Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các nhà xuất khẩu như giảm chi phí giao dịch, quản lý, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tạo cơ hội kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ hiện đại và quan trọng hơn là cơ hội để đổi mới, đột phá. Nhưng đi kèm với những cơ hội này là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp.
Dự kiến trong khoảng 10 năm nữa, 60% giao dịch xuất nhập khẩu sẽ được số hóa trong khi Việt Nam hiện mới chỉ đạt được từ 3 – 5%. Bên cạnh đó, thách thức về nguồn nhân lực cũng là một vấn đề khá đáng ngại đối với các doanh nghiệp bởi công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng rất cao với kỹ năng và trình độ, kiến thức về công nghệ… ở mức độ cao hơn.
Tại buổi hội thảo Cách mạng 4.0 và chiến lược mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam, diễn ra vào ngày 16-9 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại lợi ích to lớn cho người tiêu dùng cũng như hiệu quả và năng suất vượt trội cho nền sản xuất nhưng các nhà quản lý, doanh nghiệp rất khó dự báo trước về các hệ quả cũng như định hướng được tốc độ của đổi mới công nghệ vì nó diễn ra quá nhanh.
Riêng ngành dệt may, 86% lao động sẽ chịu tác động từ cuộc cách mạng này, theo Tổ chức Lao động Quốc tế. Liệu họ có bị đào thải như nhân viên các hãng taxi truyền thống, khi Uber vào Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường? Đây là lo lắng của không ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong buổi hội thảo nói trên.
Với những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo cho rằng, vào thời điểm này, chúng ta có thể đi tắt đón đầu, vượt lên và đuổi kịp. Với kinh nghiệm thất bại trong việc toàn cầu hóa sản phẩm, ông đưa ra lời khuyên đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn vốn khiêm tốn, trước tiên là phải số hóa quản trị của doanh nghiệp.
Nhiều người nghĩ rằng doanh nghiệp lớn sẽ có lợi thế nhưng Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục PTI Trịnh Văn Dương lại cho rằng doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ vô cùng lợi thế trong việc chuyển hướng và thích nghi với cái mới. “Những doanh nghiệp này nên tinh gọn sản xuất, giảm chi phí về con người, bến bãi bằng việc liên kết với các start up về công nghệ. Và chúng ta cũng phải nghĩ rằng, muốn mở công ty dược không nhất thiết phải có nhà máy như Traphaco, hay cánh đồng lớn như TH True Milk…”, ông nói.
Khuyến nghị mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và kinh doanh bền vững, theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, đầu tiên chúng ta phải có tầm nhìn mở, doanh nghiệp nhỏ cũng cần có tầm nhìn thời đại. Xu hướng của thế giới là ứng dụng robot vào sản xuất thì chúng ta nên tìm hiểu để ứng dụng, giúp giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ hai, doanh nghiệp làm ăn gắn liền với kinh tế tri thức, luôn khao khát tìm hiểu thị trường, khách hàng, tìm tòi cách làm ra sản phẩm tốt và rẻ nhất. Thứ ba, doanh nhân là những con người có ước vọng tạo ra những giá trị lớn hơn đồng tiền để cống hiến cho dân tộc và nhân loại. Vì vậy, người làm kinh doanh không chỉ cố gắng tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện mà còn phải tránh cách làm ăn chụp giật, kiếm lợi trên sự tổn hại của khách hàng, người dân và môi trường…