Con số hơn 11,3 triệu lượt khách quốc tế đến trong tám tháng qua đang làm ngành du lịch lo lắng vì vẫn còn xa với chỉ tiêu đón 17,5-18 triệu lượt khách trong năm nay. Mọi kỳ vọng đổ dồn vào những tháng cao điểm tới nhưng có vẻ như thị trường sẽ không có sự tăng trưởng đột phá.
Qua thời tăng trưởng nóng
Mùa cao điểm đón du khách quốc tế thường kéo dài từ tháng 10 đến hết tháng 3 hằng năm nhưng phần lớn các đơn hàng đã được đặt từ rất lâu trước đó.
Số liệu từ nhiều doanh nghiệp lữ hành cho thấy tuy thị trường vẫn có điểm sáng nhưng không thể có mức tăng trưởng lên đến 20 – 30% như tăng trưởng lượng khách quốc tế của cả nước trong những năm gần đây.
Trong đó, những thị trường như châu Âu hay phân khúc du lịch tàu biển chỉ tăng nhẹ, thậm chí có nơi báo số lượng đặt chỗ giảm so với mùa trước.
“Thị trường xa như Mỹ và Canada tăng trưởng tốt, thị trường châu Âu ổn định”, ông Phạm Hà, CEO của Công ty Luxury Travel, nói và cho biết có một số thị trường như Úc và New Zealand tăng trưởng cao, khoảng 20%, nhưng số lượng khách lại không nhiều.
Trong khi đó, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty Asian Trails., Co LTD – một doanh nghiệp chuyên về thị trường châu Âu, đánh giá sức mua của thị trường châu Âu chậm hơn trước. Hiện số lượng đặt chỗ cho mùa du lịch 2019-2020 thấp hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào thời điểm này chưa thể đánh giá cho cả mùa nhưng có thể nói sẽ không có nhiều lạc quan từ thị trường châu Âu vì kinh tế khu vực này vẫn chưa tốt như trước, tiền đồng lại mất giá so với đôla Mỹ nên giá tour đắt đỏ hơn.
Thêm vào đó, thị trường có thêm nhiều điểm đến thu hút khách tốt hơn Việt Nam làm cho việc cạnh tranh thu hút khách ngày càng khó khăn.
Theo bà, giá tour cho khách châu Âu đến Việt Nam trong mùa tới tăng từ 3 – 8% do giá khách sạn tăng khoảng 5 – 8%, giá thuê hướng dẫn viên du lịch tăng từ 20 – 25% và một số chi phí khác tăng.
Thị trường khó nhất hiện nay của ngành du lịch là Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế của cả nước nhưng lại đang sụt giảm, kéo tốc độ tăng trưởng khách quốc tế xuống chỉ còn 8,7% so với mức 22,8% của cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trong những tháng cuối năm, phải chặn được sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc hoặc tốt nhất là tăng lượng khách khoảng 5% thì chỉ tiêu đón khách quốc tế trong năm nay mới có thể đạt được, dĩ nhiên là các thị trường khác cũng phải tăng trưởng.
Tuy nhiên cho đến nay không ai dám nhận định là thị trường này sẽ tăng hay tiếp tục giảm trong những tháng tới.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước cho rằng, không có đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá sâu về thị trường Trung Quốc vì doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường này, người điều hành các chương trình đưa khách du lịch Trung Quốc đến những điểm du lịch biển ở Việt Nam, là người Trung Quốc.
Khi có khách, những đối tác này ngay lập tức đặt khách sạn để đổ khách đến và cũng nhanh “như cái chớp mắt” cắt ngay dịch vụ khi người mua ít đi.
Hôm 16-9, bộ phận tư vấn của Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương dẫn báo cáo của Học viện Du lịch Trung Quốc và Công ty lữ hành Ctrip cho rằng tuy sụt giảm trong tương lai gần nhưng thị trường vẫn có khả năng tăng trưởng do số người sở hữu hộ chiếu tăng.
Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ đi du lịch nước ngoài trong thời gian tới và khả năng cao là họ sẽ ghé thăm các quốc gia lân cận như Việt Nam hay Thái Lan trong những chuyến xuất ngoại đầu tiên.
Cơ hội để tăng trưởng thực chất
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, vào năm ngoái, tuy lượng khách quốc tế chỉ gần bằng một phần năm lượng khách du lịch nội địa nhưng lại đem về đến 383.000 tỉ đồng, chiếm đến 60,1% trong tổng thu từ khách du lịch.
Vì thế, du khách quốc tế tăng trưởng chậm lại cũng kéo theo nỗi lo về chỉ tiêu nguồn thu từ du lịch không đạt. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, đây là cơ hội để nhìn lại sự tăng trưởng của ngành du lịch nhằm có những chính sách tốt hơn.
- Xem thêm: Khai thác thị trường du lịch tàu biển
Trong ba năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng lên gấp đôi là điều rất ít điểm đến nào có được, nhưng sự tăng trưởng nóng về số lượng không thể duy trì mãi.
