Thêm một lần nữa, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại được mổ xẻ trong một hội nghị tổ chức tại Hà Nội vào tuần qua. Lần này vấn đề chủ yếu xoay quanh lợi thế thu hút đồng tiền và hiệu quả chưa cân xứng mà loại hình doanh nghiệp này đáng ra phải có.
Trong báo cáo được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố tại hội thảo “Doanh nghiệp nhà nước: Ràng buộc ngân sách, khuôn khổ quản trị và biến dạng thị trường”, tổ chức ngày
27-5, cơ quan này nói rõ: “Lý do ngân hàng thương mại cho những DNNN được xem là kém hiệu quả vay vì họ kỳ vọng vào sự an toàn. Bởi khi doanh nghiệp không trả được nợ thì đã có Nhà nước trả. Họ có lòng tin cho những người này vay sẽ được hỗ trợ khi gặp khó khăn”.
Theo trình bày của Phó trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) Phạm Đức Trung, Luật Doanh nghiệp 2014 của Việt Nam quy định “doanh nghiệp nhà nước phải là doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước”. Hiện số doanh nghiệp thuộc dạng này lên đến gần 800 đơn vị với tổng tài sản khoảng 2,8 triệu tỉ đồng, tương đương 80% GDP.
Đây là sự tập trung nguồn lực quá lớn cho một thành phần kinh tế, chính xác hơn là dành ưu đãi tuyệt đối cho tám tập đoàn được xem là “những quả đấm thép”.
So sánh với các quốc gia trên thế giới, khu vực quốc doanh tại Việt Nam đang chiếm tỷ trọng quá lớn. Chẳng hạn, tại châu Phi, nhóm này chiếm 15% GDP, châu Á nói chung là 8% GDP, Mỹ Latin là 6%. Ở các nước thuộc nhóm thu nhập cao (OECD), quy mô tài sản cũng chỉ tương đương 15% GDP.
Việc tập trung đa số nguồn lực vào khu vực DNNN khiến kinh tế Việt Nam chịu nhiều hệ lụy, méo mó. Hệ thống pháp luật 30 năm qua đã dần hoàn thiện, nỗ lực đặt DNNN vào một khuôn khổ chung với doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, thực thi và ứng xử của Nhà nước và các chủ thể khác như ngân hàng, công luận lại tạo ra nhiều ưu thế, đặc quyền, đặc lợi cho một bộ phận doanh nghiệp. Quan điểm cho rằng chỉ DNNN mới làm được sản phẩm dịch vụ công ích đã tạo ra biến dạng thị trường. Các tập đoàn, tổng công ty hiện đang chi phối nhiều thị trường quan trọng như điện, xăng dầu khoáng sản, dịch vụ viễn thông, vận tải hàng không nội địa…
Điều này khiến doanh nghiệp tư nhân khó gia nhập vào các thị trường nói trên bởi những giấy phép kinh doanh có điều kiện, hoặc không đủ quy mô và nguồn lực để cạnh tranh sòng phẳng. Do được ngân hàng thương mại cho vay dễ dàng, nguồn lực tập trung vào một số DNNN trong tình hình đa phần làm ăn kém khiến rủi ro trở nên quá cao.
Không những thế, các doanh nghiệp này còn được sự chỉ đạo, chỉ định, bảo lãnh, tín chấp của Nhà nước. Thông tin chưa đầy đủ cũng đã cho thấy, từ năm 2010 đến 2014 đã có 22 văn bản chỉ đạo cho phép DNNN vay vốn, thế là các ngân hàng thương mại yên tâm cho vay tiền với khối lượng lớn.
Không chỉ được ưu đãi về đồng vốn trong nước mà phần lớn các khoản vay nước ngoài cũng được dành cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong việc tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, dù pháp luật hiện hành không phân biệt việc giao, cho thuê đất sản xuất kinh doanh nhưng trên thực tế, ước tính DNNN đang nắm giữ 70% mặt bằng sản xuất kinh doanh. Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam một cách có hệ thống về những đối xử khác biệt giữa DNNN với nhau cũng như giữa DNNN với các doanh nghiệp ngoài khu vực và qua đó, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương – mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ rằng: “DNNN là nguồn gốc phát sinh méo mó thị trường, rào cản đối với cải cách và phát triển kinh tế quốc gia”.
Cũng theo ông Cung, trong khi doanh nghiệp tư nhân không được hưởng những ưu đãi trên thì với chính sách bảo toàn phát triển vốn, các DNNN hoạt động miễn có lợi nhuận là được rồi, chứ không buộc phải là lợi nhuận bình quân thị trường. DNNN cũng không bị ràng buộc lời ăn lỗ chịu, không chịu sự trừng phạt của thị trường, thậm chí người làm thua lỗ cũng không bị kỷ luật. Chi phí vốn cho DNNN thấp hơn nhiều giá thị trường và không tính đến chi phí cơ hội.
