Mới sáng sớm mấy đứa nhỏ kế bên nhà đã la ó um sùm:
– Nhánh mận gãy rồi bà Hai ơi!
Một tiếng rắc nhẹ, nhánh mận gie ra mé rạch đã rớt xuống dưới chân cây dừa lão. Mấy đứa nhỏ bu lại. A, có tổ ong ruồi bám trên nhánh nè. Sự mừng rỡ chợt tắt ngóm. Hóa ra tổ ong chỉ còn đám ong ruồi hoảng hốt bay tứ tung. Mật đã khô hết, không còn một giọt để vắt. Mà mật ong ruồi là loại mật ngon nhất. Vậy mới uổng chứ. Thằng Út Sử kế nhà mặt buồn hiu. Bởi năm rồi nó từng lên cây gỡ được một ổ mật, vắt ra cũng được hơn xị mật.
– Cây mận của bà Hai bị chùm gởi bám nhiều quá, rút hết nhựa cây, mật ong cũng khô luôn.
Ừ, nhớ lại thì mấy năm nay gốc mận già nua này không còn cho trái nữa rồi. Những trái mận trắng đặc ruột, chua chua ngọt ngọt, nhai giòn rụm trong miệng không chút hậu chát, làm mứt mận dầm đá thì khỏi chê. Những trái mận ấy đã không còn lúc lắc trên cành lâu lắm, lâu đến nỗi mình cũng quên mất.
Chị đứng trong sân nhà, ngước lên nhìn cây mận cằn cỗi ở góc sân mà nhớ. Khi chị về làm dâu nhà này, cách đây gần bốn mươi năm, cây mận đã đứng đó sum suê, xanh tốt. Nghe nói má chồng chị đã chiết nhánh từ một cây mận trắng trong xóm về cắm xuống. Nhưng khi ra trái, trái mận ở đây lại có cơm dày hơn, gần như đặc ruột và ngọt ngon hơn hẳn.
Con nít xóm này ngày đó đứa nào cũng mê, mùa trái nào cũng lò mò dưới gốc mận, chờ má chồng chị đi chợ hay đi đâu đó là thót liền lên cây, bất kể có lúc bị bà chộp được, kéo lỗ tai về tận nhà méc người lớn. Làm dữ vậy nhưng khi mận chín, bà vẫn bẻ xuống cả thúng phân phát cho bọn nhỏ. Bà nói:
– Mình không giữ thì tụi nó non già gì cũng tuốt hết. Để mận chín thiệt ăn mới ngon.
Mới đó mà má chồng chị mất đã hơn chục năm. Đám trẻ bây giờ không còn được ăn mận trắng ở đây nữa bởi cây mận ngày càng thưa trái, vợ chồng chị bận bịu công việc cũng không chăm sóc gì thêm. Chùm gởi không biết ở đâu bay đến cứ bám đầy, rút rỉa nhựa cây, đứng dưới nhìn lên không biết đâu là nhánh chùm gởi, đâu là nhánh mận nữa…
***
Mấy ngày này cả xóm ven rạch của chị xôn xao chuyện nhà sát mé rạch bị giải tỏa, di dời về khu tái định cư để làm đường lộ, xây bờ kè, đào vét con rạch theo kế hoạch 2 của thành phố sau khi đã xong kế hoạch 1 là nới rộng các con hẻm. Nhà nào cũng được mời đi họp tại phường. Hộ nằm trong quy hoạch thì băn khoăn lo lắng nhiều thứ, hộ còn ở lại cũng không kém trăn trở bâng khuâng.
Buổi sáng, chị vừa ra đầu hẻm đã bị mấy người níu lại:
– Nhà cô Hai có bị mất không? Lấn vào tới đâu?
– Dạ, hình như mất cái sân. May mà chưa lấn đến cột nhà.
– Cô Hai sướng thiệt. Mai mốt ra mặt tiền. Chỉ có bọn tui về tuốt trong kia, lạ chỗ, lạ người, không biết làm ăn ra sao?
Mấy câu nói của bà con lối xóm làm chị suy nghĩ rất lung khi về nhà. Ừ dầu gì cũng là người chung xóm mấy mươi năm, hơn nửa xóm dời đi, sao khỏi nao lòng. Lại nhớ đây là xóm ngụ cư, lớp do hoàn cảnh chiến tranh trôi dạt ra, lớp ruộng vườn thất bát chạy ra phố thị kiếm sống lây lất qua ngày. Điểm mặt lại, người khá giả xóm này đếm không hết bàn tay. Toàn là dân mua gánh bán bưng, lượm ve chai, lượm bọc, thu mua phế liệu, khá khá một chút thì làm hồ, làm công nhân…
Cũng cảnh ăn hôm nay lo bữa mai, có khá gì hơn khi cày sâu cuốc bẫm ở vườn đâu. Chưa kể nhiều gia đình phải chui rúc trong mấy căn nhà trọ ọp ẹp do mấy nhà cố cựu trong xóm dư đất cất lên cho mướn để thêm thu nhập. Nay dãy nhà dưới mé rạch bị giải tỏa, những kẻ lưu lạc kia rồi sẽ đi đâu?
Mà lạ, hôm qua gặp chị Năm gánh bánh đúc, bánh lọt ngoài đầu hẻm, chị ta vẫn cười tươi như mọi bữa:
– Lo gì cô Hai. Bọn tui đi đâu mà chẳng nghèo! Thì mướn nhà khác ở rồi gánh gồng mua bán vậy thôi.
Vợ chồng Ba Thu có sạp cá ngoài chợ kế bên xóm đây thì có băn khoăn một chút:
– Tụi tui coi rồi. Trong khu tái định cư cũng có chợ nhưng đâu được sung như chợ mình. Xa thì xa thiệt nhưng chắc phải chạy về đây buôn bán tiếp rồi tính.
Mấy gia đình có chút đất do ở đây lâu đời càng lo lắng, thở ngắn than dài:
– Nhà mình rộng, về đó bắt thăm nền theo hộ khẩu, mỗi hộ chỉ có bốn mươi mét vuông chỗ đâu mà ở. Chắc phải xin mua thêm nền thôi. Mà tiền đền bù trong hẻm lại “bèo” như vầy…
Đúng là chuyện đất đai, nhà cửa thiệt đau đầu. Nghĩ lại trước đây đất ở nông thôn mênh mông, khai thác còn không xuể. Giờ đất quê mất dần, đất chợ không đủ để ở. Những công trình kinh doanh đồ sộ, bề thế, rồi những công trình xây dựng công ích mọc lên, mọc lên. Nhà ở của người lao động cứ lùi dần, lùi dần. May mà những khu tái định cư sau này có khá hơn, chứ không “đồng không mông quạnh” như trước đây.
Chẳng vậy mà mấy đứa nhỏ, trái với nỗi lo của người lớn, cứ háo hức khoe:
– Tụi con sẽ được ở nhà mới. Nhà tường đàng hoàng chứ không phải vách ván, mái lá như ở đây. Ít bữa cô nhớ vô thăm tụi con nghe!
Lời rủ rê vô tư của mấy đứa nhỏ làm chị vừa vui vừa có chút chạnh lòng. Chúng còn nhỏ quá, mỗi ngày đi qua chợ chỉ thấy dòng rạch cạn nước, đen kịt. Bước lên cây cầu xi măng nhìn xuống, từng đống rác đổ xuống cao như núi, bốc mùi nồng nặc. Không như ba mẹ chúng, những đứa trẻ từng đùa vui dưới gốc mận già, từng nhảy ùm xuống con rạch trước nhà chị la ó vang trời buổi sáng, buổi chiều khi dòng nước chảy vào đây còn trong lành, mát rượi.
Vậy nên chúng mơ về một chân trời mới, một nơi chốn mới là tất nhiên. Mới biết trong lòng cái xóm nhỏ ven rạch chỉ có mấy chục hộ dân mà tâm sự đã ngổn ngang biết mấy! Và chị, người sẽ ở lại đây lòng cũng rối như tơ. Ông bà ta vẫn dạy “bán bà con xa, mua láng giềng gần”. Nhưng láng giềng của mình, những người đã bao phen cùng mình trải qua từng cơn “tối lửa tắt đèn” rồi sẽ về đâu? Có ổn định cuộc sống mới hay tiếp tục lây lất qua ngày?
***
Ông già Ba dưới khu vực ghé nhà, đưa cho chị tờ giấy của ủy ban phường:
– Cô coi lại rồi ký vào đây.
Hóa ra đó là giấy ghi tiền đền bù cái sân nhà bị mất, có cả hai cây dừa mé rạch, cây mận, cây nguyệt quế trong sân. Trong đó chỉ gốc mận già là cây lưu niên vì hôm trước chị khai là nó đã có đây hơn sáu chục năm rồi.
Ông già Ba đi rồi chị vẫn đứng ngơ ngẩn trước sân. Ừ, mình không phải di dời vào khu tái định cư, không phải mất ngôi nhà quen thuộc mấy mươi năm vậy mà sao lòng bỗng nao nao, trống trải là vậy. Trước nhà mình đây mai mốt sẽ là con đường tráng nhựa sạch tươm, là bờ kè uốn lượn theo con rạch sẽ được nạo vét để trả lại dòng nước trong lành như ngày xưa. Và, còn biết bao thay đổi tốt đẹp hơn nữa cho dân cư xóm này. Vậy mà…
Đêm. Cơn mưa ban chiều vẫn còn đọng đầy hơi nước. Bụi nguyệt quế góc sân càng tỏa hương thơm lừng. Chị lại mắc võng dưới gốc mận già đong đưa. Nỗi nhớ cũng đong đưa theo cánh võng. Nhắm mắt lại, hình như sát bên chị vẫn là hơi ấm của anh, người chồng vừa bỏ chị lại bên gốc mận này. Những ngày chếnh choáng đam mê, nồng nàn hạnh phúc. Chiếc võng mở rộng ôm ấp hai người cứ đong đưa đong đưa ướp đầy hương nguyệt quế. Và bông mận trắng xóa rơi rơi như từng cái ve vuốt trên mặt, thơm ngát hương tình một thuở nào xa ngái cứ trở về trong những giấc ngủ muộn màng, khuya khoắt.
Vài tháng nữa gốc mận già sẽ mất. Bụi nguyệt quế cũng mất. Cả hai cây dừa cho nước ngọt lịm, cả cây lá cách xanh mướt với từng chùm trái tím đỏ cuốn hút bầy chìa vôi, trao trảo về “ríu” từng tràng thanh thao trầm bổng những sáng mai hồng, những trưa êm ả. Nhưng, “Cái cũ không đi, làm sao cái mới đến được”, mọi người vẫn nói vậy. Cứ nhìn đám trẻ nít trong xóm đó, chúng chẳng háo hức trước sự thay đổi đó sao?
Chị ngước nhìn lên cành mận, hình như từng chiếc lá mận cũng đang thoi thóp cạnh những nhánh chùm gởi um tùm đâm thẳng lên trời. Ôi gốc mận già, chứng nhân cho bao thăng trầm của xóm ngụ cư nằm cạnh con rạch nhỏ bé này. Chị lại nhắm mắt, hít sâu vào lồng ngực mùi hương ngào ngạt của nguyệt quế đêm, hình dung lại những cành mận bông trắng xóa, thơm lừng và những trái mận trắng lúc lĩu trên cao như một lời từ biệt.
Cánh võng vẫn đong đưa, đong đưa đến tận cùng nỗi nhớ. Và mai, với chị mong sao sẽ là một ngày mới.