Khi quy hoạch chi tiết mạng lưới đường thủy và cảng bến khu vực TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được công bố, hoạt động của khu cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức, TP.HCM) nhiều khả năng sẽ bị giới hạn với mốc thời gian trước năm 2018.
Mặc dù chủ trương di dời khu cảng Trường Thọ đã được công khai với mốc thời gian hoàn tất cuối năm 2016 nhưng trang web của Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM, cơ quan quản lý các bến thủy nội địa tại TP.HCM bao gồm khu cảng Trường Thọ vẫn ghi nhận thời gian hoạt động của các cảng cạn này đến năm 2018 (cảng Transimex) hay 2020 (cảng Phúc Long, cảng Tanamexco).
Hiện Khu quản lý đường thủy nội địa đang lập đề cương và dự toán công tác lập quy hoạch chi tiết mạng lưới đường thủy và cảng bến khu vực TP.HCM đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Một trong những nội dung quan trọng nhất của quy hoạch chắc chắn sẽ là hiện thực hóa chủ trương di dời khu cảng Trường Thọ, điều đã được thể hiện qua công văn 434/UBND-ĐTMT ngày 27-1-2015 của UBND TP.HCM.
Những phản ứng không bất ngờ
Kể từ khi TP.HCM công khai chủ trương di dời khu cảng Trường Thọ, trên các phương tiện truyền thông, chủ đầu tư các cảng cạn trong khu vực đã phản ứng khá mạnh mẽ. Lần lượt lãnh đạo của các cảng Phước Long, Transimex, Sotrans đã trình bày về những khó khăn trong việc di dời, từ việc cho rằng chủ trương này đi ngược với quy hoạch sẵn có, đến việc lo lắng không có quỹ đất phù hợp và vấn đề vốn để xây cảng mới, cuối cùng là cảnh báo việc di dời sẽảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng. Ông Nguyễn Phú Khánh, Giám đốc cảng Tanamexco, đã đăng đàn trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp nhấn mạnh vai trò của cảng Trường Thọ và ở phần kết luận, ông thay mặt cụm ICD Trường Thọ kiến nghị Bộ Giao thông và Vận tải (GTVT) duy trì hoạt động khu cảng theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) cũng đã công khai bày tỏ quan điểm về chủ trương di dời cảng Trường Thọ khi đã kiến nghị không di dời khu cảng này trong khuôn khổHội nghị đối thoại doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển tháng 3-2015. Trong danh sách thành viên của VISABA có các doanh nghiệp như Gemadept (đơn vị chủ quản ICD Phước Long và ICD Phước Long 3), Transimex-Saigon (ICD Transimex), Tây Nam (ICD Tanamexco). VISABA đương nhiên là sẽ bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp hội viên, hơn nữa, phó chủ tịch và tổng thư ký của hiệp hội đều là người của Gemadept, doanh nghiệp được xem là sẽ thất thu lớn nhất nếu cảng Trường Thọ phải di dời.
Các phản ứng này không làm nhiều người bất ngờ, bởi hoạt động kinh doanh của các cảng được ghi nhận từ báo cáo thường niên 2014 của Gemadept, Transimex và Sotrans (chủ khai thác ICD Sotrans) là khá tích cực, như ICD Phước Long là một trong ba đơn vị xuất sắc về sản xuất kinh doanh của Gemadept trong năm 2014 với sản lượng tăng 9% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ kho vận, sà lan của Transimex đạt gần 190 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2013; còn doanh thu và lợi nhuận của dịch vụ kho bãi cảng của Sotrans đều vượt kế hoạch.
Phá vỡ và đe dọa quy hoạch
Rất dễ hiểu khi chuyện quy hoạch được đưa ra để làm bệ đỡ cho kiến nghị của các cảng, vì việc di dời cảng Trường Thọ sẽ phá vỡ ba quy hoạch khác nhau liên quan đến vận tải thủy và cảng thủy nội địa ở cấp quốc gia, khu vực và địa phương. Đầu tiên là quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định 1071/QĐ-BGTVT, trong đó cảng Trường Thọ là cảng đường thủy nội địa có công suất lớn nhất khu vực phía Nam (3 triệu tấn/năm vào năm 2020).
