Nhờ đạo luật công bố thông tin, gần đây nhiều tài liệu mật đã được giải mã và công khai, giúp dư luận hiểu thêm về “thâm cung bí sử” liên quan đến thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Những địa danh “cửa kín then cài” của Liên Xô
Liên Xô có nhiều thành phố được giữ bí mật, có cả những vùng đất không nổi tiếng. Thậm chí có cả những thành phố được Nga chọn để tổ chức World Cup 2018 cũng từng là đô thị phố bí mật. Năm 2001, chính phủ Nga thừa nhận có ít nhất 42 thành phố kiểu này từng tồn tại.
Dẫn đầu là Sarov, một “thành phố đóng cửa” nổi tiếng hay kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô thời Chiến tranh lạnh, bị xóa khỏi bản đồ vào năm 1947 và đến tận năm 1994 mới được khôi phục và thừa nhận. Sarov (tên cũ Arzamas-16) thuộc tỉnh Novgorod với 92.047 dân (năm 2010), được Liên Xô xây dựng trong giai đoạn đầu của Chiến tranh lạnh để dùng cho việc nghiên cứu và sản xuất vũ khí hạt nhân.
Sarov cũng là nơi có nhiều công trình tôn giáo nổi tiếng như tu viện cổ có từ thế kỷ 18 tọa lạc bên cạnh nhiều khu công nghiệp hạt nhân. Sự tương phản kỳ lạ này đã thu hút sự chú ý của Giáo hội Chính thống giáo Nga. Nó còn được xem là quê hương của những vị thánh nổi tiếng nhất của Nga như thánh Seraphim, với giáo lý kết hợp hài hòa giữa tình yêu và lòng tốt của con người.
Tiếp đến là Wunsdorf, biệt danh “Moscow thu nhỏ” hay “Tử Cấm Thành”. Đây là tổng hành dinh tiền đồn của Hồng quân Liên Xô tại Đông Đức thời hậu chiến. Thoạt đầu, nó từng là cơ sở quân sự của Đức Quốc xã, với dân số từ 60.000-75.000 người, phần lớn là binh sĩ, đây cũng là nơi Liên Xô dùng để triệt tiêu sự tồn tại của chú nghĩa phát xít tại Đông Đức trong nhiều thập kỷ. Thành phố có các chuyến tàu thường xuyên về Moscow và là nơi tích tụ quân sự khổng lồ trong thời gian Chiến tranh lạnh.
Wunsdorf được Đế chế Đức xây dựng năm 1871, có nhà thờ Hồi giáo đầu tiên tại Đức dùng cho các tù nhân Hồi giáo, đến năm 1935 trở thành trụ sở của lực lượng vũ trang Đức. Ngày nay, Wunsdorf là thành phố cổ mang nhiều tàn tích chiến tranh, nơi có tượng Vladimir Lenin, một kỷ niệm khó quên của nhân loại về Thế chiến thứ hai.
Tiếp theo là Thành phố 40 (City 40), còn có tên gọi khác là Ozersk, được xây dựng để phục vụ chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Liên Xô từ đầu năm 1946. City 40 có khoảng 100.000 dân, được cung cấp hậu cần đầy đủ, nên có chất lượng cuộc sống cao hơn hầu hết các thành phố khác. Tuy nhiên, nó đã bị xóa khỏi bản đồ, còn trích ngang của những người sống ở đây cũng bị giữ kín hoặc loại khỏi hồ sơ. Bí mật của City 40 đến nay vẫn chưa được sáng tỏ nên có nhiều đồn đoán được đưa ra. Tuy nhiên, nó vẫn đang hoạt động, phần lớn công dân ở đây rất yêu quê hương bởi sự yên bình, mặc dù nhiêu người cho rằng đây là “nghĩa trang của thế giới”.
Thành phố bí mật 404 của Trung Quốc
Thành phố bí mật khổng lồ mang tên 404 của Trung Quốc được giữ bí mật suốt một thời gian dài với thế giới bên ngoài bởi nó được dùng cho mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân. Theo báo chí Trung Quốc, 404 có cư dân gần 100.000, con số này có thể tin cậy vì lúc đó dân số chung của Trung Quốc mới chỉ có trên 600 triệu người.
