Thài, ru, chặp, rỗi
Má ơi đừng đánh con đau
Để con hát bội làm đào má coi
Hát bội phổ biến trong dân chúng đến mức một đứa bé cũng biết hát bội làm đào và mẹ nó cũng mê hát bội đến nỗi rất đỗi vui lòng khi bị đứa con dụ là sẽ hát bội cho coi. Nói cách khác, dân chúng mê hát bội, học thuộc từng lớp, từng bài để hát chơi, để giúp vui cho các cuộc tiệc vui mừng. Tổng thể sinh hoạt ca hát nhại theo bài bản của hát bội gọi là “Thài, ru, chặp, rỗi”. Thài là hát giọng khoan thai theo điệu chúc tụng; ru là giọng hát phụ của hát bội; chặp là hát trích đoạn từng lớp từng đoạn các kịch bản hát bội, rỗi là hát theo giọng bóng. Nói chung, sinh hoạt này rất tự do, đủ thứ đủ loại bất chấp là loại nào thuộc vào đâu. Có thể hát theo bài đờn:
“Tinh tính tang tôn… tình tang ứ ứ tồn tồn. Tịnh tang tôn tính tịch tình tịnh tang tôn (…) Hoàng trào ứ ứ ư tịnh tang tôn tến tính quân ân. Khả cám tịnh tang tôn tến tính Dữu Lý…”.
Hoặc nhại theo điệu Lý quân canh:
Ò í a vắng quan (tôi) dám hỏi cô hầu,
Vú cau (mà) ăn với ý a ý a cạnh trầu được chăng?
Để em (nằm) giữa (ấy à quên) để quan nằm giữa ý a ý a, đôi nàng đôi bên.
Hoặc Lý đào điên!
Vui vui quá lắm,
Để tao chơi, để tao chơi!
Kìa ngựa xe như nước,
Nọ quần áo như nêm
Bớ bây ơi, bớ bây ơi,
Đợi tao với, đợi tao với!
(…)
Hoặc Lý mọi:
Bà ơi là bà ơi ừ
Vẳng nghe chim vịt chiều kêu chiều, kêu chiều
Bâng khuâng nhớ chủ tôi thương hại, tôi thương xót,
Chiều chín chiều ư, chiều chín chiều, đau quặn đau,
Ôi, ông ơi, có hay nỗi này chăng, ớ ớ ờ…
hoặc bài Thằng Bột (bài hát nói về đám công tử bột ỷ quyền thế hiếp kẻ cô, chuyên ăn chơi hư đốn lại vênh váo, hợm hĩnh):
Tớ trẻ!
Sớm mai tang tang tàng tang,
Cụ báo thằng tê bắt con kiến vàng
Lấy sợ dây chàng
Xỏ ngang lỗ mũi, cho cụ dắt đi chơi
Có không hử, thằng tê?
Tớ trẻ!
Mi đi đâu mà cụ kiếm đôn, kiếm đáo,
Đáo địa thiên tôn, hà môn chi xứ,
An tự thừa lôi,
Thấy ông lọ nồi!
Chẳng thấy thằng tê, ứ hự thằng tê!
Lại có lúc hát khách Ba Bột:
(…) Rượu bọt ngon, con gái tốt đẹp, xang xang xang
cống xang xê cống, thôi thời giao phần cụ;
Còn quả thằng trai khăn bằng xiêm chuối bụi mốc,
thôi thời mặc ý bây.
Hay hát nam xuân Ba Bột:
Rinh rang hai hàng với trước
(Xang á xang tồn tình tang…)
Có thằng Xồm (xang á xang…) thằng Xược theo sau
Ngồi buồn bắt kiến cỡi chơi (Xang á xang…)
Trèo dây rau má té đau tức mình.
Nói chung, các điệu hát bội nhất là các điệu hát phụ (quân ban, hành binh hay hát bài, bắt bài phường, lý quân canh, lý đào tiên, lý con sáo, lý mọi, hát giao duyên, ru con, đọc thần chủ, bài dưng rượu, bài đờn, bài công tử bột…) đều được dân chúng bắt chước để hát khi cần giúp vui, giải trí trong sinh hoạt phi sân khấu đậm tính chất dân gian, tình hình này cũng tương tự như sinh hoạt biểu diễn ca nhạc cải lương trong nhân dân ở những thập niên vừa qua, mà đến nay chúng ta thường gọi là “văn nghệ quần chúng”.
