Có nhiều tiềm năng, song việc khai thác thị trường du lịch tàu biển ở Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Xu hướng du lịch mới
Tại Hội nghị quốc tế về phát triển du lịch tàu biển Đà Nẵng 2018, bà Trương Thị Thu Hương – đại diện Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, du lịch tàu biển ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam gần đây đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một xu hướng mới.
Theo đó, lượng khách du lịch tàu biển đến khu vực châu Á tăng trưởng trung bình đạt 23% từ 1,51 triệu lượt năm 2013 lên khoảng 4,26 triệu lượt năm 2018. Trên bản đồ du lịch tàu biển thế giới, khu vực này là điểm đến hấp dẫn với 288 điểm được lựa chọn trở thành điểm dừng chân của các du thuyền lừng danh…
Cũng theo bà Hương, tại Việt Nam, du lịch biển đảo là một sản phẩm chủ đạo. Bởi vậy, du lịch tàu biển cũng được đầu tư quan tâm. Chính sách visa, thủ tục đón khách tàu biển tại các cảng biển đã và đang được cải thiện theo hướng thuận lợi so với trước.
Ngoài ra, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến thu hút được khách du lịch tàu biển. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, thuận lợi cho thu hút hoạt động du lịch tàu biển quanh năm, Việt Nam còn có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, với hơn 3,2 nghìn km đường bờ biển, nhiều bãi biển đẹp hấp dẫn; Hơn 3 nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển như, Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô…
Bên cạnh đó, cả nước hiện có khoảng trên 500 khách sạn du lịch và khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 4 đến 5 sao. Trong đó, nhiều khách sạn, resort ven biển được điều hành bởi các tập đoàn quản lý khách sạn toàn cầu sẵn sàng phục vụ khách du lịch tàu biển.
Đặc biệt, Việt Nam có một số hệ thống cảng biển nước sâu đáp ứng được yêu cầu cập cảng của một số tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới. Các cảng biển đã được quy hoạch và đầu tư từng phần để phát triển thành các cảng biển chuyên dụng đón tàu biển có trọng tải lớn như, cảng Hòn Gai (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên – Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Đầm Môn (Bắc Vịnh Vân Phong – Khánh Hòa), Bến Đình (Bà Rịa – Vũng Tàu), bến khách trên sông Sài Gòn – Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh)…
Trong những năm qua, nhiều cảng biển đã được lựa chọn là điểm dừng chân thường xuyên của một số hãng tàu biển lớn trong tuyến hành trình du lịch. Một số tàu biển có khả năng chở khách lớn trên thế giới đã cập cảng Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến Quantum of the seas, Voyages of the Seas hay Dream Cruises… Một số tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam cũng đã bắt đầu đầu tư cho phát triển cảng biển phục vụ du lịch như Sungroup…
Xây dựng cảng biển chuyên dụng
Mặc dù, có tiềm năng song trên thực tế việc khai thác thị trường khách du lịch tàu biển ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, hiện cả nước mới đón khoảng 300 nghìn lượt khách du lịch tàu biển/năm với gần 500 chuyến tàu cập các cảng, chỉ chiếm từ 2,5 – 3% tổng lượng khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng khách tàu biển Việt Nam so với khách du lịch đi bằng đường không và tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn rất thấp, thậm chí một số năm còn sụt giảm. Nếu so với các quốc gia khác trong khu vực, du lịch tàu biển Việt Nam chưa thực sự phát triển.
Nguyên nhân chính khiến du lịch tàu biển ở Việt Nam chậm phát triển, do hệ thống cảng biển, hạ tầng cảng biển chưa đáp ứng yêu cầu. Trên thực tế ở các địa phương, hầu hết các cảng biển đón khách mới chỉ là điểm cho tàu cập bến. Một số cảng mới ở trong giai đoạn đầu tư, hoặc đã nâng cấp nhưng chất lượng dịch vụ đón khách du lịch vẫn còn hạn chế.
Đến nay, Việt Nam chưa có cảng hành khách chuyên dụng để đón khách du lịch tàu biển và thường phải sử dụng chung với các cảng hàng hóa. Hệ thống dịch vụ, kỹ thuật tại các cảng biển chưa đồng bộ. Một số tàu khách không cập được cảng do phải nhường vị trí cho tàu chở hàng làm ảnh hưởng đến uy tín điểm đến…
Lấy dẫn chứng ngay tại TP. Đà Nẵng, một trong những địa phương đón lượng du khách lớn bằng tàu biển, nhưng vẫn gặp khó về cơ sở hạ tầng, ông Nguyễn Xuân Bình – Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, hạn chế lớn nhất phải nói đến là địa phương vẫn chưa có cảng biển chuyên dụng để phục vụ đón khách du lịch tàu biển.
Hiện, các tàu du lịch phải cập và neo đậu chung với cảng hàng hoá. Mặc dù, từ khi có tàu du lịch, công tác vệ sinh môi trường, các điều kiện hậu cần cảng biển được ưu tiên hơn. Ngoài ra, tại khu vực vẫn chưa có nhà ga chuyên biệt để khách làm thủ tục nhập cảnh, mua sắm, tìm hiểu thông tin về điểm đến trước khi lên bờ tham quan du lịch thành phố…
Việc sử dụng chung cầu cảng phục vụ đồng thời hành khách và hàng hóa đã tạo cho du khách tâm lý không an tâm. Bởi vậy, để phục vụ tốt nhất khách du lịch tàu biển, TP. Đà Nẵng đang triển khai đầu tư cảng Liên Chiểu để chuyển cảng Tiên Sa thành cảng chuyên dụng phục vụ du khách.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), trong thời gian tới du lịch bằng tàu biển sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại khu vực châu Á. Bà Trương Thị Thu Hương cho rằng, để phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, tận dụng những cơ hội thu hút khách tàu biển trên thế giới, du lịch tàu biển Việt Nam cần có những định hướng cụ thể để phát triển.
Trong đó, yêu cầu cấp thiết là phải đầu tư hệ thống cảng biển chuyên dụng, dành riêng cho đón khách tàu biển, có nhà ga đón khách, cơ sở hạ tầng dịch vụ, các trung tâm mua sắm hiện đại, vui chơi giải trí đồng bộ tại khu vực cảng đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong giai đoạn chưa có cảng biển hành khách riêng biệt, đối với các địa phương có cảng biển quốc tế, cần phải có chính sách ưu tiên hơn cho các hãng tàu du lịch cập cảng so với tàu chở hàng.
Đồng thời, tăng cường tính liên kết giữa đơn vị quản lý cảng, công ty lữ hành, hãng tàu biển và các cơ sở cung ứng dịch vụ, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí để hỗ trợ cho thu hút khách du lịch tàu biển.