Trên DNSG Cuối tuần số trước có đăng bài “Doanh nhân sướng hay khổ” của luật sư Nguyễn Ngọc Bích. Với lối hành văn dí dỏm và cách chọn góc nhìn ngộ nghĩnh, tác giả đã cảm nhận cái sướng và khổ của doanh nhân làm người trong cuộc phải bật cười.
Cái sướng và cái khổ của doanh nhân thì khác hẳn cái nhìn của người ngoài cuộc. Cái mà người ta cho là sướng thì với doanh nhân là khổ; điều mà người ta nghĩ họ khổ thì với doanh nhân lại là sướng; vì “sướng khổ tại tâm” chứ không tại ngoại!
Doanh nhân chúng tôi khổ trong những cái đặc quyền, đặc lợi được thương giới dành cho mà như thế chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu! Nếu bắt đầu – từ chuyện đi máy bay – là cái máy mà từ ở đó câu chuyện đã được bắt đầu thì dù ngồi ở hạng business (hay hơn thế nữa) thì hoặc tay chúng tôi không rời cái máy tính hay cái điện thoại, nếu không như thế thì lại tiếp tục bàn bạc với người bên cạnh. Dẫu có được thoát khỏi “bụi trần” (nhờ ở trên cả chục cây số) để thinh lặng một mình thì trên khuôn mặt chúng tôi vẫn hằn chục nét đăm chiêu. Khi hành khách trên “xe ngựa” ngủ khoèo thì ở hàng ghế “máy bay” chúng tôi vẫn trằn trọc!
Vào những tháng cuối năm, với hệ thống marketing bén nhạy cực kỳ chúng tôi nhận được nhiều thẻ VIP của các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ gởi biếu để sử dụng trong năm tới. Với thẻ VIP này cá nhân doanh nhân được giảm nhiều chục phần trăm, hoặc cả trăm phần trăm luôn cho những dịch vụ mà chúng tôi sử dụng (chỉ tính tiền từ người thứ hai). Những người làm marketing hẳn đã tính toán rất kỹ: doanh nhân ít khi đi “solo” vào nhà hàng, khách sạn, hay sử dụng dịch vụ một mình (nếu được một mình thì chúng tôi sẽ đi nơi khác) nên những đặc quyền đặc lợi họ ái ưu dành cho chúng tôi thì hoạ hoằn lắm chúng tôi mới dùng đến. Còn khi mà chúng tôi đã trưng thẻ VIP ra thì gần như là doanh nhân chúng tôi làm marketing ngược lại cho họ! Miễn hoặc giảm giá chỉ dành cho mỗi cá nhân chúng tôi thì có thấm gì so với cái lợi do số đông người mà chúng tôi đem vào nơi họ!
Chúng tôi trở nên dị ứng với thức ăn cao cấp vì phải thường xuyên tiếp khách, nên nếu được ăn theo ý mình thì sẽ ăn giống như bữa cơm của gia đình nghèo đông con. Do công việc chúng tôi buộc phải di chuyển thường xuyên từ “hình vuông” sang “hình chữ nhật”, nên dẫu cho những hình đó đạt tiêu chuẩn năm sáu sao, thì lòng chúng tôi vẫn thèm được vác balô “đi ở bụi”. Làm cái gì cho người khác sướng thì chúng tôi dễ rộng tay; nhưng làm cái gì cho cá nhân mình sướng thì chúng tôi lại cân phân thận trọng. Do vậy, khi người ngoài cuộc thấy chúng tôi là “doanh nhân” thì thật ra chúng tôi là “nhân doanh”. Đang khổ lắm đấy ạ!
Vậy “nhân doanh” sướng lúc nào?
Ấy là lúc nhìn những người khác xài tiền của mình, mà xài càng nhiều thì mình càng sướng. Đó là lúc doanh nhân ký duyệt bảng lương, bảng thưởng, bởi vì bao thư lương thưởng càng dày điều đó nói lên rằng công ty đang ăn nên làm ra. Cái sướng đó sẽ được nhân lên nếu doanh nhân có một thời hàn vi cơ cực, hoặc đã phải nổ lực phấn đấu để chuyển từ vị trí người làm thuê sang người làm chủ. “Nhân doanh” sướng là khi mình không hiển hiện mà những nguyên tắc của mình đề ra vẫn được thực thi triệt để. Sướng vì tạo được công ăn việc làm cho nhiều người. Và sướng khi nhìn những cộng sự của mình trưởng thành từng ngày để tin rằng chính mình đã góp phần đào tạo cho xã hội một lớp doanh nhân trẻ.
Còn gì nữa? Sướng khi thoát khỏi dông bão thương trường, chạy kịp về nơi trú bão, được người thân dang tay che chắn; và sướng khi nghe con thỏ thẻ: “Má (Ba) ơi hôm nay mình chơi trò bắn súng không? Má (Ba) muốn làm công an hay làm tướng cướp (!)”.