Tác dụng của sân khấu hát bội đối với ca hát dân gian cũng giống như ca kịch cải lương và vọng cổ sau này, một hướng khác, là các bài lý, vè cũng được các nghệ nhân đưa vô trong các hình thức diễn xướng tổng hợp trong lễ hội đình miếu, trong hát sắc bùa chúc tết.
Bài Lý cây bông nổi tiếng trở thành hoặc gắn bó gốc gác với hát chầu mời trong các lễ hội vía bà, lễ hội cúng thổ địa là một thí dụ:
Huê liên, huê lý (í) huê lài
Phù dung (cái mà) vạn thọ (í a rường a)
Nở ơ ngày, bông rồi lại bông trang.
Nỗi xế xang, (í a rường a…)
Con rồng vàng năm móng, vua thái bường, lập hội âu ca…
Các điệu lý: lý đầu cầu, lý 12 tháng trong hát sắc bùa là những ví dụ khác.
Các hình thức diễn xướng tổng hợp trong hầu hết các trường hợp đã làm sân khấu hóa các bài vè hay làm cho chúng trở thành một kiểu cách diễn xướng có phong cách nghệ thuật và sinh động hẳn lên. Chẳng hạn, bài vè kể về các thứ bông được nghệ nhân biểu diễn hoặc đóng chặp tuồng hài hước Địa Nàng diễn đã trở thành một mảng trò nổi tiếng: Địa ăn vụng chè.
Ở trò này vai Nàng bưng chén chè trên tay và Địa vừa nói vè mà không dằn được tính tham ăn đã vừa lấy ngón tay “chấm mút” khiến khán giả lớn nhỏ được một phen cười vỡ bụng.
Địa: (Câu cá): Ngồi buồn chặt thép uốn lưỡi… câu (chấm chè)
Chặt cần, xe chỉ,… cột phao, móc câu (chấm chè)
Chủm… Chủm… bóc…
Tôi câu con cá thu, bóc một… con
Nàng: Lưỡi câu ông nhạy quá, bỏ xuống có cá ăn.
Địa: Con cá thu, nó tang tình, con cá vược… hai con (chấm chè)
Con cá hường, nó ba con… ba con (chấm chè)
Nàng: Ông câu hay quá, mới đây được ba con.
Ba con này chắc con giữa ngon à!
Địa: Tôi xẻ khô, tang tình phơi nắng…
Bán cho chàng… cho chàng Quảng Đông
Để tôi kể vài chục thứ bông,
Trước phụng cúng lịnh bà,
Sau cầu an trong bổn hội.
Tú tị, tù ti, tu tì… tú tị ti
Trăm hoa đua nở, phụng cúng lịnh bà (Địa chấm
chè, Nàng quay qua bắt gặp, Địa giả lờ)
Nam mô A di đà Phật! Cúng phải lạy (Địa lạy)
Nàng: Cúng phải lạy phải không Địa! Thôi nói nữa đi ông Địa!
Địa: Ở chốn tiên nga là bông ngọc nữ,
Đặng mùa thi cử là bông trạng ngươn (nguyên).
Tưởng nợ sầu dươn (duyên) bông lau bông huệ,
Chua là bông khế, bông mít, bông chanh.
Ngọt là cái bông cam sành, lê lựu, bình bát
(Chấm chè): Ngọt thứ thiệt!
Những loài tráo chác: bông lách, bông lau.
Ở chốn cung cao: bông ngọc nga, công chúa (chấm chè)
Nàng: Ngọc nga công chúa hả ông Địa?
Địa: Ừ! Con của vua ở nhà lầu ba tầng.
Nắng không ưa mưa không chịu.
Giàu thì bông lúa, lại với bông me
Bốn cắc một ve là bông trà tàu (chấm chè)
Không sơn mà đỏ vốn thiệt bông vang,
Các chú bán ngoài đàng kêu là bông cỏ
(Địa chấm chè): Bán thì phải rao: Ai mua bông cỏ hông?
Nàng: Rao bông cỏ sao ông đút tay vào miệng ông hả?
Địa: Bông… chè!
Ở dưới ao sâu, kêu là bông súng.
Cúng Ông không cúng cái bông mồng gà.
Nàng: Bông mồng gà sao mà không cúng hả ông Địa?
Ông phải kể cho tôi nghe.
Địa: Trước [kia,] khi đi dẹp giặc Huỳnh Cân, [Ông cầm] long đao yểm nguyệt.
Người hết lương, ngựa hết cỏ. Ông mới ghé vào cây đại thọ nằm nghỉ. Binh Tào kéo tới thích khách ông, nhưng nhờ con gà nó gáy ông thức dậy. Mới nhớ công ơn con gà nên không cúng.
