Trên thực tế, thị trường bán lẻ trong nước đã xấu đi từ vài năm nay. Khủng hoảng kinh tế vĩ mô khiến sức mua của người dân giảm sút, hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa là minh chứng cho sự đi xuống của thị trường này. Biểu hiện rõ nét về tình hình nói trên là trong số 17.735 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động bốn tháng đầu năm 2012 thì ngành bán lẻ chiếm nhiều nhất với 5.297 doanh nghiệp.
Một cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm ở Trung tâm thương mại Vincom (TP. Hồ Chí Minh)
Ảnh Minh Trí
Hồi năm 2008, Việt Nam được đánh giá là quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á và ngày càng mạnh tay chi tiêu. Tuy nhiên, đến năm 2009, thị trường bán lẻ ViệtNamchỉ đứng thứ 6 về mức độ hấp dẫn và rơi xuống thứ 23 năm 2011. Thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ tăng trưởng 5% trong năm 2011, con số rất nhỏ nhoi so với hơn 20% của mấy năm trước.
Nhận định về môi trường đầu tư cũng như cạnh tranh của Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn vốn có, những người trong cuộc cho rằng cùng với ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế vĩ mô trong bối cảnh lạm phát tăng, sức mua trên thị trường giảm thì các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng như ngoài nước còn gặp khó trong tiếp cận đất đai cùng sự không ổn định về chính sách. Ngoài ra, những yếu tố khách quan như nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái tràn lan cũng ảnh hưởng không nhỏ đến độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ.
Một số nhà bán lẻ nước ngoài có mặt tại ViệtNamnhiều năm qua cho biết giá bất động sản cao so với khu vực khiến mặt bằng cho thuê ngày càng vượt quá khả năng chịu đựng của nhà đầu tư, cùng với lãi suất tín dụng cao đang là rào cản lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước thì cho rằng, họ yếu thế hơn các doanh nghiệp nước ngoài vì đa số đều có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về đồng vốn, sức cạnh tranh yếu, cơ sở vật chất lại càng khó.
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thì cho rằng, nguyên nhân lớn nhất tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện nay là do chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhiên liệu, phí vận chuyển hàng hóa… tăng cao, trong khi sức mua giảm mạnh, lượng hàng tồn kho lớn, sản xuất đình trệ, khiến cho doanh nghiệp bán lẻ phải thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa vì không đủ sức gánh lỗ.
Năng lực tài chính yếu kém là lý do quan trọng nhất khiến các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam khó phát triển. Một số doanh nghiệp bán lẻ cho biết vì không nhiều vốn nên họ không thể nào hợp tác với các doanh nghiệp khác hay các địa phương nhằm phát triển các sản phẩm đưa vào bán trong hệ thống siêu thị để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong cùng lĩnh vực.
Một thống kê cho thấy, doanh số bán hàng một ngày của siêu thị nước ngoài bằng tổng doanh số của 20 siêu thị trong nước. Riêng Big C Thăng Long tại Hà Nội đạt doanh thu 20 triệu USD/năm, trong khi đó hệ thống siêu thị của doanh nghiệp trong nước có quy mô khá chỉ đạt khoảng 5-7 triệu USD/năm.