Tính khả dụng, tình huống sử dụng, sự chậm trễ của nước Pháp và những rủi ro cần tránh: tất cả những gì bạn muốn biết về công nghệ mới 5G có khả năng tăng gấp 10 lần tốc độ của điện thoại…
Mạng 5G là gì?
Đó là một kỳ vọng đầy hứa hẹn, cho phép 1 triệu đối tượng kết nối trên 1km2, tăng đáng kể tốc độ liên lạc. Công nghệ mới này trong thực tế sẽ cho phép tăng gấp 10 lần lưu lượng hiện tại từ nay đến năm 2022.
Công nghệ này sẽ tiến lên từng bước vững chắc. Mari-Noelle Jégo-Laveissière, nữ Giám đốc của Công ty phần mềm Orange, Pháp, giải thích: “Tôi thường nói rằng, trong thời gian đầu, 5G sẽ được nâng cấp từ 4G mà chúng ta có thể so sánh như là 40G nhờ sự tích hợp của các công nghệ tương thích”.
- Xem thêm: Vì sao 5G là cơn cớ xung đột thương mại
Thời gian đầu, mạng 5G sẽ cần đến các công nghệ khác có tên gọi là công nghệ “Không độc lập” (Non-Standalone).
Sau đó, với nhiều ăng-ten mới, mạng 5G “Độc lập” (Standalone) có cơ sở hạ tầng riêng. Điều sẽ không xảy ra ít nhất là trong ba năm tới. Lúc bấy giờ, tốc độ sẽ nhanh hơn gấp 1.000 lần so với mạng di động của năm 2010.
5G được sử dụng để làm gì?
Kết nối vào mạng SoulCalibur VI hoặc Ace Combat 7 mà không làm giảm tốc độ từ một điện thoại di động hệ 5G: đây là những gì mà mới đây, các nhà sản xuất Oppo và OnePlus đã đề xuất khi liên kết với Blade, công ty phát triển máy vi tính phi vật chất có thể sử dụng trên bất cứ màn hình nào.
Công ty Blade đã hiệu chỉnh Shadow, một dịch vụ truy cập dữ liệu từ xa đặc biệt rất tương hợp với hệ 5G. Cloud Gaming là một ví dụ.
Có thể theo dõi một trận bóng đá với mũ Hololens được trang bị cặp kính, với số liệu thống kê của các đội bóng khác nhau xuất hiện trên màn hình. Nhưng đặc biệt hơn cả là nó có thể có những ứng dụng quan trọng hơn nhiều.
Ngày 27-2-2019, bác sĩ Antonio de Lacy, trưởng khoa tiêu hóa thuộc Bệnh viện Barcelona, đã thực hiện cuộc phẫu thuật từ xa đầu tiên thông qua mạng 5G.
Trên màn hình trung gian, một bác sĩ phẫu thuật hướng dẫn một nhóm bác sĩ trẻ thực hiện ca mổ bệnh nhân bị ung thư ruột kết tại một bệnh viện cách đó vài km.
Ca mổ nhằm cắt bỏ một đoạn ruột kết có khối u. Bác sĩ phẫu thuật có thể quan sát trực tiếp ngay lập tức và rất chính xác nhờ một công nghệ được phát triển bởi Vodafone.
Bước tiếp theo có thể là việc điều khiển thông qua những cánh tay robot. Chương trình cũng được ứng dụng cho các nghề. Ví dụ như công nghệ 5G sẽ giúp ngành nông nghiệp như trang trại nuôi cá, có nhiều thông tin kịp thời.
Tại Thụy Điển, nhà cung cấp thiết bị Ericsson đã hợp tác với Einride để làm việc trên T-pod, một loại xe tải điện tự hành 100%. Robert Falck, nhà sáng lập Einride, cho biết: “Mạng 5G mang đến khả năng kết nối cho phép đưa T-pod vận hành trên đường công cộng, giúp giảm 90% lượng khí thải CO2 và loại bỏ khí nitơ oxyde”.
Thật vậy, công nghệ này cho phép các rô-bốt trong các công ty truyền thông đóng vai trò chính đối với các loại xe tự hành cũng như trong ngành công nghiệp của tương lai.
Mari-Noelle Jégo-Laveissière nói về công nghệ 4.0: “Cuối cùng, các công nhân lái cần trục sẽ có thể điều khiển máy của họ từ xa và tổ chức dịch chuyển vật liệu từ cần điều khiển (joystick)”.
Pháp đang ở trình độ nào so với phần còn lại của thế giới?
Theo GSMA (Groupe Spéciale Mobile Association), Hiệp hội các nhà khai thác và sản xuất điện thoại di động thế giới, từ nay đến năm 2025, số lượng kết nối mạng 5G sẽ là 1,4 tỉ.
Mats Granryd, Tổng giám đốc của GSMA, đưa ra con số: “Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đi trước phần còn lại của thế giới. Năm 2025, một nửa số kết nối mạng 5G sẽ đến từ Mỹ, 30% từ Trung Quốc và 15% từ châu Âu. Các nước khác cũng không đứng khoanh tay nhìn.
Cuối tháng 2 vừa qua, Abdullah Alsawaha, Bộ trưởng Bộ Viễn thông Ả Rập Saudi, giải thích rằng công nghệ này hiện là mối quan tâm hàng đầu của nước ông.
Và nếu các thí nghiệm “kích cỡ thực tế” đầu tiên diễn ra tại Thế Vận hội Pyeong Chang ở Hàn Quốc, bao gồm cả việc cho phép xe trượt băng liên lạc với nhau, mạng 5G sẽ tỏa sáng tại Thế vận hội 2020 tại Nhật Bản.
