Kể từ ngày 17-9-2015, sau khi Nhật Bản và Việt Nam đạt được thỏa thuận về việc xuất khẩu xoài Việt Nam sang Nhật, đến nay đã có 2 tấn xoài được xuất khẩu sang Nhật theo đường hàng không. Đây là tín hiệu vui tiếp theo trong năm cho ngành trái cây Việt Nam sau khi trái vải vào được thị trường Úc hồi tháng 6. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người trong nghề, từ việc mở được thị trường cho đến việc tạo được thương hiệu để tăng lượng trái xoài xuất khẩu sẽ còn rất nhiều việc phải làm.
Sau thỏa thuận giữa Việt Nam và Nhật Bản về xuất khẩu xoài, một số doanh nghiệp đã đi khảo sát các vùng trồng xoài cát chu lớn tại Đồng Tháp và An Giang, nhưng số doanh nghiệp có thể tổ chức xuất khẩu xoài sang Nhật thời gian tới có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giám đốc một công ty xuất khẩu trái cây tại Đồng Nai cho biết nguồn cung xoài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu khá ít nên giá cao, bên cạnh đó cước phí máy bay vận chuyển tại Việt Nam lên đến 2,1 USD/kg, trong khi cước máy bay đối với xoài của Thái Lan và Philippines, hai đối thủ lớn nhất của xoài Việt lần lượt là 0,5 USD/kg và 0,7 USD/kg. Ngoài ra, phí chiếu xạ ở Việt Nam lên đến khoảng 1 USD/kg trái cây, cao gấp bốn lần so với ở Thái Lan. Các nguyên nhân này dẫn đến giá xoài Việt khi giao cho đơn vị phân phối tại Nhật hiện nay là từ 7,5 – 8 USD/kg, còn xoài Thái Lan hiện trung bình chỉ khoảng 5 USD/kg.
Theo trả lời của ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trên báo Nông Nghiệp Việt Nam, một điểm yếu của xuất khẩu xoài Việt là hiện vẫn chưa hình thành được các hợp tác xã đủ mạnh để liên kết với doanh nghiệp, đồng thời xây dựng vùng xoài nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, mà mới chỉ dừng lại ở các nhóm liên kết hộ. Còn PGS-TS Nguyễn Minh Châu – nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam nhận xét: “Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quy trình sản xuất không đồng nhất, những mô hình sản xuất theo VietGAP còn quá nhỏ lại chưa có thương hiệu, việc xuất khẩu sẽ còn bấp bênh. Cứ giữ cách làm đi thu mua về đóng gói, dán nhãn, sớm muộn gì doanh nghiệp cũng sẽ bị mất khách hàng, như đã từng xảy ra với một số công ty xuất khẩu trái cây trong thời gian qua”.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu, muốn hoạt động xuất khẩu trái cây tăng trưởng một cách bền vững, nông dân cần được liên kết lại để sản xuất theo quy trình thống nhất, an toàn. Đồng thời nông dân phải liên kết với doanh nghiệp để tổ chức đóng gói trái cây sao cho đẹp, có dán nhãn nơi sản xuất, qua đó từ từ xây dựng thương hiệu. Ngoài ra để nông dân liên kết được với nhau, nông dân liên kết được với doanh nghiệp, Nhà nước cần làm tốt trách nhiệm của mình trong xây dựng hợp tác xã kiểu mới, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho hợp tác xã kiểu mới. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, Đài Loan… nhà xưởng đóng gói đều được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng. Còn ở nước ta, hợp tác xã muốn xây dựng nhà đóng gói trái cây phải tự lo kinh phí, nên rất khó có thể làm được. Ngoài ra, nhà nước phải kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã, giúp doanh nghiệp và hợp tác xã gặp nhau, cùng bắt tay xây dựng vùng nguyên liệu lớn. Khi ấy, sản phẩm trái cây mới có sự đồng đều về hình thức, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, được dán nhãn, đóng gói đẹp… Để xây dựng thương hiệu thành công cần ít nhất từ 10-15 năm, do đó mọi việc cần được làm ngay từ bây giờ.
Cẩm Tú (DNSGCT)