Vụ bê bối của Tập đoàn kinh tế nhà nước Vinashin với dự án tàu vận tải biển tuyến Bắc – Nam, chi ra cả 1.000 tỉ đồng nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, hay Vinalines với dự án đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế là minh chứng điển hình cho sự hoang phí nguồn nhân lực và tài nguyên. Hay con số mà các chuyên gia bắt mạch căn bệnh “nghiện đầu tư công” đã chỉ ra: trong lòng một nền kinh tế với GDP mới 130 tỉ USD mà sở hữu tới 100 cảng biển, 18 khu kinh tế ven biển, 30 khu kinh tế cửa khẩu, hơn 650 cụm công nghiệp.
Một đoạn đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương
Kém hiệu quả, hai nguyên nhân chính
Năm 2011, để chống chọi lại với lạm phát gia tăng, Chính phủ đã rất đau đầu trong công tác cắt giảm đầu tư công kém hiệu quả. Tuy nhiên, có một nghịch lý: trong khi chủ trương chung là thắt chặt chi tiêu và giảm đầu tư công, thì số liệu cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) công bố tỷ lệ đầu tư dự án công cả nước vẫn chiếm 40% GDP, kèm theo nhận xét hiệu quả đầu tư còn thấp. Đáng ngạc nhiên hơn là trong bối cảnh khó khăn như vậy, báo chí lại tiếp tục đưa tin về những danh mục đầu tư công mới 2012 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình với Chính phủ với tổng vốn lên đến 300 tỉ USD.
Mặt khác, trong khi các dự án mới liên tục được cấp phép và được nghiên cứu thì nhiều dự án cũ vẫn chưa tiến hành xong, chậm trễ tiến độ thi công, hay thậm chí còn… nằm trên giấy. Sự lệch pha giữa các kế hoạch muốn thực hiện và được thông qua với mức độ khả thi, ít nhất xét về khía cạnh tài chính có thể quan sát được qua con số của Bộ KH-ĐT: Để tiêu thụ hết số dự án đã được thông qua, mỗi năm cần một số tiền lớn hơn tổng mức đầu tư toàn xã hội. Có quá nhiều dự án được phê duyệt chỉ “cho có”, không tiến hành thực hiện. TS Phan Thanh Hà, Vụ phó Vụ Tài chính và Tiền tệ, Bộ KH-ĐT đúc kết: “Chúng ta phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng nguồn lực hiện có, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra nhiều năm, còn việc thực hiện dự án thì theo kiểu xếp gạch giữ chỗ”.
Kém hiệu năng, chưa minh bạch trong quá trình thực hiện, tư duy nhiệm kỳ hay bị lợi ích nhóm chi phối… là những nét chấm phá trên bức tranh đầu tư công còn nhiều nghịch lý của Việt Nam. Truy nguyên cốt lõi vấn đề, có thể khái quát qua hai góc nhìn chính. Một là mối quan hệ chiều ngang chồng chéo giữa ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan chủ quản. Hai là sự phân cấp chiều dọc giữa địa phương và Trung ương trong việc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ về ngân sách vẫn còn nhiều bất cập.
Chẳng hạn, mô hình phân cấp đầu tư của nước ta từ năm 2006 đến nay được ví von như mô hình “phân cấp trắng”, Bộ KH-ĐT gần như không có vai trò trong việc cân đối giữa nhu cầu và khả năng cung ứng. Cơ chế của đầu tư gần như là quá trình “xin – cho” giữa hai bên vốn là “cặp bài trùng” trong từng khoảng lợi ích: Các ngành và địa phương quyết định dự án đầu tư, còn nguồn vốn là “xin từ ngân sách trung ương”.