Cuối và đầu năm là thời điểm tốt để doanh nghiệp nhìn lại các chiến lược, kế hoạch kinh doanh cho một năm mới. Trong đó, các chiến lược gắn kết khách hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ lại khách hàng, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nhãn hiệu và thúc đẩy tăng trưởng doanh số.
Dù đang kinh doanh một sản phẩm hay dịch vụ, doanh nghiệp nào cũng muốn nhãn hiệu của mình trở thành ưu tiên hàng đầu của khách hàng khi họ cần giải quyết nhu cầu của mình.
Theo Charisse Conanan Johnson, Giám đốc văn phòng Chicago của Next Street, một công ty tư vấn các chiến lược gắn kết và xây dựng quan hệ lâu dài với khách hàng, vào những dịp cuối hoặc đầu năm, doanh nghiệp có thể vận dụng các chiến lược gắn kết khách hàng sau đây.
Tổ chức sự kiện hay hội thảo để chia sẻ các ý tưởng về kinh doanh và quản trị
Theo Johnson, các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vốn phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ cá nhân nên tổ chức những buổi hội thảo thân mật dưới hình thức mời một nhóm khách hàng hiện tại và khách hàng triển vọng cùng dùng bữa trưa hay tối, tạo điều kiện để khách hàng kết nối với nhau và với doanh nghiệp, từ đó mở ra cơ hội kinh doanh cho tất cả.
Những công ty cung cấp sản phẩm, theo Johnson, cũng nên tổ chức một sự kiện trực tiếp hoặc trực tuyến cho các khách hàng hiện tại và triển vọng.
Ngoài ra, sau khi tổ chức một sự kiện, có thể viết bài về những nội dung đã trao đổi hay mới phát hiện được từ sự kiện ấy và chia sẻ với nhiều đối tượng khách hàng mục tiêu khác, tạo cơ hội để khách hàng kết nối với nhau và với doanh nghiệp.
Gửi những bài viết thích hợp cho khách hàng dựa trên các cuộc trao đổi gần nhất với họ
Khi tương tác với khách hàng trực tiếp hay qua các kênh trực tuyến, doanh nghiệp sẽ rút ra được những nội dung mà khách hàng quan tâm, từ đó có thể gửi những bài viết thích hợp cho họ.
Nếu tương tác với khách hàng qua hình thức gửi bản tin trực tuyến, doanh nghiệp nên gửi cho họ những số liệu thống kê về các đề tài họ đang quan tâm.
Cách làm này đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn nhân lực hay hệ thống hỗ trợ việc tương tác mang tính cá nhân cao với từng khách hàng. Vì vậy, Johnson khuyên doanh nghiệp nên thử nghiệm trước khi áp dụng chiến lược này.
Tương tác với khách hàng qua các kênh truyền thông xã hội bằng những câu chuyện liên quan đến đời sống của họ
Theo Johnson, nhiều doanh nghiệp bỏ ra không ít thời gian để quảng bá sản phẩm hay dịch vụ của mình trên các kênh truyền thông xã hội thường không gắn kết khách hàng bằng những nội dung mà họ quan tâm hàng đầu.
Để tạo ra lợi thế cho nhãn hiệu của mình, doanh nghiệp nên dành một phần thời gian nhất định trên các kênh truyền thông xã hội để gắn kết trực tiếp với khách hàng bằng những câu chuyện đang xảy ra trong đời sống của họ thay vì chỉ đẩy bán sản phẩm hay dịch vụ.
Khi thể hiện sự nhận biết và quan tâm đến đời sống của khách hàng, doanh nghiệp sẽ có thể phát triển lòng trung thành ở họ, biến họ thành những sứ giả sẵn sàng quảng bá miễn phí cho nhãn hiệu của doanh nghiệp.
Giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ của khách hàng với khách hàng triển vọng
Nếu kinh doanh trong môi trường B2B (giữa các doanh nghiệp với nhau), doanh nghiệp có thể đem lại nhiều giá trị to lớn cho khách hàng bằng cách giúp họ phát triển kinh doanh.
Cụ thể, một trong những cách làm điều này là giới thiệu khách hàng với những khách hàng triển vọng khác có khả năng giúp họ tăng doanh số. Quá trình bán hàng trong môi trường B2B thường kéo dài và liên quan đến nhiều người ra quyết định.
Vì vậy, sự giới thiệu, khuyến nghị của doanh nghiệp đến một nhân vật có ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng sẽ được họ đánh giá rất cao.
- Xem thêm: Tặng quà cuối năm
Tuy nhiên, cần tìm hiểu một số thông tin cơ bản tối thiểu về sản phẩm, dịch vụ của khách hàng trước khi giới thiệu chúng để thể hiện tính chuyên nghiệp và tạo ấn tượng, niềm tin cho khách hàng triển vọng của họ.
Theo Johnson, dịp cuối và đầu năm cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ danh sách khách hàng triển vọng cho nhau, từ đó tăng cường sự gắn kết.
Thể hiện sự quan tâm bằng những câu hỏi thích hợp
Làm thế nào để chúng tôi phục vụ anh/chị tốt hơn? Anh/chị có muốn tìm hiểu thêm điều gì nữa không? Anh/chị muốn sản phẩm/dịch vụ nên có thêm những tính năng nào trong thời gian tới? Anh/chị quan tâm đến những điều gì trong vòng sáu tháng đến một năm tới? Ưu tiên hàng đầu của anh/chị là gì? Anh chị đang lo lắng nhất điều gì?
Đó là những câu hỏi mà Johnson khuyên doanh nghiệp nên đặt ra cho khách hàng vì chúng thường đem lại những phản hồi có giá trị, giúp doanh nghiệp gắn kết với khách hàng hiệu quả hơn.