Mới đây, Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo về căn bệnh này vì số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh. Theo báo cáo tổng kết năm năm (giai đoạn 2007-2011) của chương trình chống lao quốc gia, mỗi năm có gần 51 ngàn bệnh nhân lao phổi mới có vi khuẩn lao trong đờm và có khoảng 100 ngàn bệnh nhân lao các thể đăng ký điều trị.
Năm 2012, tại TP. Hồ Chí Minh, tổng số bệnh nhân điều trị lao là 15.269 người, trong đó có 6.450 bệnh nhân lao phổi mới có vi khuẩn lao trong đờm. Tỷ lệ tử vong trong quá trình điều trị lao khoảng 3%/năm.
Theo bác sĩ Đặng Minh Sang (Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao Phạm Ngọc Thạch), triệu chứng quan trọng nhất thường gặp ở người bị lao phổi là ho kéo dài trên hai tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu). Ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác như sút cân, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm ban đêm, đau ngực, đôi khi khó thở.
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh lao hay bị nhầm lẫn sang các bệnh khác như: nhiễm khuẩn hô hấp cấp, viêm phổi do virus, viêm phế quản mãn, giãn phế quản… Người bệnh thường có thói quen tự mua thuốc điều trị ở nhà thuốc tây, nhưng không phải thuốc đặc trị bệnh lao. Đa số các bác sĩ ở phòng mạch tư không có chuyên môn sâu về lao nên không phải bao giờ cũng chẩn đoán đúng bệnh lao. Các nguyên nhân trên dẫn đến tình trạng phần lớn bệnh nhân lao đi khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Ngoài ra, một nguyên nhân khác cần kể đến là nhiều người không đi khám lao vì nghĩ rằng đó là bệnh di truyền, không thể chữa khỏi được hoặc mang mặc cảm là đã mắc bệnh thì phải cách ly mọi người.
Việc chậm trễ trong việc điều trị lao phổi có thể dẫn đến các biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng như tràn dịch hay tràn khí màng phổi, ho ra máu, xơ phổi… Mỗi năm, trong cả nước có đến 1.500 bệnh nhân lao phổi mới bị tử vong.
Vì tính chất nguy hiểm nói trên nên khi có những dấu hiệu ho khạc đờm, sốt, sụt cân, đau ngực, tức ngực…, bệnh nhân cần đến các tổ chống lao cấp quận, huyện để được chẩn đoán miễn phí. Thủ tục chẩn đoán lao khá đơn giản, chỉ cần thử đờm và chụp phim phổi là có thể chẩn đoán được khoảng 70% trường hợp lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm.
Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có 24 tổ chống lao cấp quận, huyện và 322 cán bộ phụ trách lao tuyến phường, xã. Ngoài ra, chương trình chống lao TP. Hồ Chí Minh còn triển khai các đơn vị sử dụng hóa trị liệu ngắn ngày có giám sát trực tiếp (DOTS) ở các bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương, 30-4, 175, 115. Bệnh nhân lao nên đến các tổ chống lao ở quận, huyện mình đang sinh sống để đăng ký điều trị miễn phí.
Theo tài liệu tuyên truyền của chương trình chống lao quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới, bệnh nhân lao chưa bị kháng thuốc phải được điều trị đúng, đủ thuốc từ sáu đến tám tháng và phải phối hợp nhiều thuốc kháng sinh mới diệt được vi khuẩn lao. Vì vậy, phác đồ điều trị chỉ kéo dài trong hai, ba tháng (theo những lời quảng cáo hấp dẫn) hoặc chữa trị bằng Đông y là không đúng.
TP. Hồ Chí Minh được xem là nơi có số bệnh nhân lao kháng đa thuốc cao nhất (chiếm khoảng 80% bệnh nhân lao kháng đa thuốc trên toàn quốc). Bệnh lao kháng đa thuốc xảy ra khi vi khuẩn lao gây bệnh không bị tiêu diệt bởi các thuốc chống lao thông thường, mà phải dùng các thuốc mức II và thời gian điều trị dài hơn (từ 18 đến 24 tháng). Nguyên nhân lao kháng đa thuốc ngày càng tăng là do bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa hết thời gian điều trị. Một số bệnh nhân khác lại không đồng ý điều trị ngay từ ban đầu. Những người tiếp xúc với bệnh nhân lao kháng đa thuốc cũng dễ lây vi khuẩn lao kháng đa thuốc.
Để phòng tránh lao kháng thuốc, bệnh nhân lao cần điều trị “đúng – đủ – đều” theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, vật dùng bằng xà phòng, các dung dịch diệt trùng, sát trùng và tạo điều kiện cho ánh sáng mặt trời rọi vào là có thể xem như tiêu diệt được mầm bệnh. Không được khạc nhổ bừa bãi và nên dùng tay che miệng khi ho cũng là cách phòng tránh lây bệnh hiệu quả.