Khổ nỗi khi quan niệm kinh tế quốc doanh là chủ đạo thì các nhà làm chính sách cho rằng DNNN là bộ phận quan trọng nhất của kinh tế, tất nhiên nó phải lớn. Ngay cả khi gặp rủi ro gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế thì cũng không thể để cho DNNN phá sản mà Vinashin là một ví dụ.
Có như vậy mới thấy, 30 năm đã trôi qua, công cuộc đổi mới DNNN vẫn là câu chuyện dài chưa biết khi nào kết thúc, vẫn tiếp tục là dòng chủ lưu thời sự.
Những thông tin trên đây góp nhặt từ một cuộc hội thảo khoa học càng cho thấy yêu cầu bức bách phải đưa DNNN đi vào quỹ đạo bình đẳng, nhất là khi đứng trước viễn cảnh gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và bước vào kỷ nguyên cộng đồng ASEAN cuối năm 2015. Đây chính là bài toán khó của Nhà nước.
Lâu nay, trên nhiều diễn đàn đã có vô số ý kiến đề cập đến vấn đề này. Mạnh dạn như nhà nghiên cứu và cũng là doanh nhân Nguyễn Trần Bạt thì cho rằng: “DNNN giống như một đứa trẻ được cầm súng, chỉ có uy thế chứ không phải ưu thế. Chính vì không đủ năng lực để tạo ra ưu thế một cách tự nhiên so với các khu vực kinh tế khác, cho nên nó buộc phải được trang bị súng đạn nhiều để tạo ra ưu thế. Và kết quả của việc ấy chính là sự khủng hoảng kinh tế hiện nay”.
Theo ông, kinh tế nhà nước ở đâu cũng có, nhưng DNNN thì không. Doanh nghiệp là công cụ, là những tế bào, những mô-đun của xã hội để thực hiện các dự án kinh tế. Nếu DNNN hay các loại hình doanh nghiệp khác bình đẳng với nhau trước pháp luật, bình đẳng với nhau trước chính sách, bình đẳng với nhau trước quyền tiếp cận tài nguyên thì dù là DNNN hay doanh nghiệp tư nhân cũng không thành vấn đề. Vấn đề chính là chúng ta ưu tiên DNNN và sựưu tiên này đã khiến chúng ta phải chịu những thất bại rất lớn. Các vấn đề kinh tế xã hội hiện nay chính là hậu quả của quan niệm về vai trò của DNNN, về mối liên hệ giữa kinh tế nhà nước với DNNN. Chúng ta không thể tiếp tục duy trì các quan niệm cũ về DNNN. Phải phân biệt rõ giữa khái niệm DNNN và kinh tế nhà nước. Nhà nước có tiền, Nhà nước có vốn, Nhà nước có nhiệm vụ kinh tế, có các đơn đặt hàng và Nhà nước quan hệ với bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào.
Ông Bạt cho rằng muốn cải cách quản lý nhà nước ở mức vĩ mô đối với DNNN, chúng ta cần xây dựng các DNNN trở thành những tập đoàn công nghiệp, chứ không phải tập đoàn kinh tế. Tập đoàn công nghiệp phải đảm nhiệm việc phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn để đảm bảo tính tiên tiến của nền kinh tế. Hiện nay có điều nguy hiểm là sự đa sở hữu trong các DNNN, tức là trong các tập đoàn kinh tế nhà nước có cả các tổ chức cổ phần, cả các tổ chức đồng minh của nó là các công ty tư nhân có quan hệ kinh doanh với nhau.
Giải pháp cho DNNN hiện nay là cổ phần hóa, thế nhưng chủ trương lớn này diễn ra còn chậm chạp.
Mới đây, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành cổ phần hóa 289 DNNN theo đúng kế hoạch. Xử lý nghiêm trách nhiệm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Đến nay đã có 23 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế trình Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp DNNN theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Chính phủ đã phê duyệt 19 phương án, trong đó bổ sung 106 doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2015 và 109 doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020. Đồng thời Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành cổ phần hóa, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người lao động và các cổ đông khác; gắn việc cổ phần hóa DNNN với niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đối với 82 doanh nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp trong quý II-2015, phấn đấu trong quý III-2015 tất cả được công bố giá trị doanh nghiệp và quý IV-2015 hoàn thành cổ phần hóa. Đối với 126 đơn vị đang xác định giá trị doanh nghiệp, phấn đấu quý II-2015 công bố được giá trị doanh nghiệp và quý III-2015 hoàn thành cổ phần hóa. Đối với 52 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp, phấn đấu trong quý II-2015 hoàn thành cổ phần hóa.
Hoàng Hải (DNSGCT)