Dù Mỹ đang mạnh tay với Huawei, chính quyền Berlin đã quyết định tiếp tục cấp phép để hãng công nghệ Trung Quốc được cung cấp phần cứng hỗ trợ 5G tại Đức.
Theo Reuters, mục lục an ninh mới của Đức được phát hành tới đây sẽ không loại Huawei ra khỏi danh sách các nhà cung cấp phần cứng cho mạng di động 5G tại quốc gia châu Âu này.
Hồi tháng 5-2019, Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen với cáo buộc hãng này thân thiết với chính quyền Bắc Kinh, đồng thời cấm mọi giao dịch xuất khẩu đối với hàng hóa của công ty. Washington sau đó gây áp lực với Berlin nhằm có được lệnh cấm tương tự, không cho phép hãng công nghệ Trung Quốc đấu thầu hợp đồng cung cấp cơ sở hạ tầng 5G.
Dù vậy, trong danh mục quy định về an ninh mới của Đức cho thấy chính quyền không có ý định loại bỏ Huawei. “Những kết quả có được trong danh sách của chính phủ chưa từng và cũng không dự định việc sẽ loại bỏ bất kỳ công ty nào”, một quan chức cấp cao của Đức trả lời trên Reuters.
Thông tin này khẳng định lập trường của bà Angela Merkel – Thủ tướng Đức hồi đầu năm nay khi tuyên bố nước Đức không loại bỏ nhà cung cấp nào trong bối cảnh thắt chặt an ninh đối với mạng di động quốc gia.
Danh mục an ninh mới sẽ liệt kê chi tiết tiêu chuẩn an ninh cũng như công nghệ cao hơn và buộc các nhà mạng phải tuân thủ. Điều này vẫn có lợi cho doanh nghiệp viễn thông bởi nhiều trong số họ đang là khách hàng của Huawei. Trước đó, họ từng cảnh báo lệnh cấm đối với phần cứng của Huawei có thể gây trì hoãn tiến trình triển khai 5G tại Đức nhiều năm trời và tiêu tốn hàng tỉ USD.
- Xem thêm: Mạng 5G là gì?
Mỹ cáo buộc Huawei thông đồng với chính phủ Trung Quốc, cho rằng thiết bị của hãng có thể lén cài backdoor để Bắc Kinh tận dụng làm gián điệp tại các quốc gia khác. Tuy Đức và một số đồng minh trong EU không đồng quan điểm với Mỹ, họ vẫn tỏ mối quan ngại về vấn đề trên. Tuần trước, các thành viên EU lên tiếng cảnh báo về mối nguy an ninh ngày càng tăng có liên quan đến việc triển khai 5G.
Báo cáo của EU không chỉ thẳng mặt Huawei, nhưng nêu rõ việc siết an ninh hạ tầng viễn thông là cần thiết, đồng thời đề cập đến các thách thức đến từ “những nhân tố không thuộc EU hoặc do chính phủ hậu thuẫn”.