Do đó, nhiều trường hợp các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tỉnh, trung ương sẽ liên kết giành lấy những dự án béo bở và củng cố ảnh hưởng lẫn nhau, với mục đích đôi bên cùng có lợi. Trong mối quan hệ này, đã thiếu đi một cơ quan đủ “tầm” để kiểm soát tính hiệu quả của các dự án và lưu thông dòng vốn. Tình trạng thiếu vốn của các dự án khởi công là một hệ quả khó tránh khỏi, đồng thời kéo theo việc bất cân đối trong đầu tư, sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, kéo lùi tiến độ thực hiện, đầu tư thiếu tập trung và dứt điểm cho các công trình trọng điểm…
Những hệ quả và sự cần thiết của một “cơ chế hiệu năng” mới
So với các DNNN, các doanh nghiệp tư nhân phản ứng nhanh nhạy hơn với thị trường và những cơ hội mới. Nhưng các DNNN lại được đầu tư nhiều hơn các doanh nghiệp tư nhân về cả công nghệ, kỹ thuật, nguồn nhân lực, được Nhà nước hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi, được ưu tiên tiếp cận vốn tín dụng, thậm chí còn được Nhà nước bảo lãnh trong việc đi vay nợ lớn từ các nước với lý do là hoàn thành các đơn đặt hàng từ Nhà nước. Dù có những ưu thế gần như tuyệt đối về mọi mặt, DNNN lại không thể tạo nên một sự vượt trội. Nhưng dù sao, với sự hậu thuẫn như vậy, một số DNNN lớn đã trở thành lực lượng mạnh có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Và do các hình thức phân biệt này, các doanh nghiệp tư nhân chọn lựa việc duy trì hoạt động với quy mô nhỏ và phi chính thức hơn là đầu tư để đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô.
Ðiều này kìm hãm tăng trưởng về năng suất, bởi các doanh nghiệp nhỏ không thể đầu tư vào các công nghệ tiên tiến hoặc đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô thông qua việc tổ chức và quản trị có hiệu quả hơn. Sự thiếu vắng những công ty với quy mô lớn và được quản lý một cách chuyên nghiệp trong khu vực công và tư đã giới hạn hoạt động sản xuất của Việt Nam – chỉ hướng vào những sản phẩm thâm dụng về lao động và có giá trị gia tăng thấp.
Khi địa phương nào cũng thấy đặc thù của mình là có một không hai, có khả năng tạo thành lợi thế cạnh tranh để đưa tỉnh nhà cất cánh, cộng với sự liên kết không chặt chẽ ở hàng ngang giữa các bộ chủ quản, ngân hàng và các DNNN, thì đánh giá hay thẩm định dự án sẽ mang tính cục bộ hoặc người nhà “xem xét với nhau”. Bởi vậy, “63 vùng kinh tế” không mang tính liên kết đồng bộ tương ứng với 63 tỉnh, thành, cùng với hàng loạt dự án chậm trễ, thất thoát, lãng phí trong những năm vừa qua là những hệ quả trực tiếp từ sự bất đồng bộ của cơ chế này.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan từng phát biểu rằng: “Gốc rễ của tái cơ cấu đầu tư công là nhất thiết cần điều chỉnh tư duy đầu tư công bằng các cách làm cụ thể. Đã đến lúc cần tập trung chất thay vì lượng, nếu không thì đầu tư công sẽ tiếp tục dàn trải và còn nhiều hệ quả chờ đợi phía trước”. Điều chỉnh tư duy ở đây, Phó thủ tướng nhấn mạnh hàm ý về việc nâng cao hiệu quả đầu tư, mà yếu tố “chất lượng” thay vì “số lượng” giữ vai trò kim chỉ nam. Và để có thể từ chối cái lợi trước mắt, hướng tới các công trình có chất lượng thì một “cơ chế hiệu năng” trong việc đánh giá và xét lọc các dự án phải được thành lập, trong đó yếu tố phân cấp quyền và trách nhiệm trong việc cấp phép đầu tư phải được lựa chọn như tiêu chí hàng đầu.
Nghịch lý đầu tư công là bất cập về chức năng và mâu thuẫn lợi ích trong bộ máy điều hành. Loại bỏ hay ít nhất có biện pháp chế tài những yếu tố này là chìa khóa của mọi chìa khóa để cải thiện bức tranh màu xám của đầu tư công nước ta thời gian tới.
Trương Minh – Lê Trân