Trong năm 2011, giá xăng dầu trong nước có hai lần điều chỉnh tăng vào 24-2 (tăng 2.900 đồng/lít) và 29-3 (tăng 2.000 đồng/lít) và hai lần điều chỉnh giảm vào 26-8 (giảm 500 đồng/lít) và 10-10 (chỉ giảm giá dầu diesel 400 đồng/lít).
Nguyên nhân tăng giá, theo giải thích của Bộ Tài chính, đơn giản là trong hai tháng gần đây, giá xăng dầu nhập khẩu đã tăng mức cao nhất trong nhiều năm qua, từ 2% đến 7% tùy mặt hàng; mạnh nhất là xăng thành phẩm. Để bình ổn thị trường trong nước, Chính phủ đã cho phép thực hiện nhiều biện pháp như miễn thuế nhập khẩu, tăng mức sử dụng quỹ bình ổn giá… Tuy nhiên, tình hình giá thế giới hiện nay vẫn chưa có biến chuyển tích cực, dẫn đến giá cơ sở hiện tại cao hơn nhiều so với giá bán.
Một yếu tố nữa là Quỹ bình ổn giá (BOG) hiện đã cạn kiệt, thậm chí âm. Như tại Petrolimex, quỹ đang âm 73 tỉ đồng. Do vậy, Bộ đã phải đi đến quyết định điều chỉnh giá, đồng thời giảm mức sử dụng quỹ BOG về bằng với mức trích để tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Tổ điều hành giá xăng dầu của Liên bộ Tài chính – Công thương cho biết nếu giữ nguyên giá bán lẻ vừa điều chỉnh đến hết năm thì CPI của 2012 sẽ tăng khoảng 0,85%.
Thế nhưng giới chuyên gia phản biện, con số này chưa chính xác bởi thực tế đây mới chỉ xét về mặt lý thuyết. Tác động xăng dầu đối với CPI còn căn cứ vào giá cả nhiều mặt hàng và các thông số đầu vào cơ bản. Nếu dựa vào những bài học tăng giá xăng dầu trước đó thì rõ ràng CPI sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Giá xăng tăng, nhất là tăng 10% như vừa qua (trung bình các mặt hàng xăng dầu là 7,3%) đương nhiên sẽ tác động đến đời sống. Trách nhiệm của cơ quan quản lý khi đó là làm sao hạn chế tối đa tác động này, bằng cách kiểm soát chặt, không để doanh nghiệp “tát nước theo mưa”. Chẳng hạn xăng dầu chiếm 40% giá thành vận tải. Như vậy xăng dầu tăng 7,3% thì doanh nghiệp vận tải chỉ được tăng giá khoảng 3%. Nếu tăng cao hơn thì sẽ bị xử lý.
Trong bối cảnh giá cả xăng dầu leo thang, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu thì chuyện xăng dầu nội địa tăng là điều khó tránh khỏi. Nhưng trường hợp ngược lại, trong khi giá cả thế giới biến động, doanh nghiệp giảm nhập khẩu gây sức ép để đòi tăng giá là bất hợp lý. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn công khai minh bạch thông tin và thẳng thắn đối thoại với người dân về việc điều chỉnh giá xăng dầu để tránh tác động tâm lý bất lợi.
Gia Minh tổng hợp