Do đó, việc cần làm là đa dạng nguồn khách và tăng chất lượng dịch vụ, trải nghiệm để có nguồn thu tốt hơn từ khách du lịch.
Bà Bùi Viết Thủy Tiên cho rằng có thể lấy Nhật Bản như một ví dụ về việc gia tăng chất lượng điểm đến để thu hút khách.
Giá cả ở đây đắt đỏ nhưng khách châu Âu vẫn đến rất nhiều vì đánh giá là dịch vụ, môi trường đáng đồng tiền và họ sẵn lòng chi trả.
Trong khi đó, nhiều yếu tố liên quan đến môi trường, tự nhiên tại Việt Nam lại bị du khách đánh giá kém hơn trước.
Chẳng hạn, nhiều khách châu Âu cho rằng đảo ngọc Phú Quốc là một điểm đến không như kỳ vọng bởi khách mong đến để nhìn bãi biển hoang sơ cùng những dịch vụ thân thiện với môi trường nhưng khi đến nơi lại thấy “choáng” vì những công trình xây dựng đồ sộ trên đảo.
“Thực tế là nhiều người phải đi xa hơn, đi sâu hơn để tránh những điểm đến quá đông đúc nhưng vùng xa đó lại thiếu các dịch vụ có chất lượng để phục vụ du khách”, bà Tiên nói.
Bà cho rằng Sa Pa cũng là một trong những ví dụ về sự phát triển du lịch quá nhanh, tăng trưởng lượng khách quá cao khiến chất lượng của những sản phẩm trải nghiệm văn hóa, tự nhiên đang sụt giảm.
Hệ lụy là khi phân khúc khách hàng này tăng thì phân khúc kia lại giảm, không tạo được sự phát triển đồng đều, bền vững giữa các thị trường.
Bà Anna Iliukhina, Trưởng bộ phận Đông Nam Á của Công ty Intourist LLC, cũng có nhận định tương tự, là có những điểm đến đang có vấn đề về chất lượng.
- Xem thêm: Du lịch cuối năm cần cẩn trọng
Theo đó, nhiều năm trước, khi dịch vụ, cơ sở hạ tầng, trong đó quan trọng nhất là khả năng tiếp cận giao thông ở Mũi Né (Phan Thiết) không đáp ứng tốt nhu cầu của du khách Nga, nhiều công ty du lịch ở Nga đã nhắm vào Nha Trang.
Ở đó, có nhiều khu nghỉ dưỡng có thể đáp ứng nhu cầu lưu trú, tận hưởng biển ấm áp, thư giãn cơ thể; có hàng loạt quán bar, vũ trường, nhà hàng cho khách giải trí, ăn uống hoặc chỉ đơn giản là đi dạo trên bờ biển.
Tuy nhiên, Nha Trang lại nhanh chóng quá tải về giao thông làm suy giảm thời gian tham quan cho khách du lịch và kết quả là tại công ty này, gần như 100% những vị khách đến từ phần châu Âu của Nga không quay trở lại.
“Nhiều khách sạn đắt đỏ được xây dựng thêm, điểm đến chú trọng nắm bắt số lượng mà quên đi ít nhiều về chất lượng. Điều này dẫn đến tình trạng trì trệ và giảm số lượng khách du lịch về lâu dài”, bà Iliukhina nói.
Ông Phạm Hà, CEO của Công ty Luxury Travel, có cùng quan điểm và cho rằng nếu quá nghiêng về số lượng thì điểm đến sẽ phụ thuộc vào một vài thị trường quen thuộc, có nguồn khách lớn.
Sự lệ thuộc này không những làm ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề khi có biến động mà còn làm suy yếu khả năng phát triển các thị trường mới.
Đã đến lúc các mục tiêu tăng trưởng có thêm những chỉ tiêu về chất lượng khách, về khả năng thu hút du khách từ các thị trường mới để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Theo ông, một trong những thị trường đang có sự phản hồi tốt là Mỹ. Tuy đây là thị trường xa, yêu cầu về chất lượng dịch vụ cao, việc quảng bá tiếp thị cũng khó nhưng lại có rất nhiều dư địa để phát triển.
Người Mỹ đến Việt Nam thường đi xuyên Việt khoảng 10 ngày hoặc hai tuần nếu kết hợp thêm một nước trong khu vực Đông Dương.
Các sản phẩm du lịch thuần túy, du lịch cho gia đình và tour đặc biệt cho các cựu chiến binh đều có thể bán cho thị trường này.
Thêm vào đó, khách hàng rất năng động và có thể kết nối trực tiếp với doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cũng như trả tiền cho chuyến đi ngay trên trang web của công ty.
“Đi du lịch Việt Nam đang là xu hướng mới của khách Mỹ, nếu nhanh chóng đầu tư cho thị trường này thì chúng ta sẽ có cơ hội có thêm nguồn khách có chất lượng”, ông Hà nói.