404 được xây dựng vào năm 1954 nhằm làm “đối trọng” với Liên Xô và Mỹ để giúp Trung Quốc trở thành cường quốc hạt nhân thống trị toàn cầu. 404 được xây dựng trên rìa xa mạc Gobi, rộng 4km2 ở tỉnh Cam Túc, thời gian xây dựng khoảng 4 năm. Năm 1964, Trung Quốc đã thực hiện thành công cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên tại vùng sa mạc, làm thay đổi bộ mặt của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Tờ Mirror của Anh gọi 404 là “thành phố ma”, bị bỏ hoang trong nhiều năm, với các tòa nhà đổ nát, phía trái quảng trường hoang vắng, cây cối mọc um tùm. Tòa nhà từng được sử dụng trong giai đoạn đầu hiện vẫn còn chứa thiết bị. Sang thập niên 1970, nó gần như là thành phố bỏ hoang sau khi vụ thử hạt nhân kết thúc, chỉ còn khoảng 1.000 người ở lại, phần lớn là người già.
Những thành phố bí mật của Dự án Manhattan (Mỹ)
Thành phố Hanford ở tiểu bang Washington, một trong những thành phố bí mật thuộc Dự án Manhattan. Hanford hay khu Hạt nhân Hanford được mệnh danh “vùng đất chết chóc nhất nước Mỹ” khi các công nhân làm việc tại đây có nguy cơ hít phải khí độc như xenon thải ra trong chuyền cần thiết để sản xuất vũ khí có chứa plutonium, ước tính có tới 56 triệu gallon chất thải hóa học tại bãi sản xuất vũ khí hạt nhân này (1 tương đương 4,54 lít). Các bồn chứa đang rò rỉ và loại khí có chứa hóa chất, chất phóng xạ… thủ phạm gây ung thư, bệnh não và phổi.
Thành phố Los Alamos ở New Mexico (Mỹ) nổi tiếng là thành phố quan trọng thuộc Dự án Manhattan. NMowi cho ra đời những quả bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến thứ hai, chủ yếu do Mỹ thực hiện với sự giúp đỡ của Anh và Canada. Los Alamos còn có biệt danh là “The Hill”, bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, kể cả những người làm việc cho dự án. Theo quy định, họ không được nói với bạn bè hay gia đình về những gì đang làm. Tất cả các cư dân của Los Alamos đều dùng chung một hộp thư bưu điện duy nhất, riêng những đứa bé trẻ được sinh ra ở đây cũng được mang tên là “P.O. Box 1663”, có nghĩa, hòm thư P.O 1663.
Trong thực tế, có hơn 5.000 người sống trong Los Alamos, tất cả cùng làm một việc mà không nói ai cũng hiểu. Theo các chuyên gia vũ khí nguyên tử, sở dĩ Los Alamos được chọn vì nó có địa hình thuận lợi. Trước tiên, là nơi thuộc sở hữu của chính phủ liên bang và thỏa mãn mọi tiêu chí về an ninh như giám đốc Los Alamos, J. Robert Oppenheimer khẳng định. Đến năm 1942 khi dự án kết thúc phần xây dựng, tại đây người ta đã cho ra đời hai quả bom nguyên tử có mã số “Fat Man” (Kẻ béo phì) và “Little Boy” (Thằng nhỏ) để ném xuống Nhật Bản trước khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Năm 1943, khi Thế chiến thứ hai đang diễn ra sôi động, phe Đồng minh đang tìm cách chế tạo ra quả bom nguyên tử nhằm kết thúc cuộc chiến quyết liệt này. Một địa danh nằm cách xa Knoxville, Tennessee (Mỹ) 40 km về phía Tây có tên Oak Ridge đã được chọn để thực hiện dự án. Oak Ridge sử dụng hàng ngàn công nhân, binh lính và nhà khoa học.
Tuy nhiên, nó lại không được đề cập hay xuất hiện trên bản đồ nước Mỹ bởi đây là một trong những dự án tuyệt mật nằm trong Dự án Manhattan. Những người làm việc cho dự án phải cam kết tuyệt đối giữ bí mật, thậm chí người ta còn dùng cả máy phát hiện nói dối để canh chừng. Hơn 60.000 mẫu đất xung quanh Oak Ridge đã được chính phủ Mỹ mua để tạo không gian cần thiết, tránh xa sự nhòm ngó của dư luận.
Theo tạp chí The Atlantic, thoạt đầu Oak Ridge được xây dựng để tinh luyện quặng uranium phục vụ cho sản xuất vũ khí hạt nhân. Vào thời kỳ cao điểm năm 1945, dân số Oak Ridge có lúc lên đến 75.000 người và được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Để đảm bảo không có bất cứ thông tin nào lọt ra ngoài, giới chức Mỹ phân chia công việc cực kỳ tinh vi, mỗi người chỉ biết phần việc của mình, nhưng họ không biết sản phẩm làm ra là gì, nhưng đó chính là hai quả bom được Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi tháng 8.1945. Đến năm 1949, các hoạt động quân sự bắt đầu giảm, Oak Ridge được chuyển đổi, trở thành một khu dân cư thực sự trước khi được nâng lên cấp thành phố vào năm 1959.