Tiếp đó, nội dung tương tự liên quan đến cảng Trường Thọ trong Quyết định 1108/QĐ-BGTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa khu vực phía Nam đến năm 2020 cũng không còn ý nghĩa. Di dời Trường Thọ cũng sẽ góp phần phá vỡ Quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực TP.HCM đến năm 2020 được thông qua tại Quyết định 66/2009/QĐ-UBND (quy hoạch này chỉ chủ trương chỉnh trang và sắp xếp hoạt động khu cảng Trường Thọ, không nhắc đến di dời).
Việc di dời cảng Trường Thọ còn đe dọa nghiêm trọng đến hai quy hoạch khác, là quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định 2223/QĐ-TTg) và quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 (Quyết định 06/2001/QĐ-TTg). Hai quy hoạch này đều xác định mục tiêu xây dựng cảng cạn tại khu vực Đông Bắc TP.HCM có công suất 6 triệu TEU/năm. Công suất hiện tại của cảng Trường Thọ là khoảng 2,8 triệu TEU/năm và nếu di dời Trường Thọ trước năm 2020, Bộ GTVT sẽ gặp nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu này.
Quan trọng hơn, quan điểm ưu tiên phát triển các cảng cạn để hỗ trợ cho cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu (tức là khu cảng Cái Mép – Thị Vải) trong giai đoạn đến năm 2016 được nêu tại Quyết định 2223 đã bị chủ trương di dời Trường Thọ làm lu mờ. Bởi từ khi Cái Mép – Thị Vải được thành lập đến nay, cảng Trường Thọ chính là cảng cạn quan trọng nhất hỗ trợ cho hoạt động của khu cảng nước sâu này nhờ lợi thế kết nối bằng đường thủy. Khoảng 90% hàng container xếp dỡ tại Cái Mép – Thị Vải được vận chuyển bằng phương thức này. Giờ đây, khi Cái Mép – Thị Vải vẫn còn đang gặp khó bởi tính kết nối yếu và cần các cảng cạn để làm đầu mối tiếp nhận hàng xuất nhập khẩu thì cảng Trường Thọ, hậu phương của khu cảng container nước sâu đầu tiên của Việt Nam lại đứng trước nguy cơ bị di dời.
Với vai trò là hậu phương quan trọng của cảng nước sâu, nằm trong các quy hoạch cấp quốc gia và có tầm vóc của một trung tâm logistics trọng điểm, số phận của khu cảng này giờ đây lại nằm trong tay của các nhà quy hoạch cảng thủy nội địa cấp địa phương.
Trả lời Hiệp hội VISABA trong bảng tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển năm 2015 (ký ngày 21-5-2015), Bộ GTVT khẳng định việc di dời khu cảng Trường Thọ đã được phê duyệt theo quy hoạch của ngành GTVT và quy hoạch xây dựng của TP.HCM. Đó dường như là một câu trả lời vội vã, vì mãi cho đến ngày 19-5-2015, Sở GTVT TP.HCM mới gửi công văn cho Khu quản lý đường thủy nội địa để lập đề cương quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng bến khu vực TP.HCM đến năm 2020. Tức là ở thời điểm Bộ GTVT trả lời VISABA, việc di dời Trường Thọ chưa thể được đưa vào quy hoạch mà chỉ đang là một chủ trương đã được đồng ý.
Trong khi đó, tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ngày 3-4-2015, khi lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT hoàn thành di dời cảng Trường Thọ trong năm 2016, Bộ trưởng Thăng đã đặt câu hỏi rất xác đáng: “Nếu bây giờ đóng cửa cảng Trường Thọ, hàng sẽ đi đường nào?” và đề nghị báo cáo đầy đủ trong cuộc họp ngày 15-4. Không biết lãnh đạo TP.HCM đã trả lời Bộ trưởng Thăng ra sao, nhưng trong nội dung kết luận cuộc họp ngày 15-4 ghi nhận tại Thông báo 341/TB-BGTVT không có nội dung nào nêu trực tiếp đến Trường Thọ.
Cho dù nội dung di dời cụ thể chưa được đưa vào quy hoạch, nhưng theo ý chí của UBND TP.HCM, thì việc di dời Trường Thọ sớm dường như là điều khó tránh khỏi. Chỉ đáng tiếc cho khu cảng Trường Thọ và chủ khai thác các ICD trong cảng.
Vũ Đặng Dương (DNSGCT)