Còn nước Pháp thì sao? Để 5G được triển khai tại Pháp, sẽ cần phải khởi động các quy trình tầng số mà sự phân cấp quyền hạn vẫn chưa phân định: các cuộc bán đấu giá hay các cuộc thi sắc đẹp, tùy thuộc vào cam kết của các nhà tổ chức, khai thác.
Điều này có thể diễn ra trước cuối năm 2019 như lời hứa của Ngoại Trưởng Agnès Pannier-Runacher. Sau đó sẽ đến việc triển khai. Ở châu Âu, Phần Lan và Thụy Sĩ đã được cấp giấy phép.
Theo Borge Ekholm, Giám đốc điều hành của Ericsson, châu Âu vốn có vai trò chính trong việc phát triển điện thoại di động thế hệ đầu trong thập niên 2000, có thể không còn ở vị trí thuận lợi để quan sát. Borge Ekholm cho biết: “Điều này phụ thuộc vào tình trạng sẵn sàng của mạng lưới dịch vụ và tầng số vô tuyến”.
Đây có phải là công nghệ an toàn?
Đây là một trong những lý do giải thích sự do dự hiện tại của nước Pháp. Nguy cơ gián điệp đã thúc đẩy chính phủ đưa ra sửa đổi Đạo luật Pacte vào đầu năm nay.
Bị Thượng viện từ chối, phiên bản mới của tu chính án này sẽ được đệ trình trong thời gian tới nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính phủ trong việc lựa chọn nhà sản xuất thiết bị cho mạng 5G. Không còn nghi ngờ gì nữa, mục tiêu được cho là hạn chế sử dụng thiết bị của Trung Quốc.
Trong khi chờ đợi, các nhà điều hành công nghệ 5G của Pháp đành chịu đình trệ. Điều làm họ e ngại nhất là thủ tục hành chính dây dưa, hay phải thay đổi các thiết bị đã lắp đặt.
Ví dụ, công ty phần mềm viễn thông Orange, đơn vị đã sử dụng thiết bị của Huawei ở châu Phi và đang có kế hoạch triển khai tiếp mạng 5G tại Pháp, giải thích: “Chúng tôi muốn có câu trả lời về sự lựa chọn chính thức trước cuối năm nay”.
Nếu Huawei bị loại, sẽ là cuộc cạnh tranh giữa 2 đối thủ nặng ký của châu Âu trong lĩnh vực này là Ericsson và Nokia.
Nhưng với nguy cơ hạn chế cạnh tranh, giá cả sẽ tăng và cuối cùng, điện thoại di động tốc độ siêu cao sẽ xuất hiện chậm trễ, trong khi Huawei là đơn vị đã đầu tư 15% doanh thu vào nghiên cứu.
Ngoài vấn đề gián điệp, cần phải cảnh giác an ninh mạng của cơ cấu hạ tầng cho phép số lượng hạn chế đối tượng giao tiếp với nhau.
Liệu mạng 5G có hại cho sức khỏe người sử dụng?
Nếu tất cả các ăng-ten rơ-le (antenne relais) gia tăng khói điện từ mà chúng ta phải chung sống hằng ngày thì sao?
Vào tháng 9-2017, 171 nhà khoa học từ 37 quốc gia kêu gọi cấm triển khai mạng 5G cho đến khi các rủi ro tiềm tàng được điều tra đầy đủ. Vấn đề là các nghiên cứu về sóng liên quan đến điện thoại di động mất quá nhiều thời gian.
Nhưng trong khi chờ đợi, bạn có thể theo dõi công việc của chuyên gia về ô nhiễm điện từ, Pierre Dubochet ở Thụy Sĩ đã tận dụng lợi thế của nước nhà để chia sẻ những suy nghĩ của mình.
Trong khi đó, một số người đã tưởng tượng ra mạng 6G
Chúng ta đã trễ mất một chuyến tàu rồi chăng? Một số nhà công nghệ đã tìm hiểu và nghiên cứu về mạng 6G.
Đây là trường hợp đặc biệt của Công ty LG của Hàn Quốc đã tuyên bố mở một trung tâm nghiên cứu ở Yuseong thuộc thành phố Daejeon, hợp tác với Viện Công nghệ và Khoa học uy tín Kaist có trụ sở chính đặt tại Seoul.
Mục đích: định hướng tiêu chuẩn hóa toàn cầu liên quan đến công nghệ này mà trên thực tế sẽ cho phép, vào năm 2030, truy cập với tốc độ nhanh gấp 100 lần hiện nay, và cho phép sử dụng công nghệ chụp ảnh không gian ba chiều (hologramme).
Về phần mình, Đại học Giang Tô, một tỉnh nằm ở phía bắc Thượng Hải, đã thành lập một nhóm để tiến hành nghiên cứu mạng 6G. Điều này đã khiến Tổng thống Donald Trump giật thót.
Trong dòng tweet viết ngày 22-2, ông muốn Hoa Kỳ có mạng 6G nhanh nhất có thể do chính nền công nghệ nước nhà sáng chế ra.
Hoa Kỳ có thể dựa vào nhà sản xuất bộ xử lý California Qualcomn đang thực hiện một số dự án chuẩn bị.
Dù chưa thật sự là tiền đồn trong lĩnh vực này, châu Âu vẫn có thể tự an ủi với việc triển khai 6 Genesys, một dự án của Trường Đại học Oulu, Phần Lan.
Tiến sĩ Marja Martinmikko-Blue giải thích: “Một trong những ứng dụng chính là phổ cập các robot nói chuyện với nhau trong nhà máy của tương lai”.