Những cuộc đình công như thế này không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và uy tín của doanh nghiệp mà còn gây mất trật tự xã hội. Bài toán giảm thiểu đình công đã được các chuyên gia bàn luận sôi nổi tại buổi hội thảo với chủ đề “Tranh chấp lao động” do Công ty TNHH Anhgroup và báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 20-10-2012.
Cuộc đình công của công nhân Công ty Dệt may Phong Phú (Đà Nẵng) cuối năm 2011
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đình công
Đình công là hành động xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể không thể thỏa thuận được giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, phần lớn các tranh chấp là về lợi ích (thỏa thuận do đôi bên tự thương lượng, không quy định trong pháp luật), chỉ một số ít cuộc đình công xuất phát từ tranh chấp về quyền (quy định của pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Pháp luật “cho” người lao động quyền đình công để họ có thể đạt được sự thỏa hiệp về quyền lợi với doanh nghiệp.
Tại hội thảo, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Luật sư trưởng Hãng Luật Giải Phóng, cho rằng nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động tập thể là do ý thức chấp hành luật pháp của doanh nghiệp chưa tốt và hiểu biết luật của người lao động còn kém. Doanh nghiệp vi phạm luật lao động và luật công đoàn, không trả lương, thưởng xứng đáng với thời gian và cường độ làm việc của người lao động. Rất nhiều người lao động lại chưa hiểu hết về quyền và nghĩa vụ của mình quy định trong hợp đồng lao động. Khi không có được mức thu nhập hoặc chế độ phụ cấp như mong muốn thì họ tự ý bỏ việc, bất chấp luật lao động và các thỏa thuận đã ký.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không có công đoàn hoặc hoạt động của công đoàn chưa thật sự hiệu quả. TS Lê Thị Thúy Hương, Trưởng bộ môn Luật Lao động, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng bộ phận công đoàn của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa thực hiện tốt vai trò là chiếc cầu giữa công nhân với người sử dụng lao động. Kết quả của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho thấy chỉ khoảng 16% người lao động cảm thấy công đoàn có vai trò trong giải quyết tranh chấp.
Trên thực tế, dù doanh nghiệp có đảm bảo quyền lợi của người lao động theo đúng quy định của pháp luật thì tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công vẫn diễn ra. Vì theo TS Hồ Xuân Dũng, Phó trưởng phòng Lao động – Tiền công – Tiền lương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh thì nhiều trường hợp người lao động đình công chỉ để đạt một kỳ vọng nào đó như tăng lương, giảm giờ làm, tăng phúc lợi xã hội… Lẽ ra những kỳ vọng này sẽ được thương lượng kịp thời, không dẫn đến đình công nếu có sự đối thoại thường xuyên từ hai phía để hiểu rõ nguyện vọng của nhau. Tiếc thay, kênh đối thoại là công đoàn không tồn tại hoặc tồn tại nhưng thất bại trong thấu hiểu và thương lượng. Vậy nên người lao động không còn cách gì khác hơn là đình công để được bày tỏ nguyện vọng của mình.