Năm vừa qua, một số đơn vị làm sách tư nhân ở Việt Nam đã có những thành công bước đầu trong việc xuất khẩu sách. Dù số lượng đầu sách Việt được thị trường nước ngoài đón nhận còn rất khiêm tốn nhưng đây cũng là dấu hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh suốt nhiều năm liền ngành xuất bản nước nhà đã bị đa số các nước ASEAN khác vượt mặt.
Bước đầu làm sách theo chuẩn quốc tế
Mấy tháng trước, bộ sách Em thích giỏi toán đã được NXB Clever Media (Liên bang Nga) mua bản quyền ba trong bảy quyển của cả bộ để xuất bản 4.000 bản tại Nga. Gần đây, NXB Pelangi (Malaysia) cũng đã ký hợp đồng mua lại bản quyền trọn bộ sách này để xuất bản tại Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia. Em thích giỏi toán là bộ sản phẩm liên doanh giữa NXB Play Bac (Pháp) với Công ty cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh.
Theo ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Giáo dục Long Minh, về nội dung kiến thức thì toán dành cho trẻ từ 4-7 tuổi trong sách không có gì mới mẻ với Nga và Pháp. Tuy nhiên, các quyển sách được thiết kế sáng tạo mang hình dáng chiếc dép, nội dung được dịch ra tiếng Anh cùng dẫn dắt tư duy toán thông qua các hình vẽ minh họa và các bài toán đã tăng giá trị cho mỗi cuốn sách và tạo nên sức hút đối với các NXB quốc tế. Cũng nhờ vậy, Em thích giỏi toán mới được NXB Play Bac đồng ý liên kết ấn hành.
Ông Hoàng Sơn cho biết sau lần đầu tiên xuất bản thành công tại Việt Nam, Công ty Long Minh quyết định đem phiên bản tiếng Anh của bộ sách này giới thiệu tại Hội sách Frankfurt (Đức) năm 2014. Tại đây, bộ sách nhận được sự quan tâm của các NXB từ hơn mười quốc gia trên thế giới. Hiện nay, Long Minh đã hoàn thành việc dịch bộ sách ra tiếng Pháp và tiếng Nhật.
Để có sản phẩm xuất khẩu, Công ty Long Minh phải mất hơn năm năm chuẩn bị mới có đủ điều kiện xây dựng một bộ sách đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đầu tiên là tập hợp đội ngũ viết sách giỏi, có kinh nghiệm và hiểu biết tiếng Anh, xây dựng nhóm họa sĩ trình bày sách nhiều tâm huyết.
Ngoài ra, khi xây dựng nội dung – hình thức mỗi đầu sách, cả đội ngũ luôn bám sát theo tiêu chuẩn quốc tế. Với thành công của bộ sách trên, hiện Công ty Giáo dục Long Minh tiếp tục xây dựng dự án sách để xuất khẩu bản quyền bằng tiếng Anh ra nước ngoài như: Bộ truyện tranh Người cầm quân của tác giả Phạm Tuấn Lâm, bộ sách Cờ vua của tác giả Lương Trọng Minh, các cuốn sách toán, các bộ sách về STEM.
Không có bề dày như Công ty Long Minh, cuốn sách đầu tay Tự làm mỹ phẩm của hai tác giả nữ Đỗ Anh Thư và Nguyễn Thu Giang (Hà Nội) bán được bản quyền cho nhà xuất bản ở Thái Lan và Hàn Quốc là nhờ sự kiên trì, đam mê với lĩnh vực làm đẹp và cả sự năng động của tác giả có thời gian đi du học. Tự làm mỹ phẩm cũng là một trong vài tác phẩm sách Việt hiếm hoi có mặt trên mạng bán lẻ Amazon.
Chi phí cho toàn bộ thủ tục lên kệ hàng Amazon hết khoảng 10 triệu đồng và sách chỉ mới bán được hơn 100 cuốn sau một tháng, tuy nhiên hai tác giả vẫn rất phấn khởi. Đỗ Anh Thư cho biết: “Khi làm việc với chuyên gia, tổ chức và quỹ cho vay vốn của nước ngoài, chúng tôi chỉ mới khoe đang chuẩn bị đưa sách lên Amazon là họ lập tức bày tỏ sự quan tâm nhiệt tình. Khi cuốn sách của bạn thực sự có mặt trên kệ của mạng bán hàng số một thế giới, bạn có một “lý lịch” đẹp và nhiều cánh cửa tự động mở ra với bạn”.
