Paektu, là đường phân nước hai dòng sông, là đoạn biên giới trên bộ duy nhất đầy tranh nghị giữa hai nước Trung – Triều, dài 107km.
Dãy Trường Bạch cũng là đầu nguồn ba dòng sông Tumen, Áp Lục và Tùng Hoa, là nơi phát tích của triều đình Mãn Thanh. Tên núi có nghĩa đen là dãy núi trắng xóa, quanh năm tuyết phủ; đồng thời hàm ý tốt lành “sống với nhau cho đến đầu bạc răng long”. Nằm sát dãy Trường Bạch là Châu tự trị người Triều Tiên Diên Biên thuộc tỉnh Cát Lâm.
Núi Trường Bạch nằm trong “thập đại danh sơn” TQ
Dãy Trường Bạch là dãy núi cao nhất vùng Đông Bắc Á, đỉnh cao nhất là đỉnh Tướng Quân, cao 2.691m, nằm trên địa phận Triều Tiên, là nơi hai vị nguyên thủ vừa bước lên.
Núi Paektu là một núi lửa đã ngưng hoạt động, thời gian phún trào gần nhất vào năm 1702. Miệng núi lửa đường kính 200m hình vòng cung chứa đầy nước thành hồ, đó là hồ Thiên Trì, là ranh giới thiên nhiên hai nước Trung – Triều. Khi mùa hạ, nước hồ còn trong xanh hơn bầu trời, mùa đông trắng tinh như tuyết.
Diện tích hồ Thiên Trì 24,1km2, tuy không lớn, nhưng ở độ cao 2.189m so với mặt biển, chỗ sâu nhất 373m, là hồ cao nhất và sâu nhất thế giới. Bao bọc hồ Thiên Trì là 16 ngọn núi cao chót vót, leo lên từ sườn các hướng đông, tây, bắc, chẳng khác gì vận động viên leo núi, chỉ sườn phía nam nằm trên địa phận Triều Tiên là thoai thoải, có thể lên bằng cáp treo, nên lãnh tụ Kim đã phát biểu: “Người TQ cũng không dễ dàng gì đến được hồ Thiên Trì…”.
Xung quanh hồ được 16 ngọn núi cao bao bọc, chỉ có một khe hẹp duy nhất cho nước hồ tràn ra, hình thành thác Trường Bạch, là đầu nguồn của sông Tung Hoa quanh co ngàn dặm. Nước hồ quanh năm chảy không ngắt, nhưng lại không có sông suối nào đổ vô. Nước ở đâu mà vô tận? Đã trở thành câu hỏi ngàn năm thách đố các nhà địa lý mà không có lời giải. Có lẽ phải cầu cứu truyền thuyết dân gian: Ở đây có “thần long”, làm mưa làm gió, lại có lối thông ra biển, gọi là “mắt biển”(?).
“Thủy quái” hồ Thiên Trì
Nước hồ Thiên Trì rất ít chất hữu cơ, sinh vật phù du cũng hiếm gặp, chứ đừng nói đến động thực vật bậc cao. Thế mà từ năm 1702, đã đồn đoán rất nhiều về “thủy quái Thiên Trì”, cùng với “thủy quái hồ Ness” xứ Scotland, hợp thành “thập đại thủy quái” thế giới, mà “thủy quái Thiên Trì” đứng đầu.
Ngày 9-10-1980, tờ Quang Minh nhật báo có uy tín ở TQ lần đầu tiên đăng tải bài “Mục kích thú lạ hồ Thiên Trì”. Bài báo đã kể lại rằng 4 giờ sáng ngày 21-8-1980, khi lên đỉnh Thiên Trì coi mặt trời mọc, tác giả đã thấy trên mặt nước phía xa có vật thể nổi lên, to như con trâu, đầu như cái chậu, bơi rất nhanh, để lại phía sau vệt nước dài hình loa kèn.
