Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13-9 vừa qua, một trong những chủ đề thu hút được nhiều sự quan tâm là phương pháp học mới. Các đại diện đến từ các nước trong khối ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm về phân tích thực trạng và xây dựng lộ trình học tập phù hợp nhằm chuẩn bị một lực lượng lao động trong thời đại kỷ nguyên số. Phiên thảo luận chính theo chủ đề này diễn ra trong bối cảnh những thay đổi mang tính đột phá đối với các mô hình kinh doanh, gây tác động rõ rệt lên bức tranh toàn cầu trong nhiều năm tới.
Các đại diện của ManpowerGroup VN là ông Simon Matthews và bà Lê Thị Kim đã đưa ra những phân tích về cấp độ tiếp cận học hỏi và phương pháp học phù hợp cho thế hệ Z (sinh ra trong các năm 1996-2000) để giúp họ đón nhận những tri thức mới trong kỷ nguyên số. Theo đó, thế hệ Z tại các nước trong khu vực được phân loại thành hai nhóm chính:
– Nhóm 1 là thế hệ Z tại các nước phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Nhóm này rất quen thuộc và bắt nhịp với sự đột phá về công nghệ, cập nhật nhanh tri thức mới, kỹ năng mới, chịu khó học hỏi và thậm chí dự đoán được sự ra đời của những kỹ năng mới trong tương lai. Cũng bởi nhạnh nhạy và dự đoán trước được xu hướng kỹ năng mới nên các em trở nên thiếu kiên nhẫn trong việc dành thời gian luyện tập thành thạo một kỹ năng hiện tại. Thách thức cho nhóm này chính là tạo môi trường học hỏi và tính kiên trì để đạt đến sự thành thạo các kỹ năng hiện tại.
– Nhóm 2 là thế hệ Z tại các nước đang phát triển như Thái Lan, VN, Lào, Campuchia… với đặc tính còn e dè trong việc phân tích luồng tri thức phù hợp để tiếp cận và cũng còn mơ hồ khi quyết định những kỹ năng nào cần phải có. Ở những nước này, các em chưa có nhiệt huyết tìm tòi, học hỏi, cập nhật kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Xây dựng niềm đam mê, tư duy học tập không ngừng, hình thành phương pháp học hiệu quả là cách giúp các em trưởng thành trong nhận thức, đáp ứng được yêu cầu đào tạo không ngừng của thị trường.
- Xem thêm: Lãnh đạo thành công trong kỷ nguyên số
Đại diện ManpowerGroup VN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác trong khối ASEAN nhằm tăng cường “khả năng học hỏi suốt đời” của người lao động để luôn duy trì được việc làm trong một thế giới công việc thay đổi không ngừng. ManpowerGroup còn cung cấp một công cụ kiểm tra khả năng học hỏi (Learnability) để giúp người lao động nhận biết được bản thân.