Việc đầu tiên bạn làm khi thức giấc là gì? Kiểm tra điện thoại? Nếu đúng thế, bạn không phải là người duy nhất vì cứ bốn người thì có đến ba người làm giống như bạn. Tính trung bình, một người có thể kiểm tra điện thoại đến 110 lần mỗi ngày; 61% để điện thoại mở cạnh giường ngủ. Cứ ba người sử dụng điện thoại thông minh thì có một người thức giấc giữa đêm và kiểm tra điện thoại (tỷ lệ này là 50% đối với nhóm tuổi 18-24).
Điện thoại di động là cần thiết nhưng có hai trạng thái sử dụng điện thoại: ý thức hoặc vô thức. Cũng như bất cứ thiết bị nào, việc sử dụng điện thoại thông minh mang lại cả sự hữu ích lẫn hậu quả tiêu cực. Dùng điện thoại trước giờ ngủ làm chúng ta khó ngủ hơn và giảm chất lượng giấc ngủ.
Những người liên tục kết nối cũng dễ thấy lo âu hơn và điều này đưa đến các vấn đề sức khỏe khác. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy mối liên hệ của mạng xã hội với chứng trầm cảm.
Có thể bạn muốn tin rằng mình đang sử dụng điện thoại thay vì bị điện thoại kiểm soát. Nhưng làm sao để biết rằng chúng ta đang gặp vấn đề với điện thoại thông minh? Sau đây là vài dấu hiệu cho thấy điều đó.
Kiểm tra điện thoại lúc nửa đêm
Nếu bạn đang mong tin người vợ đang mang thai thì bằng giá nào bạn cũng phải “ôm” điện thoại. Nhưng nếu bạn thức dậy lúc 3 giờ 41 phút để kiểm tra xem “tút” mới nhất của mình có “like” mới hay không thì bạn đang có vấn đề.
Vừa đi vừa “chat”
Đi bộ là một trong những khả năng quan trọng của con người và đòi hỏi gần như toàn bộ sự tập trung của chúng ta. Bạn tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm khi vừa nhắn tin vừa đi bộ và trở thành một chướng ngại cho những người chung quanh.
Vô phòng tắm cũng mang theo điện thoại
Bỏ qua vấn đề vệ sinh, điều này là khác thường. Nếu nó trở thành một thói quen thì nên lưu ý.
Bạn lo lắng khi quên điện thoại
Loài người trải qua quá trình tiến hóa trong khoảng 200.000 năm. Chúng ta đã tồn tại và thống trị hành tinh này mà không có Facebook. Chắn hẳn chúng ta có thể sống một ngày không có điện thoại.
Bạn không thể dừng sử dụng điện thoại dù đang đối diện với người khác
Bạn vẫn cầm điện thoại kiểm tra dù có những người đáng được bạn chú ý hơn đang ở ngay trước mặt bạn.
Bạn dùng điện thoại để thoát khỏi những nhiệm vụ hoặc thử thách
Một ngày kia bạn tình cờ tìm thấy một ứng dụng và dành đến ba giờ đồng hồ mải mê trên đó. Đó là một cách để bạn tránh khỏi thế giới thực tại.
Nghiện thiết bị không phải là một vấn đề mới. Con người đã sử dụng và lạm dụng công nghệ từ lâu. Nhưng quyền kiểm soát luôn thuộc về chúng ta. Và sau đây là một lộ trình 12 bước giúp bạn kiểm soát chiếc điện thoại thông minh.
Bước 1: Đầu tiên, phải ý thức rằng bạn hoàn toàn kiểm soát điện thoại của mình. Ai là sếp – điện thoại hay là mình?
Bước 2: Sử dụng sức mạnh của sự tập trung trước khi cầm điện thoại. Trước khi tự động cầm điện thoại lên để xem những thông báo nhấp nháy, hãy tự hỏi “Mục đích sử dụng điện thoại của tôi trong lúc này là gì?”; bạn sắp cầm điện thoại một cách vô thức hay có việc cụ thể cần đến điện thoại?
Bước 3: Chọn lọc danh sách ứng dụng.
