Với những nhà giàu, ngày nào cũng có ôsin quét dọn, chăm tưới cây cối, cọ rửa sàn nhà, thì tết nhất chỉ còn phải lo mua sắm, chưng hoa, cúng kính ông bà. Bây giờ người ta đi chơi nhiều, mọi thứ đều mua sẵn, kể như bà nội trợ được giải phóng gần hết rồi.
Đâu cần lo toan nặng nề kiểu muối một vại dưa to tổ bố ăn quanh năm như ngày xưa nghèo đói. Bây giờ người ta ăn ít nên ở chợ có bán những lọ kiệu, lọ hành muối nho nhỏ. Bánh chưng bánh tét bây giờ cũng mua sẵn, mà muốn ăn lúc nào cũng có, chả phải đợi đến tết.
Ấy vậy mà gần tết vẫn… sợ. Đó là gần đến ngày “tổng kết dọn dẹp… thói xấu” chính mình đã xả ra quanh năm với lý do giống nhau: bận rộn. Các cô độc thân còn “dọn dẹp” và rao bán trên phây nào là quần áo váy đầm túi xách giày dép chưa dùng hoặc đã dùng chỉ vài lần, còn mới.
Đó là sản phẩm từ những cuộc mua sắm tùy hứng quanh năm. Áo quần lúc treo trong shop thấy đẹp thế mà mua về, mặc vào lại thấy ngay… khuyết điểm và thế là cứ treo mãi trong tủ. Tết đến nơi rồi là lúc chào bán hạ giá, thậm chí cho không ai cần, miễn sao phải giải quyết thông thoáng… cái tủ.
Có cô bận đi làm, học hành, thi cử, bận đi… cà phê với bạn, bận… lên mạng ngày vài tiếng đồng hồ, nhưng bỏ thời gian ra dọn dẹp nhà cửa lại là chuyện khó, không sao bố trí được, bận đến nỗi “không mở được mắt ra”. Cảnh các cô thuê phòng ở để đi làm trong các thành phố cũng gần giống cảnh các cô gái được sống riêng một phòng trong gia đình…, phòng ốc sao mà bề bộn thấy sợ!
- Xem thêm: Không biết trong tủ có gì…
Cứ nhìn các quảng cáo khu đô thị văn minh, phòng ốc các căn hộ mới thật sáng sủa, để rồi ngạc nhiên tự hỏi: “Sao người ta giàu sang nhưng nhà cửa… chẳng có các thứ đồ đạc nhỉ, trong khi mình nghèo hơn lại đồ đạc linh tinh quá nhiều. Cái bàn của người ta chỉ để một lọ hoa to, còn bàn của mình nào chai lọ cốc chén, nào hộp lớn nhỏ la liệt. Chả lẽ họ không dùng đồ đạc à?”.
Phòng ngủ của họ nhìn ra cửa sổ buông rèm, giường thì to tướng và chỉ có mỗi tấm nệm phẳng phiu. Giường nhà mình thì đủ thứ chăn mền, thêm mấy cái gối xếp lỏng chỏng. Quái lạ thật, lẽ ra nhà giàu phải nhiều đồ thì bây giờ ngược lại – nhà nghèo mới lắm đồ. Có lẽ câu “chổi cùn rế rách” đã đúng. Nhà nghèo dùng đồ lâu, không bỏ đi cái gì. Trong bếp lỉnh kỉnh chai lọ, hộp lớn hộp con, bát đĩa mỗi thứ một kiểu… trăm hoa đua nở.
Nhà muốn gọn, phải có người bị… xì-trét vì đồ đạc; cứ thấy bừa bãi là ngốt hết cả người. Những căn phòng, ngôi nhà lúc nào cũng bừa bộn như kho chứa đồ, hỏi ai muốn đi làm về nhanh nhanh để… “thư giãn trong tổ ấm”? Nhiều ông chồng tha lôi tích cóp từ cái đinh, thanh gỗ về nhét gầm giường. Bà vợ nói không được, đợi một hôm đẹp trời nào đó ông đi vắng, bà bèn cho tất cả vào thùng rác. Ông chồng sẽ không bao giờ biết, mà làm sao biết được mình có những gì trong cái đống lộn xộn bừa bãi ấy?
- Xem thêm: Không có động từ… vứt
Nghe nói ở các nước giàu, giường tủ bàn ghế đồ dùng còn tốt người ta cũng bày bán rẻ. Trong khi xứ mình, đi rảo phố rảo chợ thấy gì rẻ là tiếc của tha lôi về, mừng hí hửng. Vào nhà nào đầy ắp đồ đạc là biết nhà ấy… nghèo. Nhà càng sang càng ít đồ, thoáng đãng, không bị áp lực của đồ đạc nó đè thành… xì-trét.
Ôi chao, bao giờ ta được thế? Bao giờ ta sống… ít đồ đạc?