Một thiền sư thực hành chánh niệm trong đi bộ, cùng với các môn đồ. Ông dừng lại trước một cây cổ thụ. Tay ông chạm vào vỏ cây. Khoảnh khắc ấy, chỉ trong chớp mắt, nhưng là một khoảnh khắc quan trọng, mà tôi đồ rằng một nhà làm phim thiên về nghệ thuật và ý niệm, hẳn sẽ khai thác tình tiết này thật sâu, thật tinh tế.
Thế nhưng, đối với hai tác giả người Anh Marc J. Francis và Max Pugh của Bước chân an lạc (Walk with me, 2016), nó chỉ đơn thuần là một cảnh phim giới thiệu về Thầy – danh xưng thường gọi của thiền sư Thích Nhất Hạnh và những bước chân. Trước đó, để khán giả chưa biết Sư ông Làng Mai có thể hiểu ông là ai, các tác giả cho một dòng chú thích.
Đó là một cách làm phim khá dễ dãi. Nhất là khi hai nhà làm phim có nhiều cơ hội tiếp cận những thứ behind the scenes có thể chạm vào những khoảnh khắc ít thấy của đời sống tu hành. Thế nhưng, nếu ai đã từng có duyên được theo một khóa tu ngắn, một vài tuần hay thậm chí chỉ một vài ngày, với Thầy, sẽ thấy những con người, hình ảnh, câu chuyện… trong phim thật thân thuộc. Hay nói cách khác, không có sáng tạo gì đặc biệt để giúp ta thấm nhuần hơn triết lý Phật giáo được Thầy truyền dạy, hay bước sâu hơn vào những trải nghiệm của thiền, một cách trực tiếp hay gián tiếp.
Làm sao để vượt qua nỗi đau, ví dụ như sự ra đi của một người thân? Bạn nhìn thấy một đám mây, bạn yêu đám mây đó lắm, nhưng rồi đám mây ấy biến mất. Thực ra, đám mây ấy không hoàn toàn biến đi, mây đã thành mưa. Và trong chén trà bạn uống, nếu bạn nhìn thật kỹ, bạn sẽ thấy đám mây ở đó. Đó là cách thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời câu hỏi ấy, một cách tự nhiên như bài kệ của Làng Mai: Chén trà trong hai tay/Chánh niệm nâng tròn đầy/Thân và tâm an trú/Bây giờ và ở đây.
Và câu chuyện ấy, Sư ông đã kể biết bao lần, chắc chính ông cũng không còn nhớ. Một lần nữa, nó được đưa vào Bước chân an lạc như một trong những cảnh quan trọng của phim.
Chánh niệm trong từng hơi thở, từng bước chân, từng cử động. Đối diện với niềm đau, mổ xẻ vết thương, và ôm ấp nó. Thuận tự nhiên, và hòa nhịp vào tự nhiên. Những triết lý có vẻ giản dị đó, thực tế là những thách thức. Làm sao để đối diện và vượt qua những thách thức này? Đó là câu hỏi lớn cho một người như tôi khi mong muốn thực hành thiền đạo. Tôi mạo muội cho rằng, có rất nhiều người cùng mối quan tâm đó. Và khi tôi vào rạp xem Bước chân an lạc, những chờ mong được phần nào giải đáp. Thế nhưng, bản thân bộ phim dường như cũng gặp khó khăn với chính câu hỏi này.
Bởi về mặt kỹ thuật, các tác giả tự quay phim và theo cách khá tự nhiên chủ nghĩa, những hình ảnh sinh hoạt của Làng Mai phần lớn không đạt chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là âm thanh bị mất tiếng hoặc tiếng thu được quá nhỏ. Có thể thông cảm với họ được một phần, bởi họ tham dự vào đời sống sinh hoạt thiền, trong đó thông thường gần như không có các hoạt động quay phim chụp hình. Và để lấp liếm các cản trở kỹ thuật, các nhà làm phim chọn cách cân bằng lại bởi những hình ảnh thiên nhiên được quay riêng, với kỹ thuật dàn dựng chuẩn mực. Họ cũng chọn cách đặt phụ đề những đoạn âm thanh thoại yếu, thay vì chọn cảnh khác. Cá nhân tôi thấy cách làm này càng cho thấy rõ sự mất cân bằng, và cấu trúc lộn xộn của bộ phim.
Tuy thế, bộ phim cũng có những đoạn khá thú vị. Đó là câu chuyện về thăm gia đình của hai vị sư Làng Mai. Đó là cảnh gặp lại đồng nghiệp cũ tưởng đã mất sau hai chục năm của một vị sư. Đó là chuyến thăm trại giáo dưỡng trẻ vị thành niên phạm tội của tăng đoàn. Đó là cảnh va chạm tôn giáo trên đường phố New York. Những khoảnh khắc ấy thực sự mang đến ý niệm về mối liên hệ giữa đạo và đời. Giá như Bước chân an lạc theo được các câu chuyện ấy, một cách bình tĩnh và chánh niệm hơn, thì tôi cho rằng bộ phim thật sự sẽ hay hơn rất nhiều.
Nhưng có lẽ, theo đúng cách dạy của Thầy, mổ xẻ xong rồi thì nên âu yếm, ôm ấp. Và tôi chỉ dám giữ lại nỗi hoang mang chưa được giải đáp: Đi về đâu, hỡi Bước chân an lạc? Còn thì mình cứ đi thôi.
– Theo Nguoidothi