Hai nước giao hòa kêu là bông sứ,
Bông chi lịch sự vốn thiệt bông trang.
Bút sa gà chết, xoa tay hết chè.
Sắc sai năm sứ đi ra,
Sứ dài, sứ vắn, sứ đi đều… chè!
- Xem thêm: Nhạc cụ bằng đồng của người Tà Ôi
Tương tự, trong Hát Sắc bùa, bài Vè cá được diễn xướng có giàn nhạc phụ họa có sênh tiền, trống cơm giữ nhịp và có cái xướng con xô rập ràng khác hẳn với lối nói vè vãn đơn điệu mà chúng ta đã nói ở phần trên.
Trong hát bội, vè được các vai hề sử dụng một cách phổ biến đến nỗi loại vè này được định danh là Vè hề diễu. Vè hề diễu đa phần là các bài vè phê phán các thói hư tật xấu của xã hội nông thôn thời phong kiến. Dẫn một bài làm ví dụ: Vè Trùm Phải.
Như tôi từ bán trâu mua ruộng, mới ra việc làm làng.
Chú tôi thiệt Xã An, bởi chưng hay chăm sóc việc làng.
Làng thấy giỏi mới cho tôi làm Trùm Phải.
Phải ai phải, chứ tôi quấy nát,
Dân lựa anh nào đói khát tôi chẳng bắt đi xâu.
Tôi lựa anh nào lớn ruộng nhiều trâu, tôi bắt bướng đem ra điền lính.
Quan trên đã sở định,việc đâu dám sai ngoa.
Dự mười lăm, mười bảy, hăm ba, tuy đáo tuế chớ kiều cư tôi không trục.
Để tôi mượn một anh một chục, đặng phòng khi xây dựng việc làng.
Hàng ngày tôi trá phép quan,
Bữa bữa tôi bắt nó viết lá khai làm bổn.
Hoặc ra đường đánh lộn, chúng nó bắt trói đầu.
Chi cho khỏi hỏi nó ở làng nào?
Tôi mới lựa mấy tên dân đào, tôi biên vào cho nó.
Trong bộ Nguyễn Văn Nhiêu thì có, tôi sửa lại Nguyễn Văn Nhiều.
Thằng Nguyệt tôi sửa thằng Tiêu, Đinh Văn Sĩ tôi sửa Hà Văn Nhậm.
Cửu dĩ hà nhứt thể góp ráo nạo đừng trừ:
Mỗi nóc gia góp một quan tư, đa đinh số bội hai quan chín.
Mấy thằng nào có hay mời hay thỉnh, bớt cho nó năm tiền.
Mấy bà vá đừng biên, lão nhiêu thì ba quan cho đủ.
Dân kiều cư ký ngụ coi vọi ở chẳng lâu.
Ba quan góp đủ lần đầu.
Nó có lớn tiếng thì một quan năm cũng lấy.
Còn như thợ rèn, thợ đáy, cùng thợ lưới, thợ te,
Hai quan năm góp thiếu chẳng nghe.
Còn thẳng hay ngang ngược,bộ tướng nó kỳ khôi.
Ba quan góp đủ chẳng thôi,
Nó có lớn tiếng thì năm tiền cũng tốt.
Mấy chị con gái góp một chục một,vì mấy chị ỷ chưa chồng làm những điều quá ngán!
Nghe trống đánh bỏ làm… sửa soạn,
Chạy tới nơi ngồi trước mấy bà già,
Coi mỏi mê rồi mới trở ra,
Đè buồng hát đái cho khai ngấy!
Vè hề diễu là một tập hợp các sáng tác dân gian phản ánh khá nhiều mặt của xã hội cũ ở đất Gia Định. Do tính chất hề của nó nên ngôn ngữ thông tục và các thủ pháp khoa đại, được sử dụng tối đa; và đằng sau những câu chữ ấy cũng cho chúng ta thấy bóng dáng của xứ đô hội, tứ chiếng của Sài Gòn xưa mà tiêu biểu nhất là Vè bá nghệ:
Như tôi: lanh lợi đã nên lanh lợi,
Mà khôn ngoan rất đỗi khôn ngoan.
Đã trải việc điếm đàng, rồi sang qua nghề nghiệp.
Nghề bán buôn cũng nên bặt thiệp,
Xuống chợ Dinh lấm lét gớm ghê.
Bị tôi thả chứng dê.
Đĩ nó mắng tôi ngồi xếp tó.
