Xuất khẩu bao bì tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo cuộc đua nâng công suất và đổi mới công nghệ giữa các doanh nghiệp nội địa. Một câu hỏi đặt ra: Bao bì Việt đã sẵn sàng cho cuộc chơi khu vực chưa.
Trung tuần tháng 6, Tập đoàn Starprint Việt Nam chính thức vận hành nhà máy mới tại KCN VSIP 2A (Bình Dương), với quy mô đầu tư hơn 35 triệu USD.
Đáng chú ý, nhà máy này nâng công suất bao bì lên 40% chỉ sau một năm vận hành thử – tương đương gần 1.000 tấn thành phẩm mỗi tháng. Các dây chuyền sản xuất in offset, ép kim, bế khuôn… đều đạt chuẩn chất lượng ISO, phục vụ nhiều đối tác quốc tế lớn.
“Chúng tôi phải liên tục nâng cấp vì khách hàng không chỉ yêu cầu sản lượng mà còn muốn bao bì bền vững, giảm phát thải và tăng trải nghiệm người dùng,” ông Nguyễn Đức Cường – CEO Starprint Việt Nam – chia sẻ.
Báo cáo ngành bao bì khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho thấy, nhu cầu về bao bì có thiết kế sáng tạo, tối ưu vòng đời sản phẩm đang tăng đều 7–10% mỗi năm. Các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Thái Lan… đều đặt tiêu chí “thân thiện môi trường” lên hàng đầu.
Vì thế, cuộc đua của doanh nghiệp Việt không chỉ ở giá thành cạnh tranh, mà còn là cuộc chơi của chất liệu tái chế, dây chuyền khép kín và khả năng đồng hành cùng khách hàng trong chiến lược xây dựng thương hiệu.
Starprint hiện là đối tác in bao bì của nhiều thương hiệu tiêu dùng nhanh (FMCG) và thời trang – mỹ phẩm lớn như L’Oréal, Estée Lauder, Moet Hennessy, Samsung, Nestlé, Unilever…
Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí chiến lược, chi phí cạnh tranh và mạng lưới FTA rộng khắp. Đặc biệt, bao bì được hưởng lợi khi các tập đoàn chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc hoặc phân tán chuỗi cung ứng để tránh rủi ro địa chính trị.
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu ngành bao bì tăng trung bình 12% mỗi năm trong giai đoạn 2021–2024. Các thị trường nhập khẩu lớn nhất gồm Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan và Australia.
Tuy nhiên, bài toán nhân lực chất lượng cao, logistics và hàm lượng công nghệ vẫn là rào cản với nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp bao bì nội địa – thay vì chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng – đang chủ động đề xuất giải pháp thiết kế, tối ưu chất liệu và hỗ trợ chuỗi giá trị từ đầu đến cuối.
Đây được xem là hướng đi mới giúp bao bì “made in Vietnam” không còn bị đóng khung ở vai trò gia công, mà trở thành một mắt xích sáng tạo trong chuỗi thương hiệu toàn cầu.
“Khách hàng bây giờ muốn bao bì đẹp, xanh, tiết kiệm – nhưng vẫn phải bảo vệ sản phẩm tối ưu. Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải đồng hành từ khâu concept chứ không đợi bản vẽ sẵn,” đại diện Starprint nhấn mạnh.
Sự bứt phá về công suất và công nghệ là tín hiệu tích cực, nhưng liệu đã đủ để bao bì Việt giữ được lợi thế dài hạn trên bản đồ khu vực? Câu hỏi không dễ, nhất là khi cuộc chơi đang đòi hỏi cả chiều sâu sáng tạo và tầm nhìn chiến lược trong phát triển bền vững.