Ngày 7-7-2005, Trịnh Trường Xuận, người Cát Lâm (TQ), khi đưa cả nhà tới đây du lịch, đã vô tình chụp được ảnh một bóng đen nổi lên mặc nước (hình dưới). Mặc dù có người cho là đây chẳng qua là khúc gỗ lênh đênh, nhưng ông Xuân vững tin đó là một sinh vật…
Không lâu sau đó, ngày 7-12-2005, nhà thám hiểm Hoàng Tường Đông nhìn thấy quái vật xuất hiện ở bờ bắc, một sinh vật khổng lồ cỡ cá voi, riêng phần đầu lộ ra đã hơn 2m. Những người mục kích đều nhất trí đó là sinh vật không lồ có thể lặn lâu dưới nước, mang tính công kích cao.
Chiều ngày 24-11-2013, có gần trăm du khách đến hồ Thiên Trì du ngoạn, cùng chứng kiến có hai con thủy quái bơi quanh hồ nô đùa. Qua hình du khách chụp được, tôi thấy giống sinh vật tiền sử (?). Chúng bơi lặn chỉ 10 phút sau là mất tăm hơi.
Những người ủng hộ thuyết “thủy quái” không thể giải thích lấy đâu ra thức ăn nuôi những cơ thể khổng lồ như vậy; hơn nữa, hồ mới hình thành 300 năm nay, đâu ra sinh vật tiền sử?
Phía Triều Tiên đã công nhận từ năm 2.000, đã thả cá tầm nước lạnh xuống nuôi thí nghiệm, đến nay đã vớt được con lớn nhất dài 85cm, nặng 7,7kg, không loại trừ ở độ sâu còn có con lớn hơn nữa. Cũng có thể do đột biến gien dưới tác động của phóng xạ núi lửa, cá tầm ở đây đã hình thành chủng đột biến “cá tầm Thiên Trì”, những người nhìn thấy “thủy quái” chẳng qua là trông gà hóa cuốc!
Lai lịch tên đảo Nami
Du lịch Hàn Quốc, ai cũng phải thăm viếng đảo Nami, vì đây là nơi diễn ra Bản tình ca mùa đông với hai diễn viên Bai Yong Joon và Choi Ji Woo cũng đẹp như “Mùa đông”, nhưng ít ai để ý tìm hiểu nguồn gốc tên đảo Nami.
Cách lối vào không xa là mộ tướng quân Nami. Lùm lùm nấm đất, cửa mộ dựng tượng đá mang tính hài hước – vì đã quá xa xưa, nên đây có thể chỉ là mộ gió. Bên mộ có tấm bia đá, tạc dựng bài thơ chữ Hán nổi tiếng của ông, phiên âm như sau:
Bạch đầu sơn thạch ma bất tận,
Đậu Mãn Giang thủy ấm mã vô,
Nam nhi nhị thập vị bình quốc,
Hậu thế thùy xưng đại trượng phu.
Tạm dịch:
Núi đá Bạc Đầu mài chẳng hết.
Nước sông Đậu Mãn uống vẫn còn,
Đôi mươi sức trẻ chưa yên nước,
Đừng để đời sau thẹn núi non.
(Sông Đậu Mãn là cách phiên âm khác của sông Tumen, là biên giới Trung – Triều)
Năm 1441, Nami đã giúp vua Thế Tông đời Lý dẹp loạn, thụ phong tướng quân ở tuổi 26. Hai câu thơ sau đã bị kẻ gian lấy làm bằng chứng vu oan ông có ý đồ mưu phản, kết quả ông bị xử tử khi ông mới 28 tuổi, 300 năm sau mới được minh oan.
Mặc dù đường biên đã định, hai nước trên bán đảo đều là thành viên Liên Hiệp Quốc, nhưng Người Hàn Quốc vẫn hoài niệm anh hùng dân tộc của mình; canh cánh với hai câu thơ “Bạch đầu sơn thạch ma bất tận/ Đậu Mãn Giang thủy ấm mã vô”...