Huawei từ lâu đã bắt đầu nghiên cứu phát triển mạng di động 6G, cho dù mạng 5G hiện vẫn chưa được sử dụng nhiều trên thế giới. Công ty cũng tuyên bố sẵn sàng nhượng quyền công nghệ 5G cho Mỹ để tạo sân chơi bình đẳng.
5G là tên của mạng di động thế hệ tiếp theo, hứa hẹn sẽ cung cấp tốc độ truyền tải dữ liệu siêu nhanh và khả năng hỗ trợ nhiều công nghệ mới như ô tô không người lái.
Hệ thống 5G đang dần được triển khai ở một số đô thị tại Hàn Quốc, Anh, và sắp tới là Trung Quốc. Tuy nhiên, mạng này vẫn chưa sẵn sàng trên quy mô lớn hơn.
Mặc dù vậy, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định công ty của ông đang phát triển mạng di động thế hệ 6G.
“Chúng tôi tiến hành song song những hoạt động trên 5G và 6G, vì thế chúng tôi đã bắt đầu với 6G từ lâu”, ông Nhậm phát biểu trên một chương trình do kênh CNBC thực hiện ngày 26/9 ngay tại trụ sở Huawei ở Thâm Quyến, Trung Quốc.
Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Huawei cho biết việc phát triển 6G vẫn ở trong “giai đoạn đầu” và vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể thương mại hóa.
Cụ thể hơn, ông Nhậm Chính Phi nói rằng công nghệ 6G cần “10 năm nữa” để được hiện thực hóa và từ nay đến đó còn rất nhiều việc cần phải làm.
Theo CNBC, với bất cứ thế hệ mạng di động mới nào, ngành công nghiệp đều cần thiết lập các bộ tiêu chuẩn. Quá trình này đã diễn ra với 5G và các cuộc thảo luận ban đầu hiện nay đang đề cập tới 6G, tuy nhiên phải mất nhiều năm để xây dựng các tiêu chuẩn.
Một vấn đề nữa là hiện vẫn chưa rõ mạng 6G sẽ cần cho lĩnh vực gì.
Tháng 8 vừa qua, có thông tin cho biết Huawei đang nghiên cứu phát triển mạng 6G ngay tại Canada, nơi họ đối mặt với nguy cơ bị cấm triển khai 5G.
Theo báo cáo của The Logic được đăng trên trang Cnet, Huawei nghiên cứu mạng di động 6G tại trung tâm R&D ở Ottawa, Canada.
Hiện tại Huawei tập trung mạnh nguồn lực vào 5G. Công ty đã ký trên 50 hợp đồng thương mại 5G, hơn nhiều so với các đối thủ gần nhất là Nokia và Ericsson.
Cũng trong chương trình của CNBC, ông Nhậm Chính Phi cho biết thêm Huawei sẵn sàng chuyển giao giấy phép độc quyền công nghệ 5G của mình cho một công ty Mỹ nhằm tạo một sân chơi bình đẳng cho các đối thủ cạnh tranh.
Ông Nhậm lý giải rằng công ty được nhượng quyền nên là một doanh nghiệp Mỹ bởi các công ty ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã sở hữu các công nghệ tương ứng cần thiết để phát triển 5G.
“Nhưng Mỹ đang không có những công nghệ như vậy”, CEO Huawei phát biểu. “Tôi nghĩ rằng chúng tôi nên trao giấy phép nhượng quyền cho một công ty Mỹ. Sau khi có được giấy phép, họ có thể sử dụng công nghệ của chúng tôi để cạnh tranh tại các thị trường trên khắp thế giới”.
Giấy phép sẽ bao gồm công nghệ 5G đã đăng ký độc quyền của Huawei, trong đó bao gồm mã nguồn, phần cứng, phần mềm, kiểm nghiệm, bí quyết sản xuất và chế tạo.
“Tất cả những thứ này được đưa vào một gói, và nếu họ cần, chúng tôi cũng có thể cấp phép cả thiết kế các bộ vi xử lý”, ông Nhậm Chính Phi khẳng định.
Huawei đang có trong tay nhiều quyền sở hữu trí tuệ nhất đối với công nghệ 5G. Nếu họ cấp phép nhượng quyền công nghệ 5G, hoạt động này có thể mở ra một nguồn doanh thu mới cho công ty.
Ông Nhậm Chính Phi cho rằng cuộc đua phát triển 5G nên bắt đầu từ một sân chơi bình đẳng. “Chúng tôi muốn cho mọi người một điểm xuất phát như nhau”, nhưng bổ sung rằng ông tự tin Huawei sẽ dẫn đầu trong cuộc đua.
Huawei đã bị liệt vào “danh sách đen” tại Mỹ hồi tháng 5/2019 sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm và dịch vụ cho tập đoàn viễn thông số một Trung Quốc.
Mỹ cáo buộc Huawei đánh cắp tài sản trí tuệ và xây dựng những “cửa sau” cho thiết bị mạng của mình nhằm cho phép chính phủ Trung Quốc hoạt động do thám – những cáo buộc mà Huawei nhiều lần bác bỏ.
Đối mặt với các lệnh cấm từ Mỹ, Huawei đã đẩy nhanh nỗ lực tự chủ trong công nghệ. Tuần trước, tập đoàn đã giới thiệu HarmonyOS, hệ điều hành do Huawei tự phát triển dùng cho các thiết bị thông minh như Smart TV, hệ thống giải trí trong xe hơi, đặc biệt là dùng cho smartphone nếu Mỹ áp đặt trở lại lệnh cấm Huawei tiếp cận hệ điều hành Android của Google.
Chiến dịch phát triển hệ điều hành riêng này trên thực tế đã được bắt đầu từ 7 năm về trước.