Cùng với xu hướng hội nhập rộng và sâu vào thị trường thế giới, các vụ kiện phòng vệ thương mại trong ngành dệt may cũng đang có chiều hướng gia tăng. Rơi vào thế bị động để mất thị trường hay chủ động kháng kiện, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất, không chỉ phụ thuộc vào bản lĩnh của doanh nghiệp mà cần có sự hỗ trợ, tư vấn của các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan thương mại, chính phủ. Trong bối cảnh thị trường đang rộng mở với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, sự chuẩn bị kỹ càng về tìm hiểu thị trường, chính sách của từng quốc gia cũng như sự minh bạch thông tin trong sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng kháng kiện trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Ba công cụ chủ yếu của phòng vệ thương mại
Khi các nước trên thế giới mở cửa giao thương, các biện pháp phòng vệ thương mại là biện pháp để bảo vệ và duy trì thương mại công bằng, bảo vệ nhà sản xuất trong nước trước thiệt hại do hành vi bán phá giá/trợ cấp của nước xuất khẩu gây ra hoặc lượng hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến không lường trước được.
Với ba công cụ: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, phòng vệ thương mại như một cái van an toàn bảo hộ cho ngành sản xuất trong nước trước các nước xuất khẩu khác, đây cũng là “bộ ba” ngoại lệ trong quy định của WTO về tự do hóa thương mại quốc tế. Hệ quả của việc sử dụng phòng vệ thương mại là những biện pháp ngoại lệ trong quy tắc đối xử công bằng (MFN) của WTO sẽ được nước nhập khẩu áp dụng cho nước xuất khẩu, gồm tăng thuế nhập khẩu/áp đặt hạn ngạch với mức thuế tăng thường rất cao, áp dụng lâu dài và có thể được gia hạn 5 đến 10 năm. Nếu các nước bị khiếu kiện không có những biện pháp chứng minh và đáp trả, thiệt hại cho ngành xuất khẩu và hiệu ứng dây chuyền với hàng loạt vụ kiện tương tự tại các thị trường khác là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong bộ ba công cụ, biện pháp chống bán phá giá là biện pháp được sử dụng phổ biến và thường xuyên nhất, thường do các thị trường của các nước phát triển như EU, Mỹ, Canada sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác. Trong khi đó, biện pháp tự vệ thường được các nước đang phát triển sử dụng để bảo vệ các ngành sản xuất mới và non trẻ trong nước hoặc nâng thời gian bảo hộ tạm thời để các ngành sản xuất trong nước bịảnh hưởng đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài.
Vì sao không dễ thắng?
Thủ tục tố tụng các vụ kiện chống bán phá giá/chống trợ cấp do cơ quan có thẩm quyền tại nước nhập khẩu tiến hành điều tra, vì thế, việc tiếp cận, hiểu vấn đề bị khiếu kiện và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tài liệu và cách thức trình bày, diễn giải… chính là những điều gây khó cho cả các doanh nghiệp bị kiện và cả chính phủ các nước nếu có nghĩa vụ liên quan.
Theo các cán bộ Cục Quản lý cạnh tranh, bảng câu hỏi phức tạp, chi tiết, mang nhiều tính kỹ thuật của cơ quan điều tra và yêu cầu hoàn tất trong một thời gian nhất định là rào cản lớn nhất cho doanh nghiệp khi tham gia kháng kiện các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại. Từ yêu cầu 128 trang (năm 1989), bảng câu hỏi này đã tăng lên 158 trang từ năm 1990. Bên cạnh đó là rào cản ngôn ngữ và cách diễn giải trình bày sao cho đúng với yêu cầu. Thông thường, một vụ kiện chống bán phá giá thường kéo dài hơn một năm, tiêu tốn của doanh nghiệp rất nhiều nhân lực và tài chính cho việc thuê luật sư, tập hợp tư liệu, hoàn thành bảng câu hỏi, chi phí vận động hành lang và cả quan hệ với chính phủ. Nếu không có chiến lược rõ ràng và quyết tâm theo đuổi vụ việc, doanh nghiệp dễ bị mất tiền mà không đạt được kết quả như mong đợi. Bên cạnh đó, các vụ kiện thường liên quan đến thông tin mật của doanh nghiệp và ngành nghề nên thông tin không được chia sẻ công khai trên các phương tiện truyền thông. Đây cũng là điểm gây khó cho doanh nghiệp khác trong tiếp cận thông tin và học hỏi kinh nghiệm.
Bà Nguyễn Chi Mai, Trưởng phòng xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại nước ngoài, Bộ Công thương cho biết, trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, đặc biệt là kiện chống bán phá giá, chỉ doanh nghiệp biết rõ mình lời lỗ thế nào và có bán phá giá trong trường hợp đó hay không nên vai trò của hiệp hội ngành nghề, Cục Quản lý cạnh tranh chỉ dừng lại ở sự tư vấn, kết nối với các bộ, ngành và cơ quan chính phủ để hỗ trợ, quyết định kháng kiện cuối cùng là ở doanh nghiệp. Theo bà Mai, doanh nghiệp cần nỗ lực theo đuổi đến cùng thì mới mang lại kết quả. Có trường hợp doanh nghiệp đã quyết tâm kháng kiện nhưng lại tiết kiệm ở khoản thuê luật sư, kết quả vẫn thua kiện và mất một khoản tiền lớn cùng một năm theo đuổi sự việc.
Cần sự chủ động ứng phó
Trong xu hướng tự do hóa thương mại trên thế giới, khi những rào cản thuế quan không còn hữu hiệu thì việc các quốc gia sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ sản xuất trong nước là điều tất yếu. Đối với ngành dệt may, các chuyên gia dự báo doanh nghiệp trong nước cần cẩn trọng khi xuất khẩu sang thị trường các nước đang phát triển vì xu hướng các vụ kiện tự vệ thương mại tại các nước này đang gia tăng. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần cân nhắc trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước đã bị kiện và áp thuế chống phá giá đối với một sản phẩm nào đó trong lĩnh vực này. Theo hiệu ứng dây chuyền, nếu nhà đầu tư nào đã bị kiện đối với một mặt hàng nào đó khi đầu tư vào Việt Nam, mặt hàng đó có khả năng bị kiện tại các thị trường khác rất cao và có thểảnh hưởng đến cục diện xuất khẩu của toàn ngành.
Dù các vụ kiện phòng vệ thương mại trong lĩnh vực dệt may hiện nay chủ yếu ở ngành sợi, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do thiếu điều kiện về tài chính và nhận thức về tầm quan trọng của thị trường, thường trốn tránh việc bị kiện và để lại những tiền lệ xấu. Để tháo gỡ khó khăn này, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đề xuất các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan nhà nước cần tích cực phát huy hơn nữa vai trò của mình. Bên cạnh tăng cường việc kết nối doanh nghiệp với các bộ, ngành, tham tán thương mại ở các nước nhập khẩu để cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin đầy đủ về thị trường, giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi xuất khẩu vào thị trường và có sự chủ động trước những vụ kiện phòng vệ thương mại, các hiệp hội cần nâng cao tính gắn kết của các doanh nghiệp trong việc chia sẻ kinh nghiệm, tài chính để đối phó với các vụ kiện trong từng trường hợp cụ thể. Một sự thờ ơ hay thiếu quyết đoán của doanh nghiệp trong các vụ khiếu kiện không chỉ gây bất lợi cho doanh nghiệp mà có thể gây ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu toàn ngành.
Thiên Toàn (DNSGCT)