Viêm loét dạ dày – tá tràng là bệnh rất thường gặp, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, chảy máu hoặc hẹp dạ dày. Trước đây, y học cho rằng viêm loét dạ dày – tá tràng là do một số yếu tố chủ quan như ăn uống nhiều chất cay nóng, uống nhiều rượu bia, do căng thẳng thần kinh hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc aspirin, corticoid hoặc thuốc chữa khớp…
Việc điều trị bằng cách ăn kiêng, bỏ thuốc lá, rượu bia, sử dụng thuốc giảm tiết dịch vị dạ dày… đã mang lại một số kết quả nhất định nhưng bệnh vẫn có tỷ lệ tái phát cao.
Việc phát hiện ra vi trùng Helicobacter pylori đã đưa đến những kết quả khả quan trong điều trị. Helicobacter pylori là một trong các vi trùng ở người có mặt khắp trên thế giới. Theo những kết quả mới đây cho thấy trong cộng đồng người Việt Nam từ 15 đến 75 tuổi có tỷ lệ nhiễm Helicobacter pylori là từ 56 – 72,5%. Loại vi trùng này liên quan mật thiết đến nhiều bệnh ở dạ dày như viêm dạ dày, loét, ung thư… Nếu tiệt trừHelicobacter pylori thì loét bớt tái phát, tỷ lệ ung thư dạ dày giảm từ 6-7 lần.
Triệu chứng của viêm loét dạ dày – tá tràng
Các triệu chứng điển hình của viêm loét dạ dày – tá tràng thường gặp nhất là đau ở vùng thượng vị, cơn đau từ đằng trước lan ra sau lưng. Bệnh nhân hay đói bụng hoặc đau vào thời điểm nửa đêm về sáng. Có những người không đau nhiều mà chỉ cảm thấy bụng đói cồn cào, cảm giác buồn nôn khó chịu, ăn vào thì cảm giác khó chịu mất đi.
Đau bụng có thể xuyên ra sau lưng, đau lan sang phải. Phần lớn bệnh nhân hay bịợ chua, nóng rát vùng thượng vị hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân. Không phải tất cả các bệnh nhân đều có những triệu chứng rõ ràng, có khoảng 20% bệnh nhân bị loét dạ dày – tá tràng nhưng không hề có triệu chứng. Đến khi đã bị nặng, dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị thì bác sĩ kiểm tra mới phát hiện ra bệnh.
Cần lưu ý là đối tượng doanh nhân và nhân viên văn phòng rất dễ bị viêm loét dạ dày vì stress, áp lực công việc, các trạng thái thần kinh căng thẳng cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh và khiến bệnh khó điều trị dứt điểm.
Biến chứng của viêm loét dạ dày – tá tràng
Loét dạ dày – tá tràng chiếm 35% các nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên. Trong 80% các trường hợp, xuất huyết tự khỏi. Chỉ có khoảng 20% bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần điều trị qua nội soi. Mặc dù có các tiến bộ về điều trị nhưng tỷ lệ tử vong chung do xuất huyết tiêu hóa vẫn còn khoảng 10%, phần lớn là do bệnh nhân cao tuổi hoặc các bệnh nặng kèm theo.
Một loại biến chứng cũng rất thường gặp và không kém phần nguy hiểm là thủng dạ dày – tá tràng. Có những bệnh nhân do bị loét ngầm nên bình thường không đau bụng hoặc đau rất ít, đột nhiên bị thủng dạ dày phải cấp cứu. Trong trường hợp bị thủng dạ dày mà cấp cứu không kịp thời thì dễ đưa đến viêm phúc mạc (màng bụng), gây sốc và có thể bị tử vong.
Tiệt trừ vi trùng Helicobacter pylori
Để phát hiện vi trùng Helicobacter pylori, bệnh nhân cần được áp dụng các test xâm hại (cần nội soi tiêu hóa trên như: CLOtest, mô học, cấy vi trùng) và cả các test không xâm hại như: xét nghiệm miễn dịch (Serology), Urea breath test (C13 hoặc C14) (thổi bong bóng). Lưu ý là C13 không có phóng xạ nhưng không dùng cho trẻ con. C14 là chất phóng xạ nên tránh dùng cho phụ nữ có thai. Xét nghiệm qua hơi thở thường được dùng để theo dõi xem việc tiệt trừHelicobacter pylori có thành công không.
Ngày nay có một tiến bộ mới là giải mã gen Helicobacter pylori bằng kỹ thuật sinh học phân tử PCR. Kỹ thuật này trước nay trong nước chỉ có báo cáo ở Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh. Nhờ việc giải mã mà chúng ta phát hiện ra hai loại gen CagA (gen độc hại) và gen VacA (gen ít độc hại hơn) thấy ở bệnh nhân bị loét dạ dày – tá tràng có Helicobacter pylori dương tính. Cần lưu ý là gen CagA (gen độc hại) thấy nhiều trong ung thư dạ dày vì thế thầy thuốc cần chú ý điều này. Hai gen này độc lập nhau nhưng khi kết hợp, gen CagA sẽ làm tăng độc lực của gen VacA.
Phác đồ điều trị chuẩn áp dụng trong nhiều năm qua nay đã cũ nay không còn thịnh hành như trước vì vấn đề Helicobacter pylori kháng thuốc ngày càng nhiều nhất là khi thầy thuốc điều trị lần đầu không đúng nguyên tắc. Tỷ lệ thành công hiện nay đã giảm dưới 80%. Chính vì vậy ngày nay có nhiều phác đồ thay thế được đề xuất như phác đồ chuyển tiếp, phác đồ cứu vãn.
Thầy thuốc thuộc ngành tiêu hóa nội cũng như ngoại khoa cần cập nhật kiến thức để áp dụng đúng các phác đồ đã được nghiên cứu nhằm phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Điểm mới là việc giải mã gen CagA (gen độc hại) và gen VacA (gen ít độc hại hơn). Việc giải mã giúp chúng ta chú ý phát hiện ung thư dạ dày sớm hơn. Lúc này vai trò của ngoại khoa trở thành tích cực hơn.