Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp thủy sản đang ở vùng đáy kể từ đầu năm, dù thị trường chung tăng trên 10% so với cuối năm ngoái.
Thủy sản được coi là nhóm hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, các doanh nghiệp như Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Thực phẩm Sao Ta… đều tăng trưởng được kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ trong năm qua, nhưng đó chỉ là số ít và cơ hội đang giảm dần.
Trên bình diện chung, ngành thủy sản Việt Nam, nhất là mặt hàng tôm và cá tra, hiện đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Số liệu cập nhật của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Bộ Công thương đều cho thấy, tình hình xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản liên tục giảm trong các tháng gần đây.
Với ngành thủy sản, Bộ Công thương cảnh báo, ngành này đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về thị trường, giá cả, áp lực cạnh tranh, sự siết chặt của các quy định, quy chuẩn và án phạt thẻ vàng của Ủy ban châu Âu vẫn treo lơ lửng…, khiến mục tiêu kế hoạch xuất khẩu cả năm 10 tỉ USD khó có thể đạt được.
Trước đó, khó khăn của ngành thủy sản đã thể hiện rõ trong sáu tháng đầu năm. Mặt hàng chủ lực là tôm chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm thu mua trên các thị trường liên tục giảm, tính đến giữa quý III giảm khoảng 15,3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Ðộ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan khiến không chỉ mặt hàng tôm, mà các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực khác cũng sụt giảm như cá tra giảm 7,7%, mực và bạch tuộc giảm 7,4%…
VASEP nhìn nhận, dù có thể tranh thủ được “khe hở thị trường” từ thương chiến Mỹ – Trung, song với thị trường Mỹ, sự siết chặt từ chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản cũng như việc áp đặt mức thuế chống bán phá giá khá cao đối với mặt hàng tôm và cá tra đã giảm rất nhiều cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, kể cả đối với những doanh nghiệp lớn.
Nếu việc áp thuế ở mức cao kéo dài, thì số doanh nghiệp bám trụ xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Tại thị trường EU, án phạt cảnh báo thẻ vàng vẫn treo lơ lửng, nên xuất khẩu thủy sản vào thị trường lớn này vẫn chỉ là khe cửa hẹp.
Trong khi đó, các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… cũng đang có xu hướng kiểm soát chất lượng sản phẩm nhập khẩu ngặt nghèo hơn, đồng thời dựng lên các “hàng rào” dưới danh nghĩa kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, dịch bệnh…, khiến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp ngày càng gặp nhiều trở ngại.
Trong bối cảnh này, làm thế nào để thủy sản Việt Nam duy trì được khả năng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu?
Áp lực cạnh tranh từ xu hướng giảm giá sản phẩm của các nước láng giềng tăng cao, nhưng giải pháp trọng tâm vẫn là các doanh nghiệp phải tăng cường quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tất cả các điều kiện của nước nhập khẩu.
Hiểu điều này một cách đơn giản đó là làm ăn quy mô và chuyên nghiệp, tránh cách làm manh mún và quá dựa vào các cơ hội thị trường. Thương chiến đã tạo cơ hội, nhưng không dành cho tất cả, chỉ có nền tảng vững thì cổ phiếu ngành “tôm cá” mới tránh bị sóng liên tục dập vùi.