Đừng tưởng đó là bệnh của các bà già bị ám ảnh thời bao cấp đói nghèo nhé. Cái gì cũng nhặt có thể là chuyện xưa rồi. Một bà kể: Mình nuôi con nhỏ, bỗng thấy lù lù ở sân một đống dây thép gai rào vườn hoen rỉ người ta vứt đi thì được Anh Xã của mình khuân về.
Sợ con nghịch vướng gai sắt rỉ bị uốn ván thì chết. Nhưng biết Anh Xã xưa nay bảo đời ảnh… “không có động từ vứt” nên mình nhờ một hàng xóm cùng khiêng cái đống cồng kềnh bẩn thỉu to tổ bố ấy đem đi thật xa, mãi tận cái bãi hoang ngoài đầu phố.
Vậy mà chiều về, đã thấy cái đống ghê rợn ấy lại nằm yên chỗ cũ. Anh Xã còn lườm: “Người ta… có việc!”.
Là do tính người thích tích cóp, thời thế chỉ là “tác nhân” thêm vào thôi. Ngày xưa nghèo khổ, cái hộp đựng kim khâu cũng chẳng có nên ai cho cái vỏ hộp bánh có in hình cô đầm ôm bờm con ngựa là quý hóa lắm. Bây giờ thời đại thương mại hiện đại bao bì có khi còn… hoành tráng hơn cả cái thứ đựng bên trong.
- Xem thêm: “Thời đại vứt đi”
Làm kỹ lưỡng dán giấy ốp keo, mở ra được cũng khó. Ấy thế, đầy ra, mua sắm hằng ngày, chai lọ hộp đều đẹp. Ai có thói tích cóp, hoặc “không có động từ vứt” thì chẳng mấy chốc các hộc tủ đầy hết.
Con cái lâu lâu về nhà bố mẹ, nó lại làm một cuộc “tổng rà soát” vứt đi gần hết.
Một người cựu chiến binh bây giờ nói với các con các cháu, mỗi khi nó hỏi ông có ăn được cái này cái kia không, ông liền bảo:
“Những anh chàng thời chiến mà làm khách thì một là người ta mời không ăn, hai là chê không biết ăn cái này kiêng cái kia. Những anh như thế đều… chết hết trong chiến tranh cả rồi. Ý nói là, thời buổi gian khó, không chê cái gì mới tồn tại được.
Thế nên bây giờ con người còn nghĩ ra… lối sống tối giản. Chưa biết nó ra sao, chỉ thấy hình mấy anh người Nhật ở căn phòng trống không đồ đạc. Thứ gì có đến hai cái là vứt bớt một cái. Họ còn bảo, quần áo trong tủ vài tháng không mặc, tức là của người khác, phải đem cho liền.
Thế thì xứ này không thể tối giản được rồi. Là vì mấy chục năm thoát nghèo đói, nay đang là lúc quáng hết cả mắt trước hàng hóa, cứ là mua ào ào, bao nhiêu cũng chưa đủ. Giờ vẫn đang thèm… tối đa.
Có người còn bảo: Lãng phí nhất là… “cái anh đơn thuốc”. Lúc nào ngoài lọ cũng bảo phải theo đơn hướng dẫn. Mà trời ơi, người ta chỉ cần xem thuốc này chữa bệnh gì, uống thế nào, bảo quản ra sao. Cùng lắm có người kỹ lưỡng muốn biết uống nó có thể tác dụng phụ gì, thế là đủ. Đằng này tờ giấy dài như lá sớ, nào là dược động học, dược lực học, các nghiên cứu lâm sàng…
Còn kể ra một đống những “chú ý khác” đọc lên hoảng hết cả hồn. Nào là “mất thể tích nội mạch, phong bế kép hệ renin-angiotensin-aldosterone…”. Nghe hiểu chết liền…
- Xem thêm: Ở sạch mau chết?
Nói thế là Anh Xã mắng ngay, em hay nhỉ, thời hiện đại người ta kỹ lưỡng, cung cấp thông tin khoa học cho người dùng biết chi tiết, chứ đâu phải cứ hễ bệnh là ù té ra tiệm thuốc tự mua, không biết uống vào người thứ gì.
Ối chao, càng hiện đại thì phải càng đơn giản chứ sao lại làm rối tinh lên khó hiểu thế làm gì… Thời đại giàu vật chất, nên cái giấy hướng dẫn sử dụng thuốc dày đến nỗi gấp vào được một cuốn sổ con. Mà giấy pơ-luya mỏng, giá mà thời bao cấp, dân ghiền có thể dùng để cuốn thuốc lá mà hút. Thế mà bây giờ vứt cả cục vào rổ rác.
Những người “không có động từ vứt” bây giờ không rõ họ xoay sở ra sao…