Ngày nay, không có ngành kinh doanh nào lại đứng ngoài ảnh hưởng của sáng tạo đổi mới và những công cụ công nghệ mới. Tự động hóa trở thành một chủ đề nóng, gần như xuất hiện mỗi ngày.
Việc ứng dụng công nghệ vào môi trường làm việc trở thành một vấn đề phức tạp đối với doanh nghiệp. Với một số nhân viên, công nghệ mới có thể dẫn đến nỗi lo sợ bị mất việc. Với những người khác, việc huấn luyện kiến thức về công nghệ mới sẽ giúp họ tự tin rằng lãnh đạo doanh nghiệp đang trang bị cho họ kỹ năng để đạt được hiệu quả tốt nhất trong công việc.
Những người lãnh đạo doanh nghiệp đang đối mặt với nhiệm vụ cần phải thuyết phục nhân viên của họ rằng công nghệ tồn tại là để cải thiện chứ không phải để làm phức tạp hóa cách làm việc. Tuy nhiên, hầu hết công nghệ tích hợp trong môi trường doanh nghiệp hiện đại lại không được thiết kế thân thiện với người dùng. Hơn nữa, những tiến bộ của công nghệ tiêu dùng hiện diện trong đời sống hằng ngày đã làm cho người lao động mong đợi rằng công nghệ ứng dụng trong công việc cũng phải quen thuộc, hiệu quả và dễ sử dụng.
Tuy nhiên, trong thực tế, thị trường hiện nay vẫn đầy rẫy những công cụ phản tác dụng và làm mất thời gian. Làm thế nào để nhận biết là công cụ được sử dụng đang giúp nhân viên gắn kết hơn và giúp doanh nghiệp giữ được người tài?
Công nghệ phối hợp liền lạc, nhuần nhuyễn với cách làm việc của nhân viên
Ai lại muốn trả lời bảy câu hỏi của “chatbot” để sắp xếp một cuộc họp trong khi họ có thể hoàn tất việc này bằng ba cú nhấp chuột? Công nghệ được thiết kế tốt sẽ không “khoe mẽ” và “dọa dẫm” mà nên được tích hợp liền lạc vào cách làm việc của đội ngũ nhân viên. Sự tích hợp này nên nhuần nhuyễn đến mức mà người lãnh đạo và nhân viên thậm chí không thể nhận ra rằng họ đang sử dụng công nghệ. Nói tóm gọn, ứng dụng công nghệ cần phải hòa nhập vào bối cảnh chung của doanh nghiệp.
Sự phức tạp không nên là cái cớ biện hộ cho những công cụ tồi. Người sử dụng không quan tâm đến chuyện vận hành của công nghệ mà họ chỉ muốn sử dụng được công cụ. Người lãnh đạo cần chọn công nghệ nào giúp nhân viên tiếp cận được công cụ và có được cái mà họ cần. Thông thường, các công ty lại có xu hướng đón nhận những công nghệ mới đơn giản chỉ vì muốn sở hữu “công nghệ mới nhất và tuyệt vời nhất”. Tốt hơn là nên bắt đầu với câu hỏi: “Công cụ này có thể giúp ích được gì cho công ty và đội ngũ nhân viên?”.
Người dùng “được giải phóng” nhờ công nghệ
Cung cấp giải pháp công nghệ là nhằm giải phóng nhân viên để họ có thời gian tập trung vào những nhiệm vụ tạo ra giá trị cao hơn. Nên tự động hóa những công việc mà phần mềm có thể làm tốt (thậm chí tốt hơn) một nhân viên. Đó là những việc dựa trên logic chặt chẽ, thông tin đầu vào đoán trước được và có những bộ nguyên tắc có thể được lập trình. Khi được giải phóng khỏi những công việc mang tính lặp lại này, nhân viên sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào xây dựng quan hệ, giải quyết vấn đề, tư vấn và tư duy chiến lược.
Công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các bộ phận
Hợp tác sẽ tạo ra tư duy sáng tạo cao hơn cho nhân viên, hơn là khi họ làm việc như những pháo đài độc lập. Để hoàn thành tốt công việc, các thành viên trong đội ngũ cần sự đa dạng, phong phú về quan điểm và có điều kiện tương tác trực tiếp với nhau. Phối hợp trong công việc giúp xây dựng quan hệ gắn kết và thúc đẩy sự sáng tạo đổi mới.
Một số dạng công nghệ có thể đẩy nhân viên ra xa nhau trong khi công cụ hiệu quả sẽ nối liền khoảng cách giữa các bộ phận đang tư duy và làm việc theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, một nhà thiết kế và một quản lý tài chính thường nói hai ngôn ngữ khác nhau trong công việc hằng ngày của họ. Nếu đưa họ lại gần nhau trong một nền tảng chung, một không gian có thể hiểu được cả hai bên thì sẽ tạo điều kiện để họ dễ dàng chia sẻ ý tưởng. Khi đó, doanh nghiệp sẽ khai thác được sức mạnh tập thể nhờ sự hợp tác lẫn nhau giữa các phòng, ban.