Tôi có thực sự cần đến 74 “app” trong điện thoại? Hãy dành một giờ đồng hồ để chọn những ứng dụng mà mình thật sự cần và gắn bó. Tôi dành bao nhiêu thời gian cho ứng dụng này và nó có thật sự mang thêm giá trị cho cuộc đời tôi? Nếu bạn không chắc chắn, hãy xóa nó khỏi màn hình.
Bước 4: Tắt chức năng thông báo.
Facebook nghĩ rằng bạn cần biết ngay điều mà một “người quen xa lạ” bình luận trong một nhóm nào đó mà bạn đã tham gia năm năm về trước. “Nhưng anh Mark Zuckerberg ơi, tôi không cần vậy đâu”. Nhớ tắt các chức năng cảnh báo của ứng dụng mà bạn không thực sự cần quan tâm đến.
Bước 5: Chú ý đến môi trường chung quanh bạn. Nhắn tin trong lúc đang lái xe là sai luật ở hầu hết mọi nơi vì nó làm bạn không thể tập trung chú ý. Sử dụng điện thoại trong lúc đi bộ hoặc ở phòng tập gym thì bớt nguy hiểm hơn nhưng khi bạn làm thế, bạn sẽ bỏ lỡ trải nghiệm sống đang cần đến sự lưu tâm của bạn.
- Xem thêm: Tỉnh táo mạng
Bước 6: Lên danh sách những việc bạn yêu thích mà không cần đến điện thoại. Điện thoại thông minh là kho giải trí “hổ lốn”. Hãy lên danh sách những hoạt động mà bạn yêu thích và thay thế cho thời gian sử dụng điện thoại. Chơi guitar, đọc sách, hay đi bộ?
Bước 7: Trị chứng “sợ bị bỏ lỡ”. Hội chứng này là một chủ đề lớn. Ở đây, chúng ta nói đến một cách để trị chứng này là luôn nhớ rằng việc so sánh bạn với người khác sẽ dẫn đến cảm giác thiếu thốn hoặc “ưu việt hơn người”. Và cả hai cảm giác này đều dẫn đến sự lo âu. Hãy biết ơn với những gì chúng ta đang có và ta sẽ không cảm thấy là mình đang bỏ lỡ điều gì đó.
Bước 8: Đừng đưa điện thoại lên bàn ăn. Điện thoại thông minh luôn là vị khách không được chào mời trong bữa ăn tối. Cùng nhau tận hưởng bữa ăn là thời gian vui vẻ nhất trong ngày nếu như bạn hoàn toàn hiện diện ở đó. Không có gì tạo ra sự chia cắt trong bữa ăn bằng hành động vừa ăn vừa lướt điện thoại.
Bước 9: Đừng đưa điện thoại lên giường. Nếu bạn nhận nhiều tin nhắn hay cuộc điện thoại vô dụng vào lúc giữa đêm, có lẽ bạn cần đánh giá lại cuộc đời mình. Không có gì quan trọng đến mức bạn phải để một cái điện thoại quấy rầy những giây phút tĩnh lặng và quý báu trước giờ ngủ hoặc sau khi thức dậy.
Bước 10: Quy định giờ đi ngủ. Chẳng hạn, 10 giờ đêm là lúc bắt đầu “thả lỏng”. Đó là lúc sống không có màn hình, nghĩ đến những gì đã làm được trong ngày, đọc vài trang sách…
Bước 11: “Giải lao không điện thoại”. Tắt điện thoại và đặt vào ngăn kéo trong một buổi tối hoặc một ngày. Báo với mọi người rằng bạn đang “giải lao không điện thoại” và họ sẽ “để yên” cho bạn. Sau những lúc như thế, bạn sẽ thấy mình trở lại trạng thái hài lòng tự nhiên.
Bước 12: Sống không điện thoại trong một thời gian dài hơn. Lúc nào đó, khi điện thoại của bạn bị hỏng, hãy thử sống vài ngày hoặc lâu hơn nữa mà không có điện thoại. Biết đâu bạn cũng không nhớ nhiều đến thiết bị này lắm. Bạn sẽ tìm thấy sự bình an và kết nối trực giác với thế giới xung quanh.