Một nghiên cứu mới nhất của Liên Hiệp Quốc về xu hướng dân số toàn cầu dự báo Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2022. Việc dân số Ấn Độ vượt Trung Quốc diễn ra sớm hơn sáu năm so với dự báo trước đây.
Tuy bùng nổ dân số ở các đại đô thị, nhưng ba phần tư dân số Ấn Độ vẫn đang sống tại vùng nông thôn, là nơi vốn không hề được hưởng lợi, hoặc hưởng lợi rất ít từ sự cất cánh kinh tế của nước Ấn trong vòng hai mươi năm qua.
Đó là một trong những kết luận của cuộc điều tra rộng rãi về các vấn đề kinh tế xã hội và giai cấp (SECC) được chính phủ Ấn Độ tiến hành từ năm 2011, trên 243,9 triệu hộ gia đình.
Ấn Độ vẫn chủ yếu là nước mà nông thôn chiếm đa số. Gần ba phần tư hộ gia đình sống ở vùng quê, cho dù dân số tăng nhanh ở các đại đô thị như New Delhi, Bombay. Có đến 61% gia đình sống thiếu thốn, hoặc vì nhà chỉ có vỏn vẹn một phòng, hoặc không có người đàn ông nào ở độ tuổi từ 18 đến 59 có thu nhập. Trong 90% hộ nông dân, người thu nhập cao nhất không quá 150 euro mỗi tháng. Nếu Ấn Độ muốn trở thành cường quốc kinh tế, thì không thể làm ngơ trước số phận của những người dân nông thôn.
Một thông tin đáng ngạc nhiên nữa: chỉ có phân nửa các hộ nông thôn làm nông nghiệp. Họ mưu sinh bằng những nghề lao động tay chân, lao vào nền kinh tế không chính thức, không được hưởng phúc lợi xã hội hay các quyền của người lao động. Chỉ có 1/10 hộ gia đình nông thôn có một thành viên là người làm công ăn lương.
Báo cáo trên đây cũng cho thấy Nigeria sẽ thay thế Hoa Kỳ ở vị trí nước đông dân thứ ba thế giới vào năm 2050.
Dân số thế giới hiện nay là 7,3 tỉ người, dự báo sẽ lên đến 9,7 tỉ vào năm 2050 và 11,2 tỉ trong năm 2100.
Cũng theo báo cáo này, tăng trưởng dân số thế giới trong giai đoạn năm 2015-2050 dự kiến sẽ tập trung một nửa ở chín quốc gia: Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Tanzania, Hoa Kỳ, Indonesia và Uganda.
Hai mươi tám quốc gia châu Phi dự kiến sẽ chiếm hơn một nửa tăng trưởng dân số thế giới trong 35 năm tới.
Theo ông John Wilmoth, Giám đốc Ban Dân số Liên Hiệp Quốc, tốc độ tăng dân số ở các quốc gia nghèo nhất tạo ra thách thức khiến chính phủ khó xóa bỏ nghèo đói và bất bình đẳng.
T.K (DNSGCT)