Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động ngay sau Tết Kỷ Hợi là nhằm cạnh tranh, “đón lõng” dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại ngân hàng. Tuy nhiên, về mặt tổng thể sẽ không có quá nhiều áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong năm 2019.
Ngay sau tết, một số ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vốn vừa và nhỏ đã có động thái tăng lãi suất huy động nhằm thu hút nguồn tiền gửi dồi dào quay trở lại hệ thống ngân hàng. Cụ thể, ngân hàng Bản Việt đã tăng mạnh lãi suất huy động tiền gửi, mức cao nhất lên đến 8,7%/năm cho kỳ hạn gửi dài từ 24 tháng; mức lãi suất tiết kiệm của VPBank, SHB cũng lên đến 8,6%/năm; VietABank lãi suất kỳ hạn 12-15 tháng ở mức 8 – 8,1%/năm. Còn tại Nam A Bank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng lên đến 8,3%/năm. Bac A Bank, BaoVietBank lần lượt có mức lãi suất huy động cao nhất lên đến 8,4%/năm và 8,2%/năm. Lãi suất cao nhất của GPBank trên 8%/năm.
Techcombank cũng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất đầu vào kể từ ngày 11-2-2019. Theo đó, nhà băng này áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn sáu tháng là 6,3% thay vì 6%/năm trước đó, còn kỳ hạn 7-11 tháng có lãi suất 6 – 6,1%/năm so với 5,8 – 5,9%/năm trước tết. Kỳ hạn 12 tháng được Techcombank tăng lên mức 6,6%/năm. Và các kỳ hạn ngắn cũng tăng nhẹ. Với các khách hàng ưu tiên, những mức lãi suất trên còn được cộng 0,1%.
Trong khi đó, ngược xu hướng này, một số ngân hàng lại điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất sau tết. Ðiển hình, ACB giảm lãi suất kỳ hạn một tháng xuống 5,1%/năm thay vì mức 5,2% áp dụng trước đó; VietinBank giảm 0,3% ở hai kỳ hạn sáu tháng và 12 tháng về còn lần lượt 5,5%/năm và 6,8%/năm. Trước đó, BIDV cũng giảm lãi suất kỳ hạn năm tháng từ 5,5%/năm xuống còn 5,2%/năm.
- Xem thêm: Chuyển động mới của lãi suất huy động
Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động ngay sau tết, một mặt nhằm tăng thanh khoản đón đầu cầu tín dụng trong các quý tới. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn của nhiều ngân hàng hiện vẫn đang thấp hơn so với tốc độ tăng tín dụng nên vẫn còn áp lực huy động tiền gửi để cân đối nguồn, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã giảm xuống 40% đầu năm nay và dự kiến lộ trình còn giảm tiếp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), về mặt tổng thể, sẽ không có quá nhiều áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong năm 2019. Lý do chính là lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt nhanh trong khi lộ trình tăng lãi suất của Fed đã đi đến giai đoạn cuối. Việc Fed không còn tăng lãi suất quyết liệt như trong năm 2018 sẽ giải tỏa áp lực lên tỷ giá, theo đó Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ không còn chịu áp lực phải rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống nhằm hỗ trợ VND. Xu hướng tăng lãi suất huy động sau tết vì thế nhiều khả năng mang tính ngắn hạn và cục bộ khi chỉ diễn ra tại một số ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ.
Còn đối với các ngân hàng có quy mô đứng đầu hệ thống, điển hình như nhóm gốc quốc doanh thì tín hiệu giảm lãi suất đã được phát đi từ trước Tết Nguyên đán khi Vietcombank, BIDV, Vietinbank đồng loạt cam kết giảm 0,5% lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên như cho vay nông nghiệp-nông thôn, xuất khẩu, công nghệ cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ…
- Xem thêm: Áp lực tăng lãi suất đến từ đâu?
Tuy vậy, với các lĩnh vực phi sản xuất và tiềm ẩn nhiều rủi ro như cho vay bất động sản, cho vay chứng khoán thì nhiều khả năng sẽ vẫn bị kiểm soát ở mức chặt chẽ. Lý do là tăng trưởng tín dụng cho cả hệ thống năm nay được giới hạn chỉ ở mức 14%, tương đương với năm ngoái nên các ngân hàng sẽ phải có tính toán phân bổ vốn vào các lĩnh vực sao cho hợp lý, mà chủ yếu sẽ vẫn là lĩnh vực sản xuất.
Ngoài ra, các quy định theo hướng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, áp hệ số rủi ro cao hơn cho các khoản vay bất động sản cũng sẽ là những rào cản khiến dòng vốn khó có thể chảy mạnh vào lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, mặt bằng lãi suất cho vay nhiều khả năng chỉ được điều chỉnh giảm ở các lĩnh vực ưu tiên chứ sẽ khó giảm ở các lĩnh vực cho vay không được khuyến khích khác.