Doanh nghiệp sách phải tự bơi ra biển lớn
Sáng 31-7 vừa qua, bà Nguyễn Lệ Chi – Giám đốc Công ty Lệ Chi (Chibooks) cho biết Tổng cục Xuất nhập khẩu sách Trung Quốc vừa thông báo sẽ nhập khẩu sách của thương hiệu Chibooks vào thị trường nước này. Đồng thời, Chibooks cũng vừa nhận được đơn đặt hàng sách từ New Zealand. Đây là thành quả bước đầu của một kế hoạch kéo dài hơn dự tính.
Năm 2012, một số nhà văn trẻ có tên tuổi đã ký hợp đồng với Chibooks để đơn vị này làm đại diện cho gần 100 tác phẩm văn học chào bán bản quyền ra nước ngoài. Nhiều người trong ngành ban đầu đã tỏ ý e ngại cho dự án có vẻ quá tham vọng trên.
Các nhà xuất bản nước ngoài thường chú ý tới những cuốn sách phát hành từ hàng chục ngàn cho tới cả triệu bản, mà hầu hết đầu sách trong nước chỉ đạt số lượng vài ba ngàn bản. Ngoài ra, ngành xuất bản Việt Nam chưa có các diễn giả tầm quốc tế về sách, chưa có những người chào bán bản quyền sách chuyên nghiệp.
Còn nhớ năm 2007, cuốn sách For Better or for Worse do giáo sư Thái Cẩm Hưng (Đại học Berkeley, Mỹ) viết về xu hướng phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long lấy chồng Việt kiều đã nhanh chóng bán được 300 ngàn cuốn tại 26 nước.
Đối tượng mua sách là các thư viện, các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội, các nhà sách ở các nước trên thế giới. Nhu cầu tìm hiểu xã hội Việt Nam đương đại của thế giới rất lớn, mà những cuốn sách do người Việt viết về đất nước lại khó “bơi được ra biển”.
Cách đây không lâu, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất bản ASEAN, bà Nova Rasdiana đã từng chia sẻ: “Trước khi sang Việt Nam, tôi đã lục tung các thư viện tại Indonesia để tìm các cuốn sách viết về đất nước các bạn. Tuy nhiên, tôi chỉ tìm được năm cuốn do tác giả nước ngoài viết mà không có sách của tác giả Việt. Nội dung sách phản ánh chủ yếu chiến tranh ở Việt Nam. Không có một cuốn sách nào phản ánh về tình hình kinh tế – văn hóa – đời sống Việt Nam hiện tại”.
Một đầu bếp người Hà Lan đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh cho biết trước khi sang Việt Nam, anh tìm khắp các nhà sách ở Rotterdam mà không thấy quyển sách nào viết về ẩm thực Việt, trong khi đó sách về món ăn Thái, Philippines, Malaysia thì có khá nhiều. Có thể nói xuất khẩu sách yếu kém cũng gây thiệt thòi trong quảng bá hình ảnh đất nước.
Năm 2016, Việt Nam chi 19,36 triệu USD để nhập sách báo nhưng xuất khẩu chỉ đạt 3,9 triệu USD. Hầu hết doanh nghiệp làm sách hàng đầu hiện nay đều không mặn mà với việc đưa sách Việt ra nước ngoài. Nguyên nhân là chi phí cao trong khi cơ hội bán được bản quyền lại không nhiều, rủi ro thất bại lớn.
Theo ý kiến của nhiều người trong ngành, giữa bối cảnh đất nước đang hội nhập mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, hoạt động xuất khẩu sách cần có sự quan tâm, góp sức của các cơ quan quản lý trong nước và đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt thị hiếu, cơ hội hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tự “bơi”, đưa sách ra thế giới.