Theo số liệu mới được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, tính đến ngày 20-2, cả nước có 65 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 910 triệu USD và 25 lượt dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là 320 triệu USD.
Như vậy tổng vốn FDI hai tháng đầu năm nay là 1,23 tỉ USD, chỉ bằng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình cũng không hẳn quá xấu khi mà vốn giải ngân không sụt giảm nhiều (chỉ khoảng 100 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 1 tỉ USD.
Công nhân Công ty Hwa Vina đang làm gia công giày trong một nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh
Trên đây chỉ là vài con số phác họa về dòng vốn FDI mới, còn số vốn đã vào Việt Nam đang kinh doanh thế nào, hiệu quả ra sao, đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế nói chung, đó mới là điều quan trọng.
Mới đây, khi công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2011, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra kết quả cuộc khảo sát thường niên lần thứ hai về doanh nghiệp FDI (1.970 doanh nghiệp FDI từ 45 nước trên thế giới đang hoạt động tại Việt Nam đã tham gia cuộc khảo sát này). Kết quả cho thấy phần nào bức tranh toàn cảnh khu vực FDI tại nước ta và là những thông tin cần thiết để các nhà làm chính sách tham khảo nhằm đề ra những quyết sách mới phù hợp với mục tiêu thu hút FDI có chọn lọc trong thời gian tới.
Nhận diện khu vực FDI
Doanh nghiệp FDI hoạt động tại ViệtNamchủ yếu đến từ các nước và lãnh thổ trong khu vực như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… với quy mô khá nhỏ nếu xét theo tiêu chuẩn quốc tế. 75% số doanh nghiệp FDI có dưới 300 lao động, trong đó hơn một phần ba có dưới 50 lao động. Nếu xét về vốn, có đến 63% doanh nghiệp FDI có vốn dưới 2,5 triệu USD.
Hơn 85% số doanh nghiệp FDI ở ViệtNamlà doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Đây là điều đáng quan tâm vì nếu đi ngược thời gian, trở về năm 1988, khi Việt Nam mở cửa cho đầu tư nước ngoài, loại hình này chưa có bao nhiêu, mà chủ yếu là hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Sau nhiều lần nước ta sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài, đến những năm cuối thập niên 90, loại hình doanh nghiệp này mới có “đất” để phát triển.
Một thông tin khác là 65% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chỉ 30% kinh doanh dịch vụ. Các con số này cũng giải tỏa một số ý kiến lo ngại rằng doanh nghiệp FDI đang chuyển dần đầu tư sang lĩnh vực bất động sản (chỉ có không đến 1% số doanh nghiệp FDI được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này, không tính số doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành vào bất động sản).
Hiệu ứng lan tỏa thấp
Số liệu khảo sát cho thấy phần lớn doanh nghiệp FDI sản xuất để xuất khẩu. Ngay cả khi bán ở thị trường nội địa thì khách hàng chính của họ cũng là cá nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài.
Tương tự ở chiều ngược lại, doanh nghiệp FDI nhập khẩu rất lớn cho sản xuất. Không khác với kết quả khảo sát năm ngoái, hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Dòng vốn FDI không hỗ trợ được bao nhiêu cho việc phát triển thị trường nội địa. Vì sao? Câu trả lời là doanh nghiệp FDI nhập khẩu tới 57,5% giá trị hàng hóa, dịch vụ trung gian, còn mua trong nước chỉ khoảng 40%, và đáng nói hơn là chỉ 2% trong số này được mua từ khu vực tư nhân. Chính sự thiếu liên kết này đã khiến các doanh nghiệp trong nước không có cơ hội tiếp thu những lợi thế của các doanh nghiệp FDI.
Chi phí lao động là lợi thế quan trọng nhất
Có thể nói phần lớn các doanh nghiệp FDI chọn ViệtNamđể đầu tư đều dựa vào lợi thế về chi phí lao động và sự ổn định chính trị. Nhóm khảo sát cho biết các doanh nghiệp FDI thường nhắm vào các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí sản xuất hơn là cân nhắc đến chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương.