Càng đến gần Trung thu, tại thị trường TP. Hồ Chí Minh sản phẩm lồng đèn nội địa càng chiếm ưu thế so với lồng đèn Trung Quốc. Ủng hộ sản phẩm Việt, một số hệ thống siêu thị chỉ bày bán lồng đèn Việt Nam bởi lồng đèn trong nước vốn đảm bảo an toàn cho trẻ. Qua các mùa Trung thu, phụ huynh cũng càng ngày càng chuộng lồng đèn Việt. Tiếc rằng nhìn rộng ra toàn thị trường đồ chơi cả nước, hàng Việt lại không có được thị phần tốt như riêng phân khúc lồng đèn. Đồ chơi do doanh nghiệp trong nước sản xuất đang tăng trưởng mạnh ở hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên lại mờ nhạt và giậm chân tại chỗ ngay trên sân nhà.
Thị trường nội khó hơn thị trường ngoại
Theo một nghiên cứu năm 2017 của Công ty nghiên cứu thị trường FTA, có đến 52% bà mẹ được hỏi cho biết họ ưu tiên chọn đồ chơi sản xuất trong nước. Thị trường đồ chơi trẻ em ở Việt Nam hiện phục vụ cho nhu cầu của 3-5 triệu trẻ, thế nhưng đáp ứng hơn 90% nhu cầu này là đồ chơi ngoại nhập. Đồ chơi do doanh nghiệp Việt sản xuất đáp ứng chưa đến 10%. Nguyên nhân không nằm ở năng lực sản xuất vì có đến 95% lượng đồ chơi người Việt làm ra được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật…
Dạo qua một số đường phố có nhiều cửa hàng chuyên bán đồ chơi cho trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh có thể dễ dàng nhận thấy những sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài vẫn chiếm ưu thế. Bên cạnh hàng cao cấp được nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Đức, Pháp… có giá khá cao được bày bán tại các cửa hàng chuyên đồ xách tay và các trung tâm thương mại, các sản phẩm bình dân có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm tới 90% thị trường.
Theo nhận xét của nhiều chủ cửa hàng, đồ chơi Việt Nam ở phân khúc giá rẻ không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, ở phân khúc cao cấp không chen nổi với hàng nhập từ những nước phát triển. Đây là điều đáng tiếc khi đồ chơi của Việt Nam đang xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất thế giới như Mỹ, Nhật, Hà Lan, Anh, Đức… với mức tăng trưởng trung bình gần 20%/năm.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đồ chơi, dụng cụ thể thao của Việt Nam quý I-2017 đạt 235,7 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2016. Thị trường chính của nhóm hàng này là Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Canada, Hàn Quốc. Đặc biệt, mức tăng trưởng của nhóm cực kỳ ấn tượng so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, xuất khẩu sang Hà Lan tăng mạnh nhất, tới 102%; sang Tây Ban Nha tăng trên 98%, sang Đức tăng 52%, sang Bỉ tăng 42%…
Nhiều người trong nghề cho biết Mỹ và các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan vốn là cái nôi của công nghệ nhưng gia công tỉ mỉ không phải lợi thế của họ. Đồ chơi Việt Nam xuất khẩu thường có hàm lượng công nghệ cao, cập nhật xu thế, vượt qua các rào cản kỹ thuật khắt khe cộng thêm những chi tiết gia công tinh tế, khéo léo nên rất được ưa chuộng.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ chơi bằng gỗ cho biết rằng trước tiềm năng của thị trường trong nước, doanh nghiệp của ông cũng đã bỏ tiền tỉ đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất đồ chơi trẻ em với giá bán thấp hơn so với hàng Trung Quốc nhưng không ăn thua, vẫn phải nhận gia công xuất khẩu để lấy ngắn nuôi dài vì số lượng bán ở trong nước không khả quan. Đồ chơi Việt Nam có thể cạnh tranh với đồ Trung Quốc ở chất lượng và giá, nhưng khó cạnh tranh ở số lượng mẫu mã và tốc độ cho ra sản phẩm mới.
Còn nhiều rào cản gây khó phát triển
Một số doanh nghiệp cho biết sản phẩm đồ chơi của Việt Nam gặp “khó” khi phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn làm gia tăng nhiều chi phí, trong khi sản phẩm nhập khẩu đường tiểu ngạch lại chiếm được lợi thế này. Mặt khác, thời gian qua các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khiến sản phẩm luôn ra đời chậm, khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Mỗi khi doanh nghiệp thay đổi sản phẩm lại phải làm chứng nhận, kiểm tra chất lượng, kiểm định định kỳ sáu tháng đến một năm.
Trong khi để nghiên cứu ra khuôn mẫu sản phẩm doanh nghiệp đã mất từ 3-6 tháng, để ra sản phẩm hoàn chỉnh cần thêm ba tháng vì thế nhiều khi sản phẩm chưa kịp đưa ra thị trường đã phải kiểm tra lại theo định kỳ, điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, phát sinh các chi phí trung gian khác khiến giá thành sản phẩm tăng cao, giảm sức cạnh tranh với hàng ngoại.
Nhiều người trong nghề cho rằng doanh nghiệp đồ chơi Việt muốn có chỗ đứng trong nước thì phải tạo được sự khác biệt. Đầu tiên, phải nghiên cứu thị trường một cách chi tiết, hiểu rõ từng đối tượng với mức sống, đời sống như thế nào, nhu cầu thị trường là gì, cạnh tranh ra sao, rồi mới tính đến khâu sản xuất và phân phối. Điều quan trọng là phải có chiến lược và hướng đi riêng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc nhập lậu. Nhiều sản phẩm không có tem hợp quy định vẫn được bày bán ngoài thị trường với giá rẻ, không có chứng nhận và người tiêu dùng không phân biệt được khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước khó cạnh tranh. Cùng với đó, Nhà nước cần có chiến lược truyền thông cho người tiêu dùng nhận biết được giá trị thật của các mặt hàng đồ chơi, đâu là hàng sản xuất trong nước, đâu là sản phẩm nhập lậu. Các hành vi vi phạm, gian lận thương mại đối với mặt hàng này cần phải được xử lý nghiêm.
Ngoài ra, việc thiếu một tổ chức đại diện cho ngành sản xuất đồ chơi là nguyên nhân khiến ngành phát triển rời rạc. Theo kinh nghiệm từ những quốc gia có ngành sản xuất đồ chơi phát triển như Đan Mạch, Đức… các doanh nghiệp đồ chơi cần tổ chức được một hiệp hội ngành để chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, công nghệ và thị trường, dần từng bước đưa ngành đồ chơi Việt Nam trở nên có tiếng nói riêng trong khu vực và trên thế giới.
Gần đây, do lo lắng các chất độc hại có trong đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam. Tại nhiều cửa hàng như hệ thống Bibomart, ADC books, Kids plaza hay các quầy đồ chơi của nhiều hệ thống siêu thị như Vinmart, Co-op Mart, Big C… đã có kệ riêng trưng bày nhiều mẫu đồ chơi do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Tín hiệu đáng mừng này sẽ càng lan rộng và đóng góp thêm vào kinh tế chung nếu ngành sản xuất đồ chơi được các cơ quan quản lý quan tâm đúng mực.