Hai bên bổn phố họ mới cười chú lái nhà quê.
Tôi chạy ra nói chuyện giải huề,
Nó mắng thét, tôi đè mui chun tuốt.
Đó tôi mới sang qua nghề làm thuốc,
Sở trường tôi lão thuộc
Biết hết thuốc ngoại phương.
Thang bài tôi giỏi gắt.
Bịnh nào dầu coi chắc, tôi nhậm ý hốt trúng một thang.
Ai đi phong nhan, tôi nhận lộn thương hàn.
Tôi cho phục ô dược, chết ngay cẳng cuốc.
Bằng tinh thông lão thuộc, tôi có miếng võ kinh.
Đường thảo múa cũng xinh,
Đường quyền đi cũng thuộc.
Roi kia dài đậm đuộc, tôi thủ ngọn trung bình.
Bị một chứng giật mình, chúng đâm đà lổ óc.
Tôi mới sang qua nghề dạy học,
Cứ theo sách cổ kim,
Câu giáo huấn bất nghiêm thị sư chi đọa.
Tôi dạy sĩ tử trình thưa dậm dạ
Học nãi dĩ thành tài.
Bằng (mà có) thầy nào có hỏi sách hỏi bài,
Tôi thưa thiệt: Tới rằm kiếm gạo
(…)
Ối (còn) luận việc làm pháp có công.
Sách hành trì tôi để cả chồng,
Còn binh tướng tôi để đà chật chỗ.
Thầy tôi dạy bắt tay ấn tổ: ma quỷ cũng thất kinh.
Bằng ra việc khiển binh: tà ma giai tán khí,
Bịnh nào hay đau quỉ,
Tôi mới mài chín ngọn phảng ngồi nghinh.
Bị có ngày tổ trác thình lình,
Mũi phảng bén lút vô ba tấc.
Tôi liền bước chân xuống đất, dậm cẳng réo Tề Thiên.
Mần ba canh vết chẳng thấy liền,
Máu ra riết tôi bằng la làng la xóm
(…)
Toàn cảnh về sinh hoạt hò, hát, nói kể ngày xưa ấy ở đất Gia Định – Sài Gòn như đã trình bày trên đây, ngày nay mười phần đã đổi thay hết chín, tám. Là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa nên cái cũ và cái mới luôn phải đụng đầu nhau… và rồi sản sinh ra một dạng thức, một thể loại, một bài ca, một điệu hát mới. Đó là quy luật phát triển nói chung, nghệ thuật diễn xướng, ca hát nói riêng. Nhưng ở đây là một thành phố ngã tư đường nên nó luôn luôn phải chấp nhận sự thử thách của tình trạng thế giới hóa.
- Xem thêm: Đi tìm khán thính giả cải lương(*)
Cây đàn ghi-ta du nhập vào, nó thành cây đàn ghi-ta lõm phím để tấu cho ca nhạc cải lương, những bài hát nhạc Tây có mặt trên sân khấu ca kịch này. Hát bội lùi vào phía sau, ẩn mình trong hát chầu cúng đình; điệu lý, giọng hò cũng tàn lụi trong sinh hoạt cấy cày, xay giã… Trên sông nước giờ đây, thi thoảng nghe một giọng đàn kìm và trong mái tranh chiều khói tỏa, còn đâu đây điệu hát ầu ơ thương thương nhớ nhớ… gợi cho thế nhân một nỗi niềm hoài vọng về thời xa xưa.
Đó là ngọn lửa làm ấm lòng thế hệ chúng ta, hướng chúng ta về với cội nguồn. Qua những biến động dồn dập của lịch sử, sự sống còn của câu hò điệu hát đến nay là sự biểu thị sức sống của những giá trị truyền thống và từ đó cũng cho chúng ta thấy giá trị của những gì còn lại, mà hơn hết, chúng là chất liệu cơ bản của âm nhạc hiện đại, từ những ca khúc đậm đà chất dân ca thời chống Mỹ: Tiếng hát bên bờ Hiền Lương, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Lên ngàn, Những cô gái Đồng bằng Sông Cửu Long… hay gần đây trong Ngẫu hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng lý qua cầu…
Thời gian tưởng chừng hờ hững và vô tư, nhưng lại mạnh mẽ vô cùng, nó cuốn phăng theo nó hầu như tất cả. Điều đó cho thấy sự sống còn của những giá trị truyền thống là một cuộc thử thách dữ dội và chính từ đó đã làm nên giá trị lớn lao của những gì còn sống với thời đại chúng ta.