Mark Weinberger – Chủ tịch, CEO toàn cầu của Ernst and Young (EY) chia sẻ quan điểm về những yếu tố sẽ thay đổi hình ảnh của CEO toàn cầu trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên phạm vi thế giới.
Tương lai của phát triển kinh tế
Sau sáu năm đảm nhiệm vị trí chủ tịch và CEO toàn cầu của EY, một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, Weinberger cho biết ông sẽ từ chức vào mùa hè 2019. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2019 là diễn đàn cuối cùng ông tham gia với vị trí CEO toàn cầu. Tại diễn đàn lần này, Weinberger đã dành phần phát biểu chính để chia sẻ những quan điểm của ông về sự thay đổi vai trò của một CEO toàn cầu trong thế kỷ 21.
Năm 2013, lần đầu tiên Mark Weinberger tham dự WEF. Khi đó, những cuộc thảo luận xoay quanh tiềm năng thúc đẩy thịnh vượng kinh tế của các hiệp định thương mại khu vực. Năm năm sau, cuộc thảo luận của các nhà kinh tế xoay quanh sự thay đổi trong trật tự thế giới. Giá các cổ phiếu cũng tăng cao hơn rất nhiều.
Tuy vậy, theo ông những thách thức lớn vẫn không có dấu hiệu thay đổi, như sự gia tăng trong bất bình đẳng thu nhập, sự sụt giảm niềm tin với các tổ chức, doanh nghiệp. Không chỉ vậy, trong kỷ nguyên công nghệ phát triển nhanh chóng này, những thách thức trên còn trở nên cấp bách và lớn hơn rất nhiều.
Cụ thể, Mark Weinberger nhìn nhận các CEO ngày nay phải liên tục suy nghĩ cách thức cải thiện mô hình kinh doanh. Cùng lúc, họ cần mở rộng quan điểm về vai trò của người lãnh đạo trong thời kỳ 4.0.
CEO thế giới mới: thành công tài chính là chưa đủ
Từ kinh nghiệm với EY cùng rất nhiều cuộc trò chuyện với các doanh nhân, lãnh đạo chính phủ khắp thế giới, Weinberger nhận thấy thế hệ CEO trước chỉ cần chịu trách nhiệm lèo lái doanh nghiệp đạt được các mục tiêu tài chính đã đặt ra. Nếu thành công, họ sẽ được trọng thưởng. Ngày nay yêu cầu đối với các CEO đã khác.
Trước hết, các doanh nhân cần chịu trách nhiệm xây dựng kết nối với tất cả các đối tác liên quan trong công việc kinh doanh, từ nhân viên đến thành viên hội đồng quản trị.
Tất cả đều trông đợi vị CEO của họ không chỉ có một tầm nhìn rõ ràng về định hướng tương lai cho doanh nghiệp mà còn phải giải thích rõ lý do công ty cần đi theo định hướng ấy. Điều này đồng nghĩa CEO cần truyền thông rõ về tầm nhìn của mình với các đối tác liên quan, thuyết phục họ rằng doanh nghiệp đang đi đúng hướng.
- Xem thêm: 2019: Năm thử thách của kinh tế toàn cầu
Ngoài ra, CEO còn phải giữ vai trò chính trong câu chuyện truyền thông những giá trị của công ty với công chúng. Vì sao vậy? Vì giờ đây các CEO đang đại diện cho các thành viên của tổ chức nhiều hơn ngày trước. Với mạng xã hội, bất cứ điều gì một CEO nói hay làm đều có thể ngay lập tức lan truyền khắp thế giới.
Trong bầu không khí chính trị phân cực như hiện nay, các thành viên, khách hàng, người tiêu dùng không ngừng kỳ vọng CEO sẽ lên tiếng trước công chúng khi có vấn đề xảy ra liên quan đến hệ giá trị của công ty.
Những năm gần đây, Weinberger nhận thấy rất nhiều doanh nhân gặp áp lực công chúng khi họ nhìn nhận sai hướng về một vấn đề xã hội nhất định. Và tất cả những sai lầm này đều ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp.
Cụ thể, các CEO ngày nay không thể tuân theo lối nghĩ truyền thống. Đó là chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến kinh doanh mà bỏ qua các yếu tố về lao động nhập cư hay bất bình đẳng giới.
Những vấn đề xã hội này ảnh hưởng rõ nét đến công việc kinh doanh, đến quyền lợi của nhân viên lẫn cộng đồng mà khách hàng đang sinh sống. Vì vậy, nếu một CEO không thể bày tỏ rõ quan điểm của doanh nghiệp về các vấn đề xã hội, ông ta có thể đánh mất lòng tin từ các đối tác, lẫn nội bộ nhân viên.
Tất nhiên sự thay đổi của CEO là một phần trong sự thay đổi vai trò kinh doanh trong thiết chế xã hội. Cho đến gần đây, số đông vẫn cho rằng trách nhiệm lớn nhất của một công ty chính là tạo ra giá trị tài chính cho các cổ đông. Nhà đầu tư là những người mà cả doanh nhân lẫn CEO đều đặc biệt “chăm sóc”.
Song, trên thực tế, các doanh nghiệp chỉ thành công bền vững khi tạo ra giá trị cho nhiều nhóm đối tác khác nhau. Vai trò của các cổ đông vẫn rất quan trọng, nhưng bên cạnh đó CEO cần quan tâm đến các nguồn lực khác.
Ví dụ, nguồn đầu tư quan trọng nhất mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần quan tâm là nguồn nhân lực. Các nhân viên chính là những người triển khai chiến lược của công ty, quyết định văn hóa của công ty cũng như trở thành đại sứ thương hiệu, tương tác trực tiếp với khách hàng và cộng đồng.
Những công ty nhận ra tầm quan trọng của nguồn lực này sẽ đầu tư nâng cao năng lực, trao quyền cho nhân viên. Các doanh nhân cũng có thể tăng tác động xã hội của doanh nghiệp thông qua tài trợ cho các chương trình giáo dục, tập huấn và các sáng kiến cộng đồng khác.
Với từng nhóm đối tác cụ thể, tạo dựng giá trị chung giữa doanh nghiệp và các nhóm đối tác không chỉ là một hành động đẹp trong kinh doanh mà đúng hơn là chiến lược bắt buộc của doanh nghiệp với cộng đồng kinh doanh. Khi công ty đầu tư vào nguồn nhân lực, vào cộng đồng sẽ không chỉ tạo ra những cơ hội mới cho những người hưởng lợi trực tiếp.
Mức đầu tư này giúp tạo dựng một nguồn lực bền vững cũng như môi trường kinh doanh tốt hơn cho chính doanh nghiệp đầu tư. Tư duy nhiều bên cùng có lợi là yếu tố cần có ở mọi CEO thế hệ mới, Mark Weinberger nhận định.