Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bán lẻ ViệtNam, do các cam kết mở cửa thị trường ViệtNamtrong tương lai sẽ còn sâu rộng hơn trong cam kết WTO nên các doanh nghiệp bán lẻ phải tìm cách vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Diễn biến thị trường bán lẻ thời gian qua cũng cho thấy doanh nghiệp bán lẻ đã đạt được thành tựu lớn nhưng vẫn còn tồn tại đe dọa sự phát triển như quy mô thị trường nhỏ, manh mún, bán lẻ truyền thống chiếm phần lớn.
Nhìn một cách khái quát, sự phát triển này thiếu hẳn một nền tảng vững chắc, vì vậy dẫn đến bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống bán lẻ ViệtNam. Ngoài 5.297 doanh nghiệp bán lẻ ngừng hoạt động, giải thể trong bốn tháng đầu năm, hiện còn nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ cũng trong tình trạng “cầm hơi” với hàng tồn kho đang chất đống. Và thời gian tới danh sách các doanh nghiệp phân phối bán lẻ phá sản sẽ còn nối dài.
Xác định hệ thống phân phối bán lẻ có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế và ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam, Bộ Công thương khẳng định sẽ nghiên cứu, đề xuất sự hỗ trợ từ Chính phủ mà không vi phạm các cam kết gia nhập WTO. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phân phối vốn trong nước liên doanh với các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới lập cơ sở bán lẻ ở ViệtNamđể qua đó học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến.
Tuy nhiên, với gần 90 triệu dân và là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường có tiềm năng phát triển rất lớn và hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài.
Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả xếp hạng của A.T. Kearney chỉ có thể đánh giá về độ hấp dẫn của thị trường đối với các nhà đầu tư, hoàn toàn khác so với độ hấp dẫn và tiềm năng thực tế của thị trường, nó cũng chỉ có giá trị tham khảo đối với những ai có ý định đầu tư vào Việt Nam chứ không ảnh hưởng đến kế hoạch của những nhà đầu tư đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về thị trường bán lẻ Việt Nam.
Trên thực tế, các tập đoàn bán lẻ lớn đang có mặt tại ViệtNamvẫn đang chạy đua mở rộng hệ thống phân phối. Với việc mở cửa thị trường, các tập đoàn lớn trên thế giới như Metro, trung tâm mua sắm Parkson (Malaysia), Lotte (Hàn Quốc)… đã và đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động.
Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện cả nước có khoảng 638 siêu thị và 117 trung tâm thương mại. Sau năm năm Việt Nam gia nhập WTO, số lượng siêu thị mới thành lập đã tăng hơn 20%, trong khi số trung tâm thương mại thành lập mới tăng hơn 72%, ngoài ra, còn có hàng ngàn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi.
Cơ sở vật chất và sự có mặt của những tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ thế giới là một điều kiện thuận lợi, thế nhưng để lấy lại sức hấp dẫn, cần có sự minh bạch hơn nữa trong chính sách và điều quan trọng là chính sách phải ổn định. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện về vốn, đất đai cho các doanh nghiệp, đồng thời, hệ thống phân phối cũng cần phải được quy hoạch dài hơi hơn.
Giới kinh doanh hy vọng các biện pháp về lãi suất giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn cùng các chính sách thuế vừa được Quốc hội thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bán lẻ